Những chuyện ‘lơ đễnh’ của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (2)
Lại nói chuyện dự họp, nhiều lần ông đến họp với chiếc mũ mới nhưng ra về lại là mũ cũ, rách mướp.
Dù ở bất kỳ cương vị nào, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cũng luôn là một tấm gương liêm khiết và chính trực. Tiền chi phí ăn uống các cuộc họp dài ngày đều phát cho các bộ nhưng lần nào ông bị ốm phải vắng mặt thì ông đều liên hệ với ban tổ chức đề nghị được nộp lại số tiền ấy bởi “không tham gia, cầm tiền thấy áy náy”.
Ông lại là người rất chính xác về giờ giấc. Ông tranh thủ từng giờ, từng phút để làm việc. Có lý do gì không đến đúng giờ, ông đều thông báo trước. Ông rất dễ tính, ăn uống sao cũng được, không chú ý đến hình thức bên ngoài. Ông thích mặc áo bà ba. Nhưng do sống trong rừng không quen nên mỗi khi đi lại hay bị vướng gai của cây rừng làm rách áo. Bà nhớ có lần Bác Hồ thấy ông mặc áo rách đã quở trách bà: “Thím Nghĩa đâu mà để chú Nghĩa ra nông nỗi này?”.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ành: Vast.ac
Lại nói chuyện dự họp, nhiều lần ông đến họp với chiếc mũ mới nhưng ra về lại là mũ cũ, rách mướp. Lúc đầu, bà tưởng ông nhầm, về sau bà hỏi ra mới biết: Lúc tan họp ra về, ông không nhớ cái mũ mới của mình như thế nào, sợ lấy nhầm của người khác nên ông chọn cái mũ rách nhất về cho mình. Cuối cùng, anh liên lạc phải ghi vào mũ dòng chữ “Mũ của Giáo sư Trần Đại Nghĩa” để ông đỡ bị quên.
Mỗi tuần, ông đều dành thời gian để kèm cặp bốn cậu con trai học hành. Phương pháp học mà ông truyền cho con hết sức đơn giản: Không được học thuộc lòng mà phải biết tóm tắt lại kiến thức đã học, gạch đầu dòng những vấn đề chính để nhớ cho dễ dàng. Nói đến đây, bà Khánh nghẹn lời: “Thời gian ông dành cho gia đình không nhiều nhưng suốt thời gian chung sống với nhau, tôi chưa bao giờ giận ông. Ông ít nói nhưng sống giàu tình cảm. Ông là con người của công việc, lao động nghiêm túc. Hạnh phúc của ông là phụng sự đất nước. Đó cũng là hạnh phúc của gia đình”.
Cuối thập niên 1980, gia đình chuyển vào sinh sống ở TP HCM. Bà Khánh cho biết: “Ông đã chọn căn nhà nhỏ này được xây dựng trước năm 1975. Ông bảo có ở bao nhiêu mà nhận to, để Nhà nước cấp cho người khác. Trước nhà này lại có cây xoài trĩu quả nên ông thích lắm”. Gần 20 năm sinh sống ở miền Nam, ông vẫn đọc sách, nghiên cứu nhiều tài liệu quý và đóng góp nhiều ý kiến khoa học quan trọng cho thế hệ trẻ.
Trong căn nhà hiện nay của gia đình, phòng làm việc của cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa vẫn bài trí u như lúc ông còn sống. Bà Khánh vẫn quét dọn hằng ngày và giữ thói quen ngủ trên căn phòng tầng hai, mặc dù đi lại vất vả. Bà nói về ông với niềm tự hào: “Ông đã hoàn thành sứ mệnh và về với Bác Hồ. Ông sống giản dị và có một thứ quan trọng hơn cả mọi danh hiệu: Đó là sự ghi nhận của nhân dân, đất nước, của lịch sử về những đóng góp của ông cho Tổ quốc”.
Có lẽ, nói về cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, chúng ta không chỉ nhớ đến người Cục trưởng Cục Quân giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho nền công nghiệp quốc phòng non trẻ, một con người dám từ bỏ công việc với lương tháng 22 lượng vàng để theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc, từ bỏ cuộc sống sung sướng nơi Pa-ri hoa lệ, chấp nhận khó khăn, thiếu thốn nơi rừng sâu Việt Bắc để nghiên cứu chế tạo vũ khí góp phần đánh đuổi quân xâm lược Pháp.
Hình ảnh của ông còn lắng đọng trong tâm trí mọi người là một con người nhân hậu, khiêm tốn, bình dị. Một nhà khoa học uyên thâm hay “lơ đễnh” nhưng luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, sống trọn nghĩa, vẹn tình./.
Theo Sự kiện và Nhân chứng