Thứ sáu, 22/11/2024 11:01     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 20/11/2019 07:00

Nghị lực sống: Bài 1 - Người thầy giáo đứng bục giảng trên đôi ghế nhựa

Năm 2008 Nguyễn Khả Tuyến tốt nghiệp đại học mang theo bầu nhiệt huyết của một giáo viên trẻ, yêu nghề nguyện cống hiến trọn tình yêu cho quê hương. Nhưng mọi thứ chưa kịp nở rộ thì bi kịch bỗng đâu ập đến mặn đắng, chua chát.

Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nhộn nhịp với cảnh học sinh tan trường nhưng đang cố bịn rịn chuyện trò cùng thầy cô giáo. Ngày 20/11 đang đến gần nên dường như tâm trạng của các em cũng háo hức hơn. Khác mọi ngày, hôm nay sau giờ tan trường các em lại tụ tập chuyện trò, bàn chuyện chúc mừng thầy cô. Nhưng cũng rất nhanh cảnh náo nhiệt đó đã nhường lại cho không gian nơi đây sự yên tĩnh vốn có của một thị trấn nhỏ.

Khác với cảnh tan trường náo nhiệt đó, sân trường của ngôi trường đối diện yên ắng hơn nhiều dù đó là lúc các thầy cô giáo và các em học sinh tại đây vừa kết thúc buổi học chiều đầu tuần.

Hẹn thầy giáo Nguyễn Khả Tuyến từ sáng sớm nhưng phải đến giờ tan tầm buổi chiều chúng tôi mới gặp anh tại nơi anh đang công tác - Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Bình Xuyên.

Nghe kể về câu chuyện của thầy Tuyến đã lâu nhưng không dám hình dung về thầy. Chỉ đến khi nhìn thấy anh trước mặt rồi nghe chính anh kể câu chuyện về mình chúng tôi mới thực sự cảm nhận hết những nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn mà anh và gia đình đã phải gánh chịu. Còn gì đau hơn khi anh, một thầy giáo trẻ lúc bấy giờ là niềm tự hào của gia đình, bản thân bỗng một ngày tỉnh dậy với đôi chân bị cắt cụt.

thay giao khuyet tat va uoc mo dung tren buc giang 2 giadinhvietnam

Bên ấm trà nhỏ thầy Tuyến bắt đầu kể về câu chuyện đời mình (Ảnh: Hồng Hạnh)

Tai họa từ trên trời rơi xuống

Trong ráng chiều của thị trấn Hương Canh, bên ấm trà nóng thầy Tuyến nhấp dần từng ngụm trà nhỏ bắt đầu kể về câu chuyện đời mình.

Thầy Nguyễn Khả Tuyến sinh năm 1984 tại Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp cấp 3 Tuyến thi vào khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Tây Bắc và bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình như bao bạn bè đồng trang lứa. Sau 4 năm học tập rèn luyện trong môi trường sư phạm, năm 2008 Nguyễn Khả Tuyến tốt nghiệp và trở về quê hương.

"Thời điểm mình ra trường để có được biên chế ngành sư phạm tại quê là một điều quá khó khăn. Nhưng nhìn lại những ngày đó mình tự thấy mình là người may mắn khi không phải chờ đợi lâu để đi làm", thầy Tuyến tâm sự.

"Mình chơi thân với Tuyến từ ngày học đại học. Sau khi ra trường, gần nhà nên có điều kiện thường xuyên gặp nhau. Ngày bạn gặp nạn mình thực sự bàng hoàng và lo lắng nhưng giờ thì mình đã có câu trả lời. Những ai gặp Tuyến bây giờ đều cảm nhận được ở con người đó ý chí và nghị lực, bản lĩnh.

Tuyến tạo cho người khác niềm tin về tương lai cuộc sống. Bạn ấy thực sự đã truyền lửa cho những người không may mắn".

Chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Văn Hoàn - Giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Quảng Oai - Ba Vì - Hà Nội

Như “duyên tiền định”, anh được về công tác tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Bình Xuyên và gắn bó với ngôi trường này từ đó đến nay cũng đã 11 năm.

Công việc ổn định cũng là lúc thầy Tuyến thành gia thất với người bạn học cùng lớp đại học là chị Đỗ Thị Tâm. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ càng tròn trịa hơn khi cậu con trai đầu lòng ra đời vào cuối năm 2009 khỏe mạnh, kháu khỉnh. Tưởng chừng như cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua để vợ chồng phấn đấu trong chuyên môn thì tai họa đã bất ngờ ập đến với anh.

Năm 2010, trong một lần vệ sinh bể nước cho một người bà con anh đã vô tình bị điện giật.

Nhớ lại lúc sinh tử đó anh Tuyến cho biết: "Lúc tôi bị tai nạn vợ con đang ở quê tận Mộc Châu - Sơn La. Tôi chỉ kịp nhớ mình bị điện giật rồi sắp đó ngất lịm đến 3 ngày sau mới tỉnh dậy trong bệnh viện 103".

Theo chia sẻ của chị Tâm thì thời điểm đó chỉ có may mắn mới cứu được anh. Dù không ai nói với ai nhưng cả gia đình đều nghĩ rằng anh không thể qua khỏi.

