Người dân trên thế giới ăn gì trong ngày đầu năm mới?
Mỗi quốc gia trên thế giới đều có món ăn truyền thống riêng vào dịp năm mới. Dù mỗi món ăn mang một ý nghĩa khác nhau nhưng tất cả đều mong muốn sự thịnh vượng, bình an, sức khỏe và may mắn.
Nếu như ở Việt Nam có câu thơ: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" để nói về những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết, thì đối với các quốc gia khác trên thế giới, họ cũng có những món ăn không thể thiếu để lấy may đầu năm.
Tây Ban Nha: Ăn 12 quả nho
Nochevieja, hay "đêm cũ" là từ chỉ ngày cuối cùng của năm trong tiếng Tây Ban Nha. Khi thời khắc này gần qua, hàng triệu người dân “xứ sở bò tót” tập trung trước tivi hoặc quảng trường để đón năm mới và ăn 12 quả nho xanh.
Người Tây Ban Nha có phong tục ăn 12 quả nho để đón năm mới.
Khi hồi chuông đầu tiên của tháp đồng hồ Real Casa de Correos ngân lên, mọi người dân Tây Ban Nha cùng bỏ quả nho đầu tiên vào miệng. Khá là khó để kịp nhai hay thưởng thức hương vị của nó vì chỉ 2 giây sau là đến hồi chuông thứ hai và quả nho thứ hai. Có tất cả 12 hồi chuông biểu tượng cho 12 tháng trong năm. Nếu có thể ăn liên tục 12 quả ở tiếng chuông cuối cùng, người dân sẽ gặp may mắn trong năm mới.
Sau khi ăn xong 12 trái nho, người Tây Ban Nha sẽ uống một ly rượu vang của đất nước mình để chúc mừng năm mới.
Phong tục đón năm mới này được cho là bắt nguồn từ năm 1880. Khi đó, giai cấp tư sản ở Madrid bắt chước truyền thống dùng nho và rượu champagne trong ngày cuối cùng của năm ở Pháp. Một số người dân nghèo đã tới quảng trường để xem chuông báo hiệu năm mới và ăn nho như một sự mỉa mai giới thượng lưu.
Philippines: Ăn các loại quả tròn
Tương tự như tại Tây Ban Nha, con số 12 cũng được xem là mang lại may mắn người dân Philippines trong dịp đầu năm mới. Ở Philippines, hình tròn tượng trưng cho sự thịnh vượng, tròn đầy. Vì thế, dịp Tết, người ta thường hái 12 quả, mỗi quả tượng trưng cho một tháng.
Để đảm bảo may mắn quanh năm, họ trang trí bàn ăn bằng 12 loại trái cây khác nhau. Ngoài việc nhét dưa, cam, nho và các loại trái cây và rau quả tròn khác, người Philippines còn mặc trang phục có hình các quả tròn, hoặc chấm bi, nhằm đón một năm mới tròn đầy, sung túc.
Ăn 12 loại quả tròn là cách người Philippines cầu năm mới tròn đầy, sung túc.
Estonia: Ăn gì không quan trọng bằng ăn bao món
Người Estonia cũng có xu hướng ăn uống phải đúng số đẹp. Người dân của quốc gia Bắc Âu này sẽ ăn bảy, chín hoặc mười hai món vào đêm giao thừa. Những số này được cho là sẽ mang lại may mắn và càng ăn nhiều thì càng vui.
Tuy nhiên, các gia đình không được ăn hết đồ chuẩn bị, vì tổ tiên và các linh hồn có thể đến thăm họ vào ngày 31/12. Sẽ là khiếm nhã nếu không mời được các vị tổ tiên các món ăn ngon vào ngày đó.
Nhật Bản: Ăn mì Soba
Tại Nhật Bản, mì Toshikoshi soba tượng trưng cho sự trường thọ và trường tồn. Sợi mì soba dài được xem là thể hiện cho cuộc sống dài lâu. Phần nguyên liệu kiều mạch trong bột mì thì được xem là sẽ mang lại sự dẻo dai cho người ăn vào năm mới. Húp mì là hành động gắn liền với sự may mắn.
Khi thưởng thức, người ăn sẽ để ý để không cắn nhỏ hay nhai sợi mì, vì làm như vậy được cho là sẽ “cắt vụn” vận may của mình trong năm sắp đến.
Mì Soba là biểu tượng cho sự trường thọ trong năm mới.
Cộng hòa Séc: Kiêng ăn gà
Nếu gà là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt vào ngày tết thì ở Cộng hòa Séc món ăn này chính là kiêng kị. Người dân nơi đây sẽ thưởng thức món cá với nhau trong những ngày cuối năm và tuyệt đối không ăn thịt bò, gà, vịt hay ngỗng.
Người dân Cộng hòa Séc tin rằng, nếu thưởng thức các món ăn từ những con thú và gia cầm biết bay, biết chạy vào dịp đầu năm mới thì may mắn và hạnh phúc của họ sẽ biến mất, xui xẻo sẽ đến trong cả 365 ngày tiếp theo.
Mỹ: Ăn nhiều củ cải và đậu mắt đen
Ở các bang miền Nam nước Mỹ, vào lúc giao thừa, mọi người thường ăn thật nhiều củ cải và đậu mắt đen vì quan niệm mỗi củ cải họ sẽ kiếm được 1000 đôla, còn với mỗi đậu mắt đen họ sẽ kiếm được 100 cent. Theo lời những người xưa thì để điều này linh nghiệm họ phải ăn tới 365 hạt.
Người Mỹ quan niệm đậu mắt đen tượng trưng cho đồng tiền xu mang lại tiền tài trong năm mới.
Đan Mạch, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển: Ăn cá
Cá trích là món ăn năm mới phổ biến nhất tại Ba Lan và các quốc gia Scandinavia như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển. Cá trích có màu bạc, chính vì vậy chúng được ăn vào lúc nửa đêm để ước vọng về một năm mới thịnh vượng, tiền bạc rủng rỉnh.
Cuba: Lợn quay
Trong bàn tiệc đón năm mới của người Cuba không thể thiếu món lợn quay. Thịt sẽ được tẩm ướp từ trước đó một ngày với hành khô băm nhuyễn, hạt tiêu, muối và cam chua. Ăn kèm với thịt quay là cơm đỗ đen và rau trộn theo mùa.
Với người dân Cuba, lợn tượng trưng cho sự phát triển bởi con vật này thường tiến về phía trước khi kiếm ăn. Đồng thời, thịt lợn cũng là món tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng.
--> Vì sao người dân châu Mỹ chọn nội y sặc sỡ cho đêm giao thừa?