Người dân 3 miền đón Tết Nguyên Đán khác nhau như thế nào?
Trong không khí căng tràn nhựa sống, mỗi vùng miền trên Tổ quốc chào đón năm mới theo những cách khác nhau tạo nên những sự khác biệt giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Miền Bắc đón Tết nhẹ nhàng, tinh tế
Xuân về, cả Bắc bộ như ngập trong sắc hồng của những cành đào tươi thắm. Hoa đào góp phần làm xua tan cái giá rét của mùa đông và cũng là tín hiệu của một năm mới sắp đến. Theo quan niệm, hoa đào tượng trưng cho sự may mắn, vì thế, ai ai cũng đều chọn một cành đào thật ưng ý với mong ước mang lại sự an lành, hạnh phúc cho gia đình mình.

Bữa ăn trong ngày tết thường được các gia đình Việt chuẩn bị công phu, thịnh soạn để thể hiện sự no ấm, hạnh phúc và cầu mong một năm mới đầy đủ, phát đạt - Ảnh: Tet Festival
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Thịt đông, gà luộc, giò lụa, cá kho riềng, bánh chưng là những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của vùng đất kinh kì. Bánh chưng dẻo, béo ngậy nhân đậu xanh, thịt mỡ ăn kèm với dưa hành giòn giòn, chua chua, cay nhẹ thật đúng vị. Khi khách đến thăm nhà, món nem rán thơm lừng thường được dọn ra như là món quà thể hiện sự mến khách.
Miền Trung chăm chút, cầu kì
Miền Trung nằm giữa Bắc và Nam được xem là nơi giao thoa văn hóa 2 miền, có đầy đủ cả phong tục của miền Nam lẫn miền Bắc. Như mọi miền khác, các phong tục đón Tết ở miền Trung cũng đều mang ý nghĩa cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng.

Miền Trung coi trọng cách trang trí và mâm cơm cũng được nấu rất công phu.
Cứ mỗi độ Tết đến, hoa giấy, hoa cúc, hoa vạn thọ đua nhau nở rộ như mang hương xuân quyến rũ đến nhà nhà. Những ngày đầu năm mới, mọi người thường đến thăm và chúc Tết bà con họ hàng, lên chùa hái lộc, nguyện cầu sự bình an, tài lộc cho các thành viên trong gia tộc.
Nếu miền Bắc nổi tiếng với sự tinh tế trong việc kết hợp hài hòa giữa các món ăn thì mâm cỗ miền Trung được chú trọng chăm chút khá cầu kì. Gỏi trái vả, mít trộn, chả phụng, bò nấu thưng, củ cải kho nạc heo, bò nướng sả ớt, bánh tét, dưa món, nem, tré…từ lâu đã trở thành những món ăn đặc trưng và là nỗi nhớ của bao người con xa xứ mỗi độ xuân về.
Miền Nam đón tết giản dị, phóng khoáng
Người miền Nam khá thoải mái trong việc đón Tết vì họ cho rằng Tết chủ yếu là dịp vui chơi, gặp gỡ. Bởi vậy, người dân ở đây chủ yếu là hướng đến sự vui vẻ, sum vầy cho năm mới thuận lợi.

Người niềm Nam đón tết nhẹ nhàng, chủ yếu sẽ đi du lịch vào dịp Tết.
Năm nào cũng vậy, cứ từ đầu tháng Chạp, ở Nam Bộ đã bắt đầu rộn ràng không khí Tết. Một nét độc đáo của Nam Bộ vào mỗi dịp Tết mà du khách gần xa đều rất thích đó là chợ hoa xuân. Hội tụ ở chợ hoa đa phần là hoa mai, tắc kiểng, cúc mâm xôi, sứ Thái Lan, mai chiếu thủy…Khách du xuân vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa, vừa dạo chơi thư giãn sau một năm bộn bề công việc. Khác với cái lạnh se sắt ở miền Bắc, Nam Bộ đón Tết trong tiết trời ấm áp cùng cành mai vàng kiêu hãnh trong ánh nắng xuân. Người dân Nam bộ xem hoa mai như biểu tượng của sự trường thọ và ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh).
Mảnh đất Nam Bộ màu mỡ đã ban tặng cho con người nhiều sản vật và làm phong phú thêm mâm cỗ ngày Tết. Từ thịt hầm, gỏi ngó sen, gà luộc xé phay trộn củ hành đến bánh tét ăn kèm dưa giá, tôm khô củ kiệu. Đặc biệt, hầu như khắp nơi ở đất phương Nam, nhà nào cũng có nồi thịt kho tàu ăn với dưa giá và canh khổ qua. Hai món này luôn có trong mâm cơm cúng ông bà ngày 30 Tết. Theo dân gian thì “khổ qua” là món ăn để mong ước sự cơ cực qua đi cho năm mới tốt đẹp hơn.
=> Cả nước rộn ràng du xuân ngày mùng 1 Tết Canh Tý 2020
Xem thêm video: Táo quân vi hành hài hước đón năm mới