Những chuyện ‘lơ đễnh’ của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Có đêm đang ngủ, chợt nghĩ ra một công thức nào đó, ông bật dậy ghi ghi chép chép rồi lại ngủ tiếp. Cả tuần có khi không tắm, giày thì để cóc vào làm tổ, quần áo vứt dồn mấy ngày liền đến nỗi bốc mùi...
“Lơ đễnh” là tính từ đầy trìu mến, thân thương mà bà Nguyễn Thị Khánh thường dùng mỗi khi nhắc về chồng mình – cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. “Ông Nghĩa hay lơ đễnh đối với việc chăm sóc bản thân, gia đình nhưng tuyệt nhiên với công việc thì ông ấy lao động say mê và tập trung cao nhất”, bà Khánh khẳng định như vậy.
Một ngày cuối tháng 7, được sự hướng dẫn của một cán bộ tuyên huấn Trường Đại học Trần Đại Nghĩa, chúng tôi được trò chuyện với bà Nguyễn Thị Khánh trong căn nhà cũ, ấm cúng tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Gần 90 tuổi nhưng bà còn rất minh mãn, gương mặt phúc hậu, phong thái vẫn giữ nét lịch thiệp, hiếu khách của người thiếu nữ Kinh Bắc thưở nào.
Bà kể những câu chuyện về ông cho chúng tôi nghe. Thỉnh thoảng nhắc đến “thói quen xấu” của ông, bà lại nở nụ cười thật hiền và nói “Ông Nghĩa lơ đễnh lắm.” Những điều giản dị trong đời thường ấy càng khẳng định Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về đạo đức, lối sống và tinh thần trách nhiệm trong công việc. Với ông, cuộc sống lúc nào cũng gần gũi, tình cảm và đạm bạc nhưng ông luôn cảm thấy thoải mái, hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Khánh bên di ảnh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (Ảnh: Lê Hùng Khoa)
Bà Khánh nhớ lại những ngày làm công tác quân y tại Cục Quân giới lúc ông làm Cục trưởng. Cô y tá xinh đẹp ngày ấy đã nghe và cảm phục về tài năng của thủ trưởng. Nhưng trong mắt cô, ông Cục trưởng là một người quần áo lôi thôi, không có gì “bắt mắt”, lại lớn hơn cô nhiều tuổi.
Hồi ấy, Cục Quân giới đóng trên đồi cao ở Chiến khu Việt Bắc. Để chống quân Pháp nhảy dù, ông hiến kế cắm cọc nhọn ở các khu đất trống xung quanh. Không ngờ, có lần, chính ông bị va trúng cọc và người chăm sóc cho ông là cô y tá Khánh. Tình cảm hai người được bồi đắp dần và một lễ cưới đơn sơ được tổ chức ngay trong chiến khu.
Trước hôm đám cưới, có người định viết thư báo với Bác Hồ, nhưng ông gạt đi: “Bác còn bao nhiêu việc lớn của đất nước, đừng làm phiền Bác việc nhỏ này”. Ông gom góp được 50 đồng đi mua quả mắc coọc để làm cỗ cưới. Bà Khánh kể: “Trong chiến khu chỉ dám mời những người thân đến chung vui. Anh em lại góp thêm mỗi người vài đồng để nhờ các anh nuôi nấu bữa cơm làm cỗ cưới. Lễ nhanh để còn kháng chiến chống giặc”.
Ở chiến khu Việt Bắc, hình ảnh người kỹ sư “Việt kiều Pháp” miệt mài tính toán công thức tốc độ cháy, đốt thử các loại thuốc súng, ngày đêm chăm chú kẻ vẽ với cây thước tính trong tay… đã trở nên quen thuộc với mọi người. Tuy vậy, ai cũng sợ khi đi ngang căn phòng của ông vì nơi đó rất nguy hiểm. Căn phòng ấy chứa đầy thuốc nổ đủ loại, la liệt các loại đạn, hạt lửa… Trách nhiệm lúc nào cũng đè nặng lên vai ông.
Bà Khánh thường lui tới chăm sóc chồng nhưng cũng chỉ ở bên ngoài phòng, phải nhờ người liên lạc mang quần áo, thức ăn, thuốc cho ông. Bà kể: “Yêu cầu vũ khí của chiến trường rất cấp bách, không ai được phép làm mất thời gian nghiên cứu quý báu của ông. Ông biết rằng, chỉ một sai sót nhỏ trong nghiên cứu chế tạo, có thể phải trả giá bằng xương máu của người chiến sĩ nơi chiến trường. Tôi chỉ lo là ông hay có thói quen hút thuốc mỗi khi tư duy mà căn phòng thì đầy chất nổ, nguy hiểm luôn rình rập. Đến cuối tháng 2/1947, cuộc thử nghiệm đạn ba-dô-ca thành công, góp phần thắng lợi cho chiến trường”.
Chính lòng say mê nghiên cứu khoa học, lao động nghiêm túc khiến ông không ít lần “lơ đễnh” với bản thân. Có đêm đang ngủ, chợt nghĩ ra một công thức nào đó, ông bật dậy ghi ghi chép chép rồi lại ngủ tiếp. Cả tuần có khi không tắm, giày thì để cóc vào làm tổ, quần áo vứt dồn mấy ngày liền đến nỗi bốc mùi...
Có lần ông gọi bà lên, hốt hoảng: “Bác Hồ sắp đến thăm đơn vị. Em giúp anh dọn dẹp căn phòng với. Bác nhìn thấy sẽ phê bình”. Đó là lần hiếm hoi, bà thấy ông bối rối về tật “lơ đễnh” của mình. Lần khác, ông đi tắm suối nhưng đến quá nửa ngày chưa thấy về. Mọi người trong chiến khu lo lắng, tổ chức đi tìm thì phát hiện ông đang ngồi trên tảng đá hý hoáy ghi chép gì đó. Hay lúc bà nhờ giữ con thì khi bà về thấy con mặt mũi lem luốc còn bố cứ mải mê đọc sách. Thương ông, thương con, bà chăm lo chu toàn việc gia đình để ông yên tâm làm việc.
(còn tiếp)
Theo Sự kiện và Nhân chứng