Thứ bảy, 23/11/2024 06:33     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ bảy, 27/07/2024 06:00

Người bạn thuở thiếu thời và những kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngồi trong căn nhà nhỏ ở thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội), ông Ngô Bá Dục (SN 1943) chậm rãi lật từng tấm ảnh thời thơ ấu, trầm ngâm nhớ về những kỷ niệm với người bạn thân Nguyễn Phú Trọng.

Những kỷ niệm không quên

Ông Dục kể, ông và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng học cùng lớp với nhau từ cấp 1 đến cấp 3. Khi lên đại học, bạn ông đỗ Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), còn ông Dục theo học ngành Sư phạm. Dù học khác trường, nhưng hai người vẫn giữ mối quan hệ bạn bè khăng khít.

Theo dòng hồi ức, ông Dục kể, ngày đó, trong làng chỉ có mấy anh em đi học cấp 1 ở đình làng do một thầy giáo già mở lớp. Sáng đi học, chiều đến, những đứa trẻ làng Lại Đà rủ nhau chăn trâu, tát nước giúp gia đình, dù vất vả, khó khăn nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Lên cấp 2, mấy anh em cùng trọ học ở một gia đình ở bên mạn Gia Lâm, góp gạo thổi cơm chung, đoàn kết coi nhau như một gia đình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bên trái), ông Ngô Bá Dục (giữa) cùng bạn học thời trẻ (Ảnh: NVCC).

“Thời đó, việc đi học rất vất vả. Gia đình chỉ cho chừng 15 đấu gạo, còn tiền tiêu phải tự lo. Chúng tôi bơi ra bãi sông Hồng, vớt củi về phơi khô đun nấu. Buổi chiều học xong, tôi và anh Trọng lại vào Khu công nghiệp Đức Giang dạy bổ túc cho công nhân kiếm tiền. Lúc đó, tôi một lớp, anh Trọng một lớp, được đồng nào tiết kiệm chút ấy”, ông Dục kể.

Những năm học cấp 2, ông Dục là lớp trưởng, đến năm cấp 3, ông làm Bí thư Chi đoàn, còn cậu học trò ưu tú Nguyễn Phú Trọng làm lớp trưởng, hai người rất hợp tính nhau. “Tính anh Trọng cẩn thận, chu đáo, văn hay, chữ đẹp, học tốt các môn Văn, Sử, Địa…”, ông Dục kể.

Theo ông Dục, học trò trong làng chỉ biết cùng nhau nỗ lực học, để thoát nghèo. "Cả làng chỉ có ba người học hết lớp 10, trong đó có tôi và anh Trọng. Vì vậy chúng tôi ai cũng rất cố gắng học tập", ông Dục hồi tưởng.

Đi học vất vả như thế song cả ông Dục và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều rất chăm chỉ, nỗ lực, kiên trì, được các thầy cô, bạn bè quý mến vì luôn đạt thành tích nổi bật của lớp.

Ông Ngô Bá Dục lật từng tấm ảnh nhớ về những kỷ niệm với người bạn thân là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Dục kể, do say mê học Văn nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thi đỗ và học Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp, còn ông Dục vào ngành Sư phạm. “Những ngày đi học ở thành phố, các bạn ăn mặc chỉnh tề, còn chúng tôi chỉ có chân đất, áo vải. Nhưng về việc học, chỉ sau 1 kỳ học thì chúng tôi không thua gì các bạn…”, ông Dục nói.

Chia sẻ cảm nhận về bạn học cũ, ông Dục đánh giá Tổng Bí thư là người điềm đạm, luôn lắng nghe người khác. “Chưa bao giờ anh ấy phản bác. Anh Trọng chỉ chia sẻ những thắc mắc của chúng tôi là cấp trên biết và sẽ giải quyết dần dần cho nhân dân. Khi anh ấy phất ngọn cờ chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng, người dân chúng tôi rất vui và đồng tình, ủng hộ…”, ông Dục bày tỏ.

Cũng theo lời ông Dục, Tổng Bí thư là người mẫu mực, cần mẫn, hiền hậu, luôn dành thiện cảm với mọi người. Thời đi học, ông luôn được thầy giáo đưa tác phẩm văn học để đọc mẫu và thuyết trình lại cho các bạn.

Theo ông Dục, thế hệ ông say mê đọc rất nhiều tiểu thuyết kinh điển của các nước trên thế giới… Dù sách dày hàng nghìn trang nhưng vẫn đọc đi đọc lại.

"Anh Trọng đọc rất nhiều, đọc với tinh thần nghiên cứu, để đi sâu vào văn chương. Về sau, anh ấy làm bên Tạp chí Cộng sản, đi sâu vào lĩnh vực học tập đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đọc nhiều tài liệu lịch sử…", ông Dục tâm sự.

