Nhà có hai vị tướng (1)
Bà con ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh hay nói như vậy mỗi khi nhắc đến gia đình Trung tướng Nguyễn Thới Bưng (tên gọi thân mật là Út Thới) khi ông còn sống.
Ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng này, ai cũng coi gia đình cố Trung tướng Nguyễn Thới Bưng là mẫu mực, không chỉ vì danh tiếng, sự đóng góp lớn lao cho cách mạng, mà đó còn là thái độ tri ân, một cách bày tỏ tình cảm đậm chất Nam Bộ...
Bây giờ thì chú Út Thới đã an tịnh ở một nơi nào đó trong cõi cao xanh. Mới đó mà cũng đã sắp đến ngày giỗ đầu của ông. Thường, khi có ai đó giã từ cuộc sống, người ta hay nói đó là sự trở về với cát bụi. Nhưng với những con người đã trở thành bất tử trong lòng dân, ai cũng tin, khi trái tim ngừng đập là lúc linh hồn về trời...
Tôi nhớ mãi những hình ảnh xúc động trong đám tang chú Út Thới những ngày giáp Tết Giáp Ngọ. Hôm làm lễ viếng, trong dòng người đông đúc, tôi gặp dì Sáu Thơ, từ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh về TP Hồ Chí Minh viếng chú Út. Dì Sáu năm nay 75 tuổi, từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước với vai trò làm giao liên và nữ du kích.
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng với cán bộ, phóng viên Báo Quân khu 7 (Ảnh: Xuân Giang)
Dì bảo, những năm gần đây do sức khỏe yếu, chú Út ít về Tây Ninh hơn, nhưng mỗi lần về, bao giờ chú cũng dành thời gian đến nghĩa trang viếng hương hồn đồng đội, thăm gia đình những người có công và dân nghèo. Chú Út sống tình nghĩa và là người mau nước mắt mỗi khi nhắc đến sự hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ.
Tôi có may mắn được nhiều lần tiếp xúc, gần gũi với ông khi ông còn sống, nhất là những năm tháng cuối đời. Khi đôi bàn tay ông đã run run, giọng nói của ông đã không còn sang sảng như trước, nhiều người trong đội ngũ đồng đội kế cận của ông và những người làm báo, làm văn gần gũi ông ở TP Hồ Chí Minh mới giật mình chạy đua với thời gian để làm một cái gì đó thật sự trọn vẹn về ông, dành cho ông.
Một vị tướng trưởng thành từ kháng chiến, đi suốt cuộc trường chinh của dân tộc từ thời Tiền khởi nghĩa quá hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc cho đến công cuộc xây dựng, củng cố quân đội trong thời bình, được coi là pho tư liệu sống về lịch sử, quân sự và văn hóa vùng đất Nam Bộ, là tác giả, chuyên gia tư vấn của hàng chục công trình đồ sộ về sử lược, khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhưng đến cuối đời, ông vẫn chưa có cho riêng mình một công trình về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp.
Ông là thế, cuộc đời có thể gói gọn trong hai chữ “cống hiến”. Trong tất cả những lần hội thảo hay trả lời phỏng vấn báo chí, truyền hình..., ông đều nói về nhiệm vụ, về cái chung, về những hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ. Những khi nhắc đến bản thân, ông chỉ nói ở khía cạnh mình là người trong cuộc, là nhân chứng lịch sử tham gia vào các sự kiện, trận đánh... Tuyệt nhiên không bao giờ ông tự đề cao vai trò cá nhân, đánh bóng, tô hồng bản thân.
Đức hi sinh, lòng liêm khiết và khiêm tốn, giản dị ấy ông học từ Bác Hồ và những đồng đội đã ngã xuống. Ông thường nói, mình sống được đến hôm nay cũng chính là nhờ có niềm tin mãnh liệt vào Đảng, nhờ những đồng đội đã nằm xuống thay mình. Thế nên còn sống ngày nào là phải sống cả phần cuộc sống của đồng đội, không làm điều gì tổn hại đến sự hy sinh xương máu và vong linh của đồng đội.
Chú Út Thới đã sống trọn cuộc đời cho Đảng, cho dân, khi về thế giới bên kia, ông cũng chọn cho mình sự ra đi và nơi an nghỉ bình dị nhất! Lòng dân chính là thước đo nhân cách và sự cống hiến của cán bộ, đảng viên. Nhìn vào dòng người từ các vùng quê Nam Bộ đến tiễn đưa ông trong những ngày tang lễ và nơi an nghỉ tại quê nhà hằng ngày vẫn rực màu vạn thọ và bông huệ trắng của đồng bào, chiến sĩ đến viếng, đủ để thấy hình ảnh của một vị tướng trong lòng dân bình dị mà cao quý đến mức nào!
(còn tiếp)
Theo Sự kiện và Nhân chứng