Nhấp một ngụm trà đắng, anh lại thả mình về cảm xúc của gần 10 năm trước: "10 ngày sau tai nạn tôi được chuyển sang viện Bỏng Quốc gia để tiến hành cắt chân và điều trị. Lúc đó thực sự tôi không nghĩ được gì nhưng sau này nhìn lại vẫn thấy mình còn may mắn.

Nỗi đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác lúc đó thật không thể diễn tả thành lời nhưng nhìn vợ con, gia đình tôi phải tự động viên mình rằng mọi chuyện sẽ ổn".

Nghĩ vậy nhưng thầy Tuyến đã phải trải qua những tháng ngày u ám nhất của cuộc đời. Gần 1 năm trời nằm trên giường bệnh viện, chịu đủ những cơn đau giày vò và sự thật cay đắng khiến anh gần như phải đấu tranh từng ngày để lấy niềm tin mà chiến đấu.

"Đau lắm, mọi thứ như sụp đổ nhưng cứ nhìn vợ và người thân lo lắng cho mình tôi biết nếu không cố gắng để vượt qua, nếu mình sụp đổ thì sẽ nợ họ một món nợ lớn không bao giờ trả được. Thế nên tôi cứ cố gắng từng ngày, từng ngày mà không quên tự nhủ mình là một con nợ và còn phải trả nợ nhưng là nợ ân tình", thầy Tuyến chia sẻ.

Không hề dễ dàng với anh nhưng rồi sau một năm trời đấu tranh, vật lộn với chính bản thân mình Nguyễn Khả Tuyến dần chấp nhận rằng mình đã vĩnh viễn mất đi đôi chân và phải làm quen lại từ đầu với mọi thứ ngay chính trong nhà mình.

Cuộc sống đảo lộn, tập đi lại từ đầu như một đứa trẻ

Giữ được mạng sống coi như đã là may mắn nhưng nghĩ đến chuỗi ngày trước mắt đã khiến không ít lần anh Tuyến rơi vào khủng hoảng. Nhìn bản thân anh lại thương bố mẹ và vợ con. Đó cũng là lúc thầy Tuyến có nhiều suy nghĩ và dằn vặt khi thấy mình như gánh nặng cho người thân.

May mắn cho anh, số tiền gần 1 tỷ đồng thuốc men trong hơn 1 năm nằm viện anh được người thân hỗ trợ nhưng nhìn đứa con thơ chưa tròn tuổi lòng anh lại quặn đau. Anh thèm muốn biết bao cảm giác được bế con trên tay rồi đưa con đi chơi nhà trên, nhà dưới. Những điều tưởng đơn giản nhưng giờ đây cũng trở nên quá đỗi khó khăn đối với anh.

Thương vợ, thương con một lần nữa anh lại không cho phép mình đầu hàng số phận. Anh bắt đầu tập đi những bước chân đầu tiên trên đôi chân giả mà gia đình anh phải bỏ ra hơn 140 triệu đồng để mua về.

Nhớ lại những ngày đó anh Tuyến cho biết: "Mỗi lần đặt mình lên đôi chân giả là một lần tôi cắn răng chịu đau lết đi từng bước. Lâu dần rồi cũng quen có thể đi lại được những đoạn ngắn nhưng tôi cũng nhận ra sự bất tiện và không an toàn khi đi lại bằng đôi chân đó. Một lần nữa tôi lại phải tìm cách khác để di chuyển".

Đôi chân anh Tuyến bị cắt cao nên việc đi lại trên đôi chân giả làm anh mất thăng bằng, dễ bị ngã có thể gây ra tai nạn. Vì thế, tuy bỏ ra số tiền không nhỏ nhưng đôi chân này đã sớm trở thành đồ kỷ niệm. Thay vào đó anh tập đi lại bằng đôi ghế nhựa.

thay giao khuyet tat va uoc mo dung tren buc giang 5 giadinhvietnam

Việc di chuyển hàng ngày trong nhà anh Tuyến phải nhờ hết vào đôi ghế nhựa (Ảnh: Hồng Hạnh)

Cách đi lại này có vẻ phù hợp với anh và nhờ đôi tay khỏe mạnh anh Tuyến dần thích nghi với cách di chuyển này. Mọi thứ cũng vì thế mà dễ thở hơn với anh dù những sinh hoạt hàng ngày không ít lần anh phải nhờ tới vợ.

Đi lại trong nhà coi như tạm ổn nhưng việc đi ra ngoài với anh Tuyến lúc này lại là thử thách không kém. Thế rồi anh lại nghĩ cách để có thể tự đến trường và trở lại bục giảng.

Được sự tạo điều kiện của nhà trường vợ chồng anh được ở nhờ tại khu tập thể trường. Tuy diện tích không lớn nhưng gia đình anh cũng đủ không gian sinh hoạt và quan trọng hơn anh được ở gần trường.

Để thuận lợi cho việc di chuyển những khoảng cách xa hơn, anh Tuyến sắm cho mình chiếc xe lăn. Nhờ chiếc xe anh đã có thể tự mình đi lại trong những khoảng cách nhất định và đặc biệt là tự di chuyển từ nhà lên trường mà không phải nhờ ai hỗ trợ.

