Những biến chứng đáng sợ của bệnh sởi
Sởi là bệnh theo mùa, thường gặp ở trẻ nhỏ và là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị biến chứng dẫn đến tử vong.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...
Điều đáng sợ nhất của sởi không phải là ban mà là các biến chứng. Có khoảng 30% trẻ em bị sởi xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng. Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc.
Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi...
Bác sĩ CK2 Huỳnh Trọng Dân - Khoa Nhiễm – BV Nhi Đồng 2 đã chỉ ra những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi:
1. Viêm phổi
Viêm phổi là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi. Hiện tại, đã có nhiều trẻ viêm phổi nặng phải thở máy, một số xuất hiện biểu hiện nặng là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) và tử vong. Khoảng 1/10 bệnh nhi sởi sẽ bị nhiễm trùng tai (viêm tai giữa) và có thể gây điếc vĩnh viễn nếu không điều trị đúng và kịp thời.
2. Tiêu chảy
Tiêu chảy cũng thường gặp ở những trẻ bị sởi. Tiêu chảy sau sởi nặng nề hơn và có nhiều biến chứng hơn tiêu chảy cấp do siêu vi thông thường. Viêm loét giác mạc có thể gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và có thể gây mù vĩnh viễn. Ở trẻ em châu Phi, sởi là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Năm 2008, ước tính trên thế giới có 164.000 trẻ em chết do sởi. Những biến chứng nói trên thường gặp nhất ở trẻ em nhỏ hơn 5 tuổi và những người lớn hơn 20 tuổi.
3. Lao
Sởi làm tăng nguy cơ trầm trọng bệnh lao tiềm ẩn và làm gia tăng mức độ lao sơ nhiễm.
4. Viêm tai giữa
Sốt cao, quấy khóc, chảy mủ 1 hoặc 2 bên tai.
5. Viêm thanh quản
Có thể kèm cơn khó thở về đêm, ho hen, khàn giọng, nếu nặng có thể khó thở thanh quản.
6. Xuất huyết giảm tiểu cầu
Thường xảy ra từ ngày 3 đến ngày 5
Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc
7. Viêm não do sởi
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh của Mỹ, cứ khoảng 1.000 trẻ bị sởi thì có một trẻ bị viêm não. Viêm não có thể gây co giật, hôn mê, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của trẻ sống sót. Phụ nữ mang thai nếu bị sởi thì có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
8. Viêm não xơ hóa bán cấp
Bệnh này chỉ xuất hiện sau khi trẻ bị sởi từ 7-10 năm. Những trẻ mắc sởi lúc tuổi càng nhỏ thì nguy cơ này càng tăng. Biểu hiện đầu tiên là thay đổi nhân cách, sau đó rối loạn vận động, co giật, sa sút trí tuệ. Trẻ thường tử vong sau 1-2 năm phát hiện bệnh.
Theo TS.BS. Lê Minh Khôi - Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh sởi là một bệnh rất dễ lây lan và có biến chứng nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa một cách hữu hiệu. Nên cách ly trẻ có biểu hiện sởi càng sớm càng tốt ngay khi có triệu chứng. Tuy nhiên, một đứa trẻ mắc sởi có thể có khả năng lây nhiễm cho nhiều trẻ khác trước khi xuất hiện triệu chứng. Chính vì vậy, phương pháp hiệu quả nhất, an toàn nhất vẫn là tiêm chủng sởi. Tiêm chủng không chỉ giúp cho bản thân trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan cho cả cộng đồng. Phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng vào lúc trẻ được 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc trẻ được 18 tháng tuổi.
Nếu không may một trẻ có những biểu hiện nghi ngờ như sốt, ho, viêm kết mạc và nổi hồng ban từ chân tóc xuống mặt rồi lan ra toàn thân thì cần phải nghi ngờ, đặc biệt là nếu cháu bé có tiếp xúc trước đó với bệnh nhân sởi. Cần phải đưa bé tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và theo dõi kịp thời nhằm hạn chế phần nào những biến chứng đáng sợ của sởi.
An Nguyên (Tổng hợp)