Thứ sáu, 11/07/2025 16:45     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ năm, 16/01/2025 10:55

Người Hà Nội tảo mộ sớm, mời gia tiên về đón Tết

Những ngày này khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cận kề, nhiều gia đình tại Hà Nội đã sắm đồ lễ để tảo mộ, mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Với người dân Việt Nam, tảo mộ trước Tết nguyên đán là nét đẹp văn hoá không thể thiếu. Đây là cách để con cháu nhớ về tổ tiên, để gia tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, tài lộc. Vì thế gia đình nào bận mấy cũng cố gắng thu xếp thời gian tảo mộ cuối năm để bày tỏ lòng thành kính đến tổ tiên, ông bà. Đây cũng là dịp quan trọng trong năm để con cháu báo cáo kết quả một năm qua của gia đình và mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết.

Tảo mộ cuối năm là nét đẹp của các gia đình Việt. Ảnh: Quang Hùng

Những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, đặc biệt là từ 15 tháng Chạp trở đi, nhiều gia đình tại Hà Nội đã tất bật ra mộ tổ tiên từ sáng sớm.

Tại một góc nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), chị Phạm Thu Hiền (57 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) tất bật dọn dẹp mộ phần của người bố đã khuất. Chị Hiền cho biết, để có mặt tại đây vào giờ này chị đã phải dậy từ 6h sáng, sắp đồ lễ chuẩn bị từ hôm trước ra, kiểm tra một lượt rồi cùng chồng bắt xe đi nghĩa trang để dâng hương cho bố. Cuối năm bận rộn nên tranh thủ cuối tuần hai vợ chồng chị đi sớm, sợ những ngày sắp tới công việc bận rộn không thể lên "đón" ông bà về.

"Dọn mộ cuối năm là việc không thể thiếu. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là dịp để gia đình, con cháu chúng tôi thêm gắn kết, nhắc nhở con cháu về cội nguồn và lòng biết ơn đối với tổ tiên. Thời tiết hôm nay lạnh, nhưng gia đình vẫn cố gắng lên mộ đón các cụ về sớm", chị Hiền nói.

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, gia đình chị Hiền lại chuẩn bị cành hoa đào dâng lên mộ bố. Ảnh: Quang Hùng

Sinh sống tại quận Tây Hồ - Hà Nội, để kịp chuẩn bị cho lễ tạ mộ diễn ra lúc 9 giờ, gia đình bà Nhung (70 tuổi) đã thức dậy, chuẩn bị đồ lễ từ 5 giờ sáng. Nhờ con cháu khỏe mạnh bê đồ ra xe, bà Nhung tỉ mỉ kiểm tra lại 2 cây mẫu đơn mất cả ngày hôm qua đi tìm mua đem lên mộ bố mẹ.

Bà Nhung sửa soạn mâm đồ lễ từ sớm để kịp lễ tảo mộ. Ảnh: Quang Hùng

"Các cụ nhà tôi rất thích hoa mẫu đơn, năm nào tôi cũng mua vài cây mới để trồng ở phần mộ", bà Nhung nói. Dù lớn tuổi, bà cụ vẫn luôn muốn tận tay chăm lo phần mộ của bố mẹ mới có thể yên tâm.

Bà Nhung cho hay, ngày thường mỗi lần viếng mộ các cụ, gia đình bà đi cả vài chục người, nhưng cuối năm bận rộn, nên chỉ đại diện 5-7 người. Đến phần mộ, con cháu người trồng hoa, người lau chùi, bà Nhung sức yếu, phụ trách sắp lễ. Xong xuôi, cụ bà thắp hương, đọc to tên con cháu có mặt, mời ông bà về ăn Tết.

Phần mộ cũng được các gia đình sửa soạn, dọn dẹp sạch sẽ trong những ngày cuối năm. Ảnh: Quang Hùng

Với nhiều gia đình, tảo mộ không chỉ đơn thuần là truyền thống mà còn là dịp để các thành viên tề tựu đông đủ. Các gia đình sẽ sửa sang lại phần mộ của tổ tiên vào ngày trước Tết, sau khi dọn dẹp sạch sẽ xong, con cháu sẽ đem hương hoa, lễ vật đến và thắp hương để mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng gia đình. Đây cũng là dịp để gia đình, con cháu cùng giãi bày những tâm tư, tình cảm với những người đã khuất trong một năm vừa qua. Hi vọng năm tới, cả gia đình sẽ luôn được mạnh khỏe, mọi việc thuận buồm xuôi gió.

Đào, quất, mai được các gia đình chuẩn bị để dâng lên mộ phần người đã khuất. Ảnh: Quang Hùng

Chính vì những ý nghĩa đó mà tảo mộ cuối năm từ lâu trở thành nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Phong tục này không chỉ thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên mà còn là dịp để gia đình sum họp, cùng nhau ôn lại truyền thống và nhắc nhở con cháu về đạo lý "chim có tổ, người có tông".

Nói về ý nghĩa của việc tảo mộ, thắp hương gia tiên cuối năm, Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì của Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, tục tảo mộ đã có từ rất lâu đời trong văn hóa người Việt.

Vào dịp này con cháu sẽ dọn dẹp, sửa sang lại mộ phần, quét dọn, phát cỏ cây, sơn sửa lại qua đó thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, ông bà.

Vì thế, tảo mộ không chỉ là việc làm thể hiện sự hiếu kính của con cháu mà còn là dịp sum họp gia đình, gặp gỡ anh em, họ hàng để kết nối tình thân.

Phương Anh  
Giữa thời đại BlackTrax và AI, báo chí không chỉ cần tốc độ mà cần cả khí phách
Thi công Dự án Trạm biến áp 500kV Thái Bình và đường dây đấu nối
Ứng dụng phần mềm quản lý thí nghiệm vận hành Trạm biến áp 220kV Kiên Bình
'Thần đồng' Đỗ Nhật Nam ra sao sau 10 năm du học?
SHB FC Academy: Mùa hè ý nghĩa của con, mùa hạnh phúc của bố mẹ
Nữ cử nhân lần đầu làm phiên dịch thể thao tại VTV Cup 2025: “Vừa run, vừa tự hào”
Gia đình ngư dân Quảng Ninh tất bật thu hoạch hàu sữa
Lắp mái che, trùm bạt cục nóng điều hòa có tốt không?
Bãi biển Nam Sầm Sơn ngập rác bèo tây
Dự kiến đấu nối dự án TBA 220kV Vũng Áng trong tháng 7/2025
Đủ điều kiện đóng điện Trạm biến áp 220kV Phú Thọ 2 và đường dây đấu nối
Hành trình hồi sinh sự sống trên chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines
Ngày làm việc đầu tiên ở phường gần 200.000 cư dân tại Thanh Hóa
10 chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2025: Đóng BHXH tự nguyện được hỗ trợ tới 50%
Phó giáo sư 36 tuổi làm Bí thư xã biên giới tại Thanh Hóa
Truyền tải điện miền Tây 1 triển khai các giải pháp giảm tổn thất điện năng truyền tải
Người trẻ chia sẻ thức uống để bản thân mỗi ngày là một ngày tươi bất chấp nắng nóng, deadline
'Bữa trưa 0 đồng' tiếp sức sĩ tử thủ đô
Dự án TBA 500kV Vĩnh Yên và đường dây đấu nối tăng tốc về đích
'Chiến sĩ' thầm lặng tiếp sức mùa thi trên đảo
Xem thêm