Nhưng nghĩ đến những khoảng cách xa hơn anh Tuyến thấy cách đi lại này không tiện lợi. Một lần nữa anh lại mày mò tìm kiếm phương tiện phù hợp cho mình qua các kênh khác nhau trên Internet. Thật may cho anh trong một lần tìm kiếm như thế anh biết đến câu chuyện của một người có hoàn cảnh giống anh tại Hà Nội.

Mừng như vớ được vàng, anh vội liên hệ và trao đổi với người này về câu chuyện của anh và nhờ giúp đỡ. Nhanh chóng tìm được đồng cảm, anh Tuyến sau đó đã được chính người này tìm hộ chiếc xe dành cho người khuyết tật với số tiền hơn 30 triệu đồng.

Có được chiếc xe chuyên dụng, mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn với anh. Với chiếc xe này anh đã có thể tự mình chạy xe lên trường một cách đơn giản, thậm chí anh có thể tự chạy xe về quê cách đó 30km cũng như tự chạy xe xuống tận Hà Nội khi có việc.

thay giao khuyet tat va uoc mo dung tren buc giang 1 giadinhvietnam

Thầy Nguyễn Khả Tuyến cùng vợ và các con trong ngôi nhà tại Thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (Ảnh: Hồng Hạnh)

Khi mọi thứ dần ổn định lại với anh cũng chính là lúc gia đình anh chào đón thêm 2 cậu con trai. Niềm vui nhân lên cũng là lúc gánh nặng như càng ghì sát lên đôi vai anh chị.

Chị Tâm sau nhiều lần không thể theo đuổi ngành nghề được học đã mở quán photocoppy ngay tại nhà. Tuy công việc vất vả nhưng chị đang quen dần và có thời gian hơn cho gia đình.

"Công việc bận rộn nhưng linh động và thu nhập cũng ổn định nên từ lâu tôi không còn ý định đi dạy nữa. Làm giáo viên giờ vất vả quá, để mình anh đi dạy là được rồi", chị Tâm vui vẻ cho hay.

thay giao khuyet tat va uoc mo dung tren buc giang 4 giadinhvietnam

Chiếc xe 3 bánh và đôi ghế nhựa trở thành vật bất ly thân của thầy Tuyến (Ảnh: Hồng Hạnh)

Nhìn gương mặt anh chị ánh lên hạnh phúc chúng tôi hiểu rằng những khó khăn tưởng chừng như khiến anh chị gục ngã đã dần qua đi. 9 năm trôi qua cũng chính từng đó năm anh chị phải xây dựng lại mọi thứ từ đầu trong đó có cả bước đi đầu tiên của anh trên "đôi chân" mới. Những đứa con thơ dại của anh chị đang vui vẻ chơi đùa, chúng đang quá nhỏ để hiểu rằng bố mẹ chúng đã trải qua những chuyện gì trong cuộc đời nhưng ai cũng hiểu rằng đó chính là động lực lớn lao để anh chị tiếp tục cố gắng như anh chị đã từng làm được.

"Trời đã không cho mình chết thì mình phải sống, mà sống thì phải sống cho thật tốt. Sau tất cả những chuyện đã qua tôi thấy mình tuy đen đủi nhưng may mắn khi có gia đình, bạn bè ở bên. Tôi luôn cố gắng để mình sống thật tốt", anh Tuyến ngậm ngùi.

Nhìn nụ cười của anh ai cũng hiểu người đàn ông đó có lý do để sống tốt. Quan trọng hơn anh lại được đứng trên bục giảng, sống với đam mê mà đã từng có lúc anh nghĩ rằng sẽ đứt gánh. Rồi đây trong những bài giảng cho học sinh người thầy đó chắc chắn sẽ không ít lần rưng rưng vì tình người, vì những giá trị của cuộc sống mà chính anh đã được cảm nhận.

"Lúc nghe tin Tuyến bị nạn, tôi từ Thanh Hoá ra thăm. Chuẩn bị lời động viên để vào viện nói với bạn. Hình dung tâm trạng bi quan, chán nản, tuyệt vọng của Tuyến. Ai ngờ khi vào đến nơi bắt gặp ngay nụ cười tươi rói và một câu đùa tếu táo: “Vẫn ngon mày ạ! Ông trời chưa cho chết...”.

Tôi vừa cười vừa cố ngăn dòng nước mắt nghẹn ngào, xúc động. Lúc đó Tuyến teo tóp chỉ còn 30 - 40kg, không chân, nằm lọt thỏm trên giường bệnh với đầy những vết cháy sém. Tôi không ngờ với nghị lực lớn lao, bạn tôi lại “hồi sinh” nhanh đến vậy".

(Chia sẻ của thầy giáo Đặng Ngọc Khương - Giáo viên trường Chuyên Ngoại ngữ - ĐHNN- ĐHQG Hà Nội)

->>> Bài 2: Hành trình trở lại bục giảng của thầy giáo mất 2 chân sau tai nạn

An Khánh - Hồng Hạnh - Thu