Thứ ba, 14/05/2024 09:01
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Mô hình "Máy sấy dịch giun quế bằng không khí khô, nhiệt độ thấp" của nhóm học sinh Hà Nội được ban giám khảo đánh giá cao về sự sáng tạo và tính ứng dụng thực tiễn.

Mô hình sáng tạo, dễ ứng dụng vào thực tiễn

Ngày 22/12/2021, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải "Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc lần thứ 17".

Vượt qua hàng trăm bài thi của các thí sinh trên toàn quốc, mô hình “Máy sấy dịch giun quế bằng không khí khô, nhiệt độ thấp” của nhóm học sinh: Nguyễn Quang Hưng (Lớp 12D2, Trường THPT Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội); Lê Hà Chi (Lớp 12D2, Trường THPT Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội); Đinh Nguyễn Minh Châu (Lớp 12D2 Trường THPT Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội); Lê Nguyễn Gia Hưng (Lớp 9A9, Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội); Nguyễn Hương Anh Thư (Lớp 8A1, Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) đã được Hội đồng giám khảo quyết định trao tặng giải Nhất.

Hoc-sinh05

Mô hình “Máy sấy dịch giun quế bằng không khí khô, nhiệt độ thấp” của các em học sinh được Hội đồng giám khảo "Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc" trao giải Nhất.

Nhóm tác giả cho biết, mô hình máy sấy dịch giun quế bằng không khí khô, nhiệt độ thấp nhằm ít làm biến đổi các chất dinh dưỡng trong dịch giun quế (chủ yếu acid amin), bảo quản được lâu giúp các nhà nông nuôi giun quế, chế biến đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nguyên lý hoạt động của mô hình khá đơn giản là không khí sạch đi qua dàn lạnh để tách hơi nước, làm giảm độ ẩm để có được không khí khô. Sau khi đi qua dàn lạnh, không khí khô lạnh được hướng đi qua dàn nóng giúp làm mát và để tăng lại nhiệt độ.

Không khí khô (sau khi ngưng tụ hơi nước) được quạt thổi qua điện trở bổ sung nhiệt để tăng nhiệt độ khí tiêu chuẩn để sấy theo yêu cầu (khoảng 60 độ C), sau đó đi vào thùng sấy quay trộn.

Nguyên liệu gồm dịch giun quế và phụ gia (cám gạo) được định lượng theo tỉ lệ hợp lý theo yêu cầu, đưa vào phễu nạp, vào thùng sấy để bắt đầu quá trình sấy. Thùng sấy quay có lắp các cánh gạt, trộn, đảo đều để làm dịch giun nhanh khô. Hơi ẩm của nguyên liệu dịch giun được thoát qua cửa thoát ẩm trong suốt quá trình sấy.

Hoc-sinh

Nguyên liệu sau khi được sấy khô đến độ ẩm yêu cầu sẽ đưa ra ngoài qua cửa thoát liệu, bằng cách cho thùng sấy quay đảo chiều từ động cơ điện, được lập trình điều khiển tự động hoặc bằng tay theo yêu cầu thiết kế.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, với độ tuổi các em thì mô hình đã có tính năng mới là sấy dịch giun quế bằng không khí khô, nhiệt độ thấp là mô hình mới tại Việt Nam do sử dụng giàn lạnh, không khí khô, thùng sấy quay trộn nên thời gian khô nhanh hơn. Cùng với đó, nhiệt độ sấy thấp (khoảng 60 độ C) sẽ giữ nguyên được các chất dinh dưỡng của sản phẩm bột giun so với nguyên liệu ban đầu.

Đặc biệt, tính sáng tạo của mô hình ở chỗ, mô hình máy sấy được thiết thế đơn giản, vật tư dễ tìm tại Việt Nam và sử dụng thùng sấy quay có cánh gạt nguyên liệu để đảo, trộn đều nguyên liệu, giúp thoát ẩm tốt, thời gian sấy nhanh hơn. Giun quế là loài vật được sản xuất nhằm mục đích thương mại, là nguồn thức ăn mang giá trị dinh dưỡng cao. Khi sấy bổ sung thêm cám gạo rất phù hợp công nghệ của thức ăn chăn nuôi.

Khuyến khích niềm đam mê khoa học

Có con là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm học sinh đạt giải, chị Nguyễn Thị Huệ - mẹ của học sinh Nguyễn Hương Anh Thư (Lớp 8A1, Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho biết con gái chị và các thành viên khác đã theo đuổi đề tài từ cuối năm 2020.

"Cứ chủ nhật hàng tuần, cháu Anh Thư và các thành viên trong nhóm lại họp cùng nhau để thảo luận, nghiên cứu. Đến khoảng tháng 7/2021 thì gửi đề tài lên BTC cuộc thi. Đây là lần đầu tiên cháu Anh Thư tham gia cùng mọi người và may mắn đạt giải", chị Huệ chia sẻ.

Hoc-sinh09

Nguyễn Hương Anh Thư là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm học sinh giành giải Nhất với đề tài “Máy sấy dịch giun quế bằng không khí khô, nhiệt độ thấp”.

Thầy Vi Mạnh Tường - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong nhiều năm qua nhà trường thường xuyên có những hoạt động khuyến khích sự đam mê, sáng tạo khoa học của các em học sinh.

"Hàng năm, các em học sinh đều đạt được thành tích rất tốt trong các cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật cấp quận, thành phố và quốc gia. Thành tích này là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo của nhóm các em học sinh", thầy Tường đánh giá.

Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) khẳng định, trong nhiều năm qua cuộc thi đã trở thành sân chơi bổ ích cho các em thanh thiếu niên nhi đồng trong cả nước, giúp các em trau dồi kiến thức, kỹ năng sáng tạo để trở thành các nhà sáng chế trong tương lai.

Tại cuộc thi lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 681 đề tài gửi về từ 53 tỉnh thành trong cả nước thuộc 5 lĩnh vực để đưa vào chấm giải. Trong đó lĩnh vực "Đồ dùng dành cho học tập" có 126 đề tài; lĩnh vực "Phần mềm Tin học" có 120 đề tài; lĩnh vực "Sản phẩm thân thiện với môi trường" có 126 đề tài; lĩnh vực "Các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em" có 183 đề tài; lĩnh vực "Học tập" có 126 đề tài.

Hội đồng giám khảo đã chọn ra 106 đề tài để trao giải gồm 01 giải Đặc biệt, 05 giải Nhất, 10 giải Nhì, 30 giải Ba và 60 giải Khuyến khích thuộc các lĩnh vực như tin học, bảo vệ môi trường, đồ dùng học tập… Tổng giá trị tiền thưởng là 735 triệu đồng.

Nam Anh  
Vì sao phụ nữ dễ ốm trong ngày
Vì sao lau nhà xong thường ngửi thấy mùi tanh?
Cục nóng điều hòa có cần che chắn khi đặt ngoài trời?
Cơ thể con người thay đổi thế nào khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C?
Nhiều người ngáy to nhưng tỉnh dậy vẫn một mực phủ nhận, vì sao vậy?
Bố đơn thân và hành trình nuôi con gái mắc bệnh Down
Nhầm lẫn tai hại trong tiệm spa
Biết 5 tác dụng này sẽ hiểu vì sao nhiều người uống nước dừa mỗi ngày
Có nên mua tủ lạnh thông minh, cần lưu ý điều gì?
Nhiều người cấm con đọc truyện tranh nhưng không hay biết 9 điều đặc biệt
Xem thêm