Những ngôi nhà có kiến trúc kỳ dị nhất Việt Nam
Những căn này không chỉ mang kiến trúc độc đáo mà nó còn chứa đựng tâm huyết suốt cuộc đời của gia chủ.
"Ngôi nhà điên" ở Đà Lạt
"Biệt thự Hằng Nga" hay "Ngôi nhà điên" đã trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn của Đà Lạt trong suốt một thập kỷ vừa qua. Công trình do nữ kiến trúc sư người Việt Nam- Đặng Việt Nga thiết kế nên ban đầu được đặt tên là "Biệt thự Hằng Nga", nhưng sau này đổi tên thành "Crazy House" hay "Ngôi nhà điên".
Tọa lạc tại số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Đà Lạt, ngôi nhà biệt thự phá cách này tọa lạc trên một khuôn viên rộng gần 1600 mét vuông.
Khách tham quan có thể có cảm giác như đến thăm xứ sở thần tiên của Alice khi ngắm các ô cửa sổ lồi lõm, hình thù kỳ lạ hay khu vườn trong lâu đài với một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối vào biệt thự.
Biệt thự Hằng Nga bao gồm khách sạn Hốc Cây và lâu đài Mạng Nhện, đó là hai thân cây cổ thụ làm bằng bê tông, trong đó có những gian phòng mang tên hang của các loài vật như Kangaroo, Hổ, Gấu, Trĩ, Khỉ... và để lên được những "cái hang" này, du khách phải đi qua một cầu thang bao vòng quanh thân cây.
Điều đặc biệt ở ngôi biệt thự này là từ trần đến cửa và mái đều thiết kế tuỳ hứng không theo quy luật, thả sức uốn lượn, cửa sổ được cắt theo những hình thù kỳ lạ và đặt ở trong những chỗ lồi lõm của những bức tường hình bầu dục.
Từ trên ban công hay từ những ô cửa sổ, du khách có thể ngắm nhìn khu vườn trong lâu đài với một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối vào của khách sạn. Mảnh vườn tuy nhỏ nhưng là nơi hội tụ của hoa lá, chim muông và của con người tìm đến sự thanh thản trong tâm hồn.
Hình thù "quái dị" của một hạng mục trong ngôi nhà
Phòng ngủ được bố trí màu sắc, vật dụng khiến cho người ở cảm nhận được sự ấm áp, độc đáo và gần gũi với các loài vật
Quang cảnh bên ngoài Crazy House
Ngôi nhà được gắn toàn chén, đĩa cổ ở Vĩnh Phúc
Đam mê đồ cổ nhưng vì nhà quá chật không có chỗ để nên ông Nguyễn Văn Trường (53 tuổi) ở làng Kiệu Sơn, xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) mang hết đĩa cổ, chén bát mình tìm kiếm, mua được gắn hết lên tường nhà, cổng và hòn non bộ.
Theo ông Trường, để có được số chén, đĩa, bình gốm cổ trên ông đã phải lăn lộn khắp các tỉnh miền Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái, Lào Cai… để tìm kiếm và mua lại.
Trong số đồ cổ đó lượng đĩa cổ chiếm hơn một nửa, nhiều chiếc đĩa cổ, chén, bình gốm cổ quý giá mà ông Trường sưu tầm được có niên đại từ thế kỷ 17, 18.
Ông Trường cho biết sau khi xuất ngũ ông về quê lấy vợ rồi đi làm nghề mộc và sơn bàn ghế, trong một lần đến sơn bàn ghế cho một ông lão làm nghề buôn bán đồ cổ ở trong huyện, được tiếp xúc với ông lão và nhiều món đồ cổ độc, lạ khiến ông Trường mê tít đồ cổ từ lúc nào không hay, vậy là ông bắt đầu từ bỏ nghề mộc về đi buôn đồ cổ.
Bỏ hết tiền bạc vốn liếng của gia đình đi mua đồ cổ nhưng mua được chừng nào ông mang hết về nhà lau chùi sạch sẽ rồi cất giữ mà không bán. Hết vốn, ông vay mượn bạn bè tiền rồi xách balô đi khắp các xã huyện lân cận tìm đồ cổ, có lần ông đi liền cả tháng trời.
Ông Nguyễn Văn Trường trước cổng ngôi nhà của mình
Tường mặt trước ngôi nhà được gắn bằng chén, đĩa cổ
Bên trong ngôi nhà độc đáo và kỳ dị bởi hàng trăm đĩa cổ
"Biệt thự" kỳ quái tại xứ Nghệ
“Siêu biệt thự” cao đến chục tầng xây từ đá táp lô và trụ bê tông, do lão nông nghèo Nguyễn Ngọc Cường (55 tuổi, xóm Đồng Xoài, Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An) tự tay thiết kế và xây dựng; căn nhà từng đánh thức trí tò mò của không ít người dân địa phương và lữ khách mỗi dịp đi qua.
Cận cảnh “biệt thự” có một không hai ở xứ Nghệ
Dãy cột mảnh mai bao bọc xung quanh
Biệt thự 2 tầng kỳ dị tại Quảng Nam
Căn biệt thự độc đáo này tại thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) do ông Huỳnh Hộ (SN 1931) đi nhặt vật liệu xây dựng gồm gạch, ngói, đá, sắt... gần 40 năm qua để xây dựng nên.
Gần 40 năm qua, ông Hộ đi nhặt vật liệu xây dựng để xây nên "biệt thự"
Phía sau của ngôi nhà tự xây
Cột nhà được xây bằng đá, cát và sắt
Vân Anh (tổng hợp)