Những 'bóng hồng' trong cuộc đời nhà văn Tô Hoài
Bên cạnh câu chuyện tình yêu đầy cảm động với người vợ Nguyễn Thị Cúc, nhà văn Tô Hoài còn có mối tình đầu sâu đậm với một cô gái trẻ những năm 1941...
Cô gái trẻ Hà Thành bén duyên chàng văn sỹ
Mối tình của nhà văn Tô Hoài và vợ - bà Nguyễn Thị Cúc là một chuyện tình dài hạnh phúc nhưng cũng không ít éo le.
Tuy bà Cúc không phải là mối tình đầu, càng không phải là mối tình duy nhất của nhà văn tài hoa Tô Hoài, nhưng bà là người đã cùng cụ Tô đi đến tận cuối cuộc đời, cùng nhau nếm trải tất cả buồn vui của cuộc sống.
Người vợ Nguyễn Thị Cúc là người luôn sát cánh cùng nhà văn Tô Hoài (Ảnh: Newsgo.vn)
Bà Cúc - vợ nhà văn Tô Hoài kể lại: " Hồi trẻ, ông Tô Hoài rất duyên, từng hớp hồn biết bao cô gái, bản thân tôi, ngay khi lần đầu tiên gặp ông Tô Hoài dịp ông về cùng với anh trai, đã cảm nhận thấy một sự khác biệt…"
Thế rồi, kể từ ngày đó, người con gái Hà thành trẻ trung, xinh đẹp đã bén duyên với chàng văn sỹ Nguyễn Sen ( nhà văn Tô Hoài). Bà bảo: “Vì thích lãng mạn mà, yêu văn nghệ sỹ nên phải chịu khổ. Tôi đã xác định thế rồi”.
Cũng từ đó, người con gái trẻ phải yêu trong mỏi mòn chờ đợi, cùng chồng vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ của cuộc đời người chiến sĩ cách mạng.
Bà Cúc ngậm ngùi kể lại: "Đã 70 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ như in kỷ niệm về một đám cưới chỉ có đúng một mâm cơm, khách mời chỉ có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và vợ chồng nhà thơ Tố Hữu. Xong xuôi cỗ bàn, cô dâu lên giường đi ngủ với…mẹ chồng, vì đi sơ tán, lệ làng không cho vợ chồng ngủ chung".
Nhà báo Phương Vũ - con trai nhà văn Tô Hoài tâm sự : "Đến bây giờ, mẹ tôi vẫn đùa rằng: Cả đời chưa một lần lên xe hoa, chưa có một đêm tân hôn".
Lấy nhau, nhưng trong mấy năm đầu, ông bà không hề được ở gần nhau. Cưới xong, ông lại đi luôn, lên chiến khu Việt Bắc, còn bà ở lại Phú Thọ.
" Đau khổ nhất đối với tôi đó là việc chịu đựng những lời đàm tiếu không hay của hàng xóm. Có người còn đến tận nhà mách : "Ông Tô Hoài có con với người khác". Đối với một người phụ nữ, đó là nỗi lòng đau khổ tột cùng không biết chia sẻ cùng ai".
Nhưng bằng tình yêu, bằng niềm tin son sắt đối với chồng, bà Cúc vẫn một mình nuôi con và chờ chồng trở về.Cho đến bây giờ, hai vợ chồng đã đến cái tuổi " cổ lai hy" nhưng bà Cúc vẫn dành cho nhà văn Tô Hoài một tình yêu, một sự chăm sóc chu đáo, tận tình.
Các cuộc gặp mặt bên Hội Nhà văn hay lễ ra mắt sách, hội thảo về các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, bà Cúc luôn có mặt bên ông. Khi đã nắm tay nhau đi gần hết cuộc đời, bà Nguyễn Thị Cúc cảm thấy hài lòng với cuộc sống, hạnh phúc với chồng.
Bóng hồng trong quá khứ
Trước khi đến với bà Cúc, nhà văn Tô Hoài có mối tình sâu đậm với một cô gái ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) tên là Nguyễn Kim Phượng.
Hồi đó, ông viết xong Dế Mèn phiêu lưu ký cho báo Tân Dân, lĩnh được 30 đồng nhuận bút và quyết phiêu lưu miền Nam một chuyến.
Đó là khoảng năm 1941. Trong chuyến đi này, ông gặp cô Nguyễn Kim Phượng và trúng tiếng sét ái tình. Hai người yêu nhau say đắm và đã có ý định cưới xin.
Ngày nhà văn trở ra Bắc, cả ông và bà Phượng không thể ngờ đó chính là ngày biệt ly kéo dài… hơn 40 năm. Những năm đầu, họ còn liên lạc được với nhau qua thư từ. Mặc dù, một bức thư phải hàng tháng trời mới nhận được, thậm chí có khi tới 5 tháng vì phải đi đường vòng.
Năm 1975, bà Phượng theo gia đình sang Pháp, rồi mới lập gia đình. Bà kết hôn với một người Pháp, rồi người chồng mất sớm. Về phía bố tôi, ông vẫn viết thư đều đặn cho bà Phượng, dù hy vọng rất mong manh. Lần nào đi nước ngoài, nhà văn Tô Hoài cũng nhờ người này, người kia tìm kiếm bà.
Sau khi Việt Nam thống nhất, từ Pháp, bà Phượng thông qua hội Việt kiều hỏi han tin tức của cụ.Không hiểu sao, sau bao năm bặt vô âm tín, bà Phượng vẫn luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng sẽ có ngày được gặp lại người yêu đầu, Người nhận: Nhà văn Tô Hoài/ Địa chỉ: Hội Văn nghệ Hà Nội.
Rất may, cả Hà Nội rộng mênh mông, nhưng Hội Văn nghệ Hà Nội dù không đề địa chỉ, thư vẫn đến được tay nhà văn Tô Hoài.
Đó là vào những năm 1980. Kể từ đó, hai người nối lại được liên lạc với nhau qua thư từ. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của bà Phượng với ông không thành vì bà về đột ngột, còn ông lúc đó lại đi công tác. Bà không thể nán lại Hà Nội lâu hơn để chờ ông.
Nụ cười viên mãn của nhà văn Tô Hoài (Ảnh: Vietbao.vn)
Rồi một thời gian sau, cụ và bà Phượng chính thức gặp lại nhau sau hơn 40 năm xa cách.Trả lời cho thắc mắc về phận làm con mà vẫn “tiếp tay” cho bố giấu mẹ đến với “người tình”, anh Vũ cười:Thực sự thì người phụ nữ nào cũng có sự ghen tuông, nhưng tôi hiểu bố tôi. Bản năng con người vốn rất nhiều tình cảm, nhất là người nghệ sĩ.
Tôi trân trọng tình cảm của bố và bà Phượng. Đó hoàn toàn là thứ tình cảm trong sáng, tự nhiên và rất đẹp, không hề toan tính”
“Đằng sau một người đàn ông tài hoa luôn có bóng dáng của rất nhiều người phụ nữ …!?”. Với một người tài hoa như nhà văn Tô Hoài, chuyện đó lại càng… rôm rả!
Thanh Hảo ( tổng hợp)