Những gia đình 'trẻ con' dưới dốc Cổng Trời
Tại nhiều thôn bản của đồng bào dân tộc Mông di cư ở huyện Krông Bông, tỉnh Đak Lak, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra rất phổ biến. Trong đó, thôn Cư Tê, xã Cư Pui là một ví dụ điển hình.
Hai vợ chồng Sùng Văn Chiến và Tráng Thị Súa lấy nhau khi Chiến 17 tuổi, Súa chưa đầy 14 tuổi. Căn nhà lồ ô hơn 10m2 phải che thêm bạt ni-lon để tránh mưa, tránh nắng. Lấy nhau 4 năm thì 3 đứa con lần lượt ra đời, mỗi đứa cách nhau 1 năm.
Không đất sản xuất nên Chiến phải đi làm thuê lấy tiền mua gạo, Súa chẳng biết làm gì ngoài việc trông con.
Chiến tâm sự: “Cha mẹ hai bên đều nghèo. Mình lấy vợ rồi ra ở riêng khi chưa có nhà, không có đất sản xuất.Hơn 3 năm đi làm thuê dành dụm được ít tiền mua được mảnh đất dựng tạm căn nhà nhỏ để ở. Giờ ít người thuê làm nên nhiều hôm không có tiền mua gạo phải ăn sắn thay cơm. Mong ước của mình làm sao có được mấy sào đất trồng ngô, trồng sắn để nuôi vợ, nuôi con”.
Vợ chồng Sùng Văn Chiến và Tráng Thị Súa cùng 3 đứa con |
Trường hợp của chàng trai Ma Văn Sự là một hoàn cảnh tương tự. Sự lấy vợ khi vừa tròn 16 tuổi. Đứa con đầu lòng ra đời được hơn 2 năm thì người vợ bỏ đi. Sự đưa con trai từ huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) vào định cư tại thôn Cư Tê.
Tại đây, Sự quen và lấy Giàng Thị Dợ (lúc đó Dợ mới 13 tuổi). Đến nay vợ chồng Sự và Dợ đã có với nhau 4 đứa con chung (đứa đầu 5 tuổi, đứa thứ tư mới được hơn 4 tháng) trong khi Dợ mới bước sang tuổi 18.
Gia đình Sự thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cả “gia tài” của gia đình Sự chỉ có căn nhà tranh hơn 10m2 dựng tạm trên mảnh đất mượn của người anh rể. Vật dụng có “giá trị” nhất trong căn nhà này có lẽ là một chiếc giường tre ọp ẹp kê ở góc nhà. Mọi chi tiêu của hai vợ chồng và 5 đứa con chỉ trông chờ vào hơn 7 sào đất trồng ngô và trồng sắn. Cuộc sống khó khăn khiến 5 đứa trẻ thiếu thốn đủ điều, đứa thì đứa thiếu quần, đứa thiếu áo; cuộc sống bữa cháo, bữa khoai.
Hằng ngày Sự đưa 3 đứa con nhỏ sang căn lều nhỏ bên rẫy vừa trông con, vừa làm đất, có ai thuê việc gì thì làm. Khi được hỏi về việc học hành và tương lai của 5 đứa trẻ, người cha ấy đã không thể đưa ra câu trả lời mà quay sang giãi bày hoàn cảnh khốn khó như thể trốn tránh một thực tại chua xót:
“Năm 2014, thôn xét đề nghị cấp trên hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167 nhưng gia đình không có đất để làm. Nhà chỉ có một ít đất triền đồi nên sắn và ngô xấu lắm. Trời nắng hạn thế này chắc sẽ bị mất mùa. Chỉ có một mình đi làm nên hằng năm thiếu ăn gần 6 tháng, phải nhờ đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Mấy đứa con thường xuyên bị đau ốm mà không có tiền mua thuốc”, Sự phân trần cho hoàn cảnh khốn khó của gia đình mình.
Cách nhà Sự không xa là cặp vợ chồng Tráng Seo Lềnh và Thào Thị Vương. Tráng Seo Lềnh 17 tuổi, Thào Thị Vương đến nay mới bước sang tuổi 15 - lứa tuổi đáng ra còn cắp sách đến trường với biết bao hoài bão và dự định cho tương lai. Nhưng giờ đây cặp vợ chồng “trẻ con” này đã có 1 con trai được 9 tháng tuổi.
Do không biết cách chăm sóc nên đứa con bị bệnh viêm phế quản. Lềnh suốt ngày đi đá bóng, bẫy chim hoặc vào rừng lấy mật ong, Vương chẳng biết làm gì ngoài việc địu con đi chơi cùng với những đứa trẻ trong xóm. Vương tâm sự: “Do chưa có kinh nghiệm nuôi con nên mọi việc đều nhờ mẹ chồng chăm sóc. Sức khỏe yếu, chưa thạo nhiều công việc nên em chỉ ở nhà. Chủ yếu chăm con, nấu cơm”.
Ở cái thôn Cư Tê nói riêng và nhiều thôn bản khác trong tỉnh Đak Lak, tình trạng tảo hôn đã và đang diễn ra hết sức phổ biến. Hệ lụy của tình trạng này là những gia đình “trẻ con” luôn trong cảnh đói nghèo.
Hầu hết họ đều không đi học hoặc chỉ học hết bậc tiểu học rồi bỏ. Tất cả đều không am hiểu về pháp luật, thiếu kinh nghiệm sống. Thêm vào đó, con cái họ đa số bị suy dinh dưỡng, ốm đau và thất học. Thực trạng trên cho thấy, nếu không có các giải pháp phù hợp, nhằm hạn chế thì không chỉ riêng thôn Cư Tê mà các thôn đồng bào Mông di cư sẽ còn gặp rất nhiều hệ lụy từ vấn nạn này.
Thành Long (Lược theo báo Dak Lak)