Gần gũi với nhân dân

Thời gian học đại học, Trường Đại học Tổng hợp sơ tán ở Thái Nguyên còn Đại học Sư phạm Hà Nội sơ tán vào khu vực miền Trung, dù không có điều kiện gặp nhau thường xuyên, nhưng khi về, anh em vẫn gần gũi, thân thiết. Khi đi làm, ông Dục đi dạy ở Trường Đại học Sư phạm Vinh sau đó chuyển công tác về các trường: THPT Liên Hà, THPT Cổ Loa còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công tác ở Tạp chí Cộng sản.

Ông Ngô Bá Dục cho biết, là bạn thân nên trong đám cưới của ông vào năm 1970, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Vương Khắc Côn đã xuống nhà trang trí và làm phòng cưới giúp mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các bạn học sinh lớp 7C năm học 1959-1960 Trường Nguyễn Gia Thiều. (Ảnh: NVCC)

Đám cưới tổ chức giản dị trong khoảng sân trước nhà. Đây cũng là căn nhà đã nuôi giấu một số cán bộ Đảng hoạt động bí mật trước Cách mạng tháng Tám. Phía trên khoảng sân ấy, ông Dục mượn được ba tấm dù pháo sáng của Mỹ, chiến lợi phẩm của bộ đội, chăng lên tránh mưa. Do giai đoạn khó khăn chung của cả nước, đến 6h tối mới có điện, mọi người bắt đầu liên hoan.

Gọi là cỗ cưới nhưng chỉ có vài món đơn giản, đậm chất thôn quê. “Anh Trọng là người rất chu đáo, khéo tay nên được tin tưởng cắt chữ trong đám cưới. Anh em đến giúp nhau trong không khí cảm động, ấm áp, gần gũi thân tình…”.

Cũng theo ông Dục, khi công tác, dù đảm nhiệm các chức vụ quan trọng, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ mối quan hệ tốt với bạn bè. Nhiều sự kiện họp lớp, chia tay thầy cô, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng, còn lại Tổng Bí thư luôn có mặt.

Có lần, lúc đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội ông vẫn bắt xe ôm từ phố Đặng Tất ra nhà nổi Hồ Tây, khiến ai cũng bất ngờ. Lần khác, có thầy giáo cũ từ Quy Nhơn (Bình Định) ra Bắc. Các học trò thống nhất tổ chức liên hoan tiễn thầy. Không phải hội trường rộng lớn, thầy trò liên hoan trong căn nhà nhỏ, chỉ vừa một chiếc giường và khoảng trống dưới sàn nhà.

Do bận công tác nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không thể thường xuyên gặp bạn bè. Ông Dục nghẹn ngào, chậm rãi nói: “Cũng phải mấy năm rồi, nghe tin nhau là chính. Khi nghe tin bạn ra đi, tôi rất đau lòng bởi anh ấy ra đi đột ngột quá…”.

Chị Phạm Thị Hương Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ 2 (quận Ba Đình, Hà Nội, con dâu ông Ngô Bá Dục) cho biết cảm thấy rất may mắn có bố là bạn với Tổng Bí thư - người yêu văn thơ, sống vì nước vì dân, gần gũi với nhân dân.

"Bố tôi thường dạy chúng tôi phải nghiêm khắc với bản thân không ngừng học tập, phấn đấu. Các con cháu trong gia đình cũng thấm nhuần lối sống và tư tưởng của Tổng Bí thư, sống cuộc đời thanh bạch, giản dị và hết lòng vì công việc”, chị Hương Giang chia sẻ.

Nhóm PV  
Tăng 650.000 ghế, hàng không Việt Nam vẫn lo thiếu chỗ dịp Tết
Đêm trong rừng Cúc Phương
Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”
Chung tay 'tô cam' cùng TH hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới
Đẩy mạnh việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
50 năm hành trình rực rỡ của trường Tiểu học Dịch Vọng A - Hà Nội
2 cô giáo Sóc Trăng nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2024
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: “Mô hình hành động tập thể” tạo thay đổi tích cực và bền vững cho cộng đồng
Băng rừng 'gieo chữ' nơi bản làng Hà Giang
Cô giáo mầm non bám trường gieo chữ nơi miền núi Quảng Ninh
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Tâm sự thầy giáo trường Y: Thích 'mổ xẻ' để tìm cái đẹp cho đời
“Tiếng oan” sau vô lăng thầy dạy lái xe
Cô giáo 17 năm vào chùa mở lớp học cho trẻ em nghèo, khuyết tật
Giáo dục lấy hạnh phúc làm trọng tâm: Xu hướng tạo nên sự thay đổi tích cực trong trường học
Mất hơn 30 triệu đồng, nam thanh niên vội vàng nhập viện sau lần vào phòng khám tư
Nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm do thói quen ôm chó mèo
Quán cà phê lạ hút giới trẻ đến thử cảm giác nằm trong quan tài
Công ty Nhật Bản gặp mặt gia đình thực tập sinh Việt Nam
Xem thêm