Nguyên tắc điều trị một số bệnh từ tư tưởng học thuyết Tỳ Vị của Hải Thượng Lãn Ông
Trên thực tế lâm sàng, thông qua điều lý Tỳ Vị mà ta có thể chữa được nhiều bệnh tật và có kết quả tốt.
Tỳ Vị trong đông y được gọi là Hậu Thiên, chiếm một vị trí quan trọng trong học thuyết Tạng Phủ. Hải Thượng Lãn Ông nói: “Tỳ Vị là cơ quan sinh hóa của hậu thiên, đứng đầu các cơ quan sinh lý của con người, là nguồn gốc trăm luồng mạch và là bể của Thủy Cốc (thủy cốc là đồ ăn thức uống), năm Tạng, sáu Phủ đều nhờ sự chuyển vận tưới nhuần của nó.
Phàm tác dụng sinh ra tinh, huyết, dồn vào bách mạch, nhuần ra các Kinh và điều Vinh, dưỡng Vệ đều trông nhờ vào bộ phận trung châu (trung châu là chỉ vào Tỳ Vị )”, nhiều bệnh phát sinh mà nguyên nhân cơ bản đều là do Tỳ Vị, từ luận điểm này giúp chúng ta thấy được vị trí vô cùng quan trọng của hậu thiên Tỳ Vị.
Trên thực tế lâm sàng càng thể hiện điều đó, thông qua điều lý Tỳ Vị mà ta có thể chữa được nhiều bệnh tật và có kết quả tốt.

Từ Tỳ Vị luận trị bệnh đờm, dùng bổ trung kiện Tỳ để tiêu đờm
Đờm là sản phẩm của bệnh lý. Danh y Lê Hữu Trác nói rằng đờm không phải là nguồn gốc gây ra bệnh mà do bệnh dẫn đến sinh ra đờm. Nguyên nhân do Tỳ Vị chức năng vận hóa suy giảm, tân dịch vận chuyển phân bố gặp trở ngại, bị ưng trệ mà sinh ra đờm ẩm cho nên trị bệnh nên trị từ gốc, đó là trị từ Tỳ Vị hư suy nên kiện Tỳ để hóa đờm, Tỳ Vị vận hóa tốt, tân dịch được vận hành phân bố bình thường, đờm không còn được sinh ra nữa .
Trong Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh quyển Đạo Lưu Dư Luận có viết: “Phàm gặp chứng đờm, chỉ nên trừ đờm, trục đờm mà thôi. Nếu vậy, chỉ sợ rằng đờm chưa trừ hết mà thuốc cay thơm đã làm cho tan mất khí, thuốc nóng ráo đã làm cho tan mất huyết, thành ra khí huyết đều hư, đờm càng nặng thêm. Tôi nghĩ đó thực là câu nói chí lý vậy. Nếu hư mà nhiều đờm, lại càng phải bổ.
Vì sinh hóa ra đờm đều ở Tỳ. Tỳ hư không vận hóa được, năm thứ dịch kết đọng lại thành đờm, phép chữa nên ôm bổ trung khí, làm cho Tỳ vận hóa mạnh lên thì đờm tự nhiên tiêu đi hết”
Từ Tỳ Vị luận trị thấp tà, dùng ôn bổ trung khí để hóa thấp
Danh y Lê Hữu Trác nói rằng thấp chứng có hai trường hợp, một là ngoại thấp: do thấp từ bên ngoại xâm nhập vào, ví dụ như bị nhiễm nước mưa hay sương mù; hai là nội thấp: do Tỳ vận hóa kém làm cho thủy dịch không được vận chuyển bình thường mà sinh ra nội thấp, nội ngoại hợp tà mà sinh ra bệnh, trong đó nội thấp là căn bản của nguyên nhân gây bệnh.
Thấp thuộc âm tà, dễ trở ngại khí hành, dễ tổn thương dương khí, thấp thì tính dính trệ dai dẳng khó lành. Thông thường chữa thấp phương pháp cổ truyền là lợi thủy thẩm thấp nhưng Hải Thượng Lãn Ông cho rằng: ở Việt Nam phát bệnh phần lớn do Tỳ hư không vận hóa dẫn đến thấp tà nội sinh, lại dễ cảm nhiễm ngoại thấp, cho nên ông không dùng phương pháp cổ truyền lợi thủy trừ thấp mà dùng phương pháp ôn bổ trung khí để trừ thấp, phương thuốc hay dùng là truật phụ thang hoặc cam thảo phụ tử thang. Hải Thượng trong quyển Y Trung Quan Niệm viết rằng: ”Trúng thấp là bên ngoài do mưa móc làm thương tổn, bên trong nhân Tỳ Vị không vận hóa mà gây ra.
Tuy phép xưa có nói: ”Chữa thấp nên lợi tiểu tiện”. Nếu thấy các khớp xương nặng đau, phù,nề, suyễn đầy, trướng bụng, buồn bực, mê mẩn không biết gì, mạch trầm hoãn hoặc trầm vi, tế... đó gọi là trúng thấp.
Xét ra phần nhiều đều là trung khí hư, không nên dùng thuốc thẩm thấp lợi thủy vì càng thấm lợi thì càng hao âm tổn dương gây thêm tai vạ, chỉ nên dùng Truật Phụ hoặc Cam thảo Phụ tử thang để chữa”
Từ Tỳ Vị luận trị táo chứng, dùng dưỡng huyết sinh tân để nhuận táo
Lê Hữu Trác nói rằng chứng táo mặc dù do nhiệt thịnh làm tổn thương tân dịch, gốc bệnh tuy ở tạng Phế, nhưng nguồn gốc lại do Tỳ hư tân huyết hao tổn và Thận âm bất túc, vì vậy chữa chứng táo nhẹ thì từ tạng Tỳ mà trị, dùng bổ Tỳ dưỡng huyết sinh tân để nhuận táo, thường dùng các phương thang như Tứ vật thang, Quy Tỳ thang, Nhân sâm dưỡng vinh thang; chữa chứng táo nặng thì từ tạng Thận mà trị, dùng tư Thận dưỡng âm để nhuận táo, thường dùng Lục vị địa hoàng hoàn gia thêm Thiên môn, Mạch môn, Kỳ tử, Ngưu tất, Nhục thung dung.
Hải Thượng trong quyển Y trung quan kiện có viết rằng: ”Chứng táo là tân dịch khô ráo, da nhăn nheo không tươi nhuận. Đại phàm chứng táo là do hỏa gây nên, nhưng nó nặng hơn chứng hỏa, tuy căn bản ở Phế mà nguồn gốc lại Tỳ Thận, cho nên chữa chứng hỏa còn có chỗ dùng thuốc hàn lương, chứ như chữa chứng táo thì chỉ nên dùng thuốc tư nhuận, dưỡng huyết, sinh tân dịch, bổ âm nhuận táo mà thôi.
Sách nói: "Chữa phong táo nên dưỡng huyết, chữa nhiệt táo nên bổ thủy, cho nên các bài Tứ vật, Quy tỳ, Dưỡng vinh... đều là những bài chữa chứng táo nhẹ. Bài Lục vị gia Thiên môn, Mạch môn, Ngũ vị, Ngưu tất, Cẩu kỷ, Nhục dung là bài thuốc chữa chứng táo nặng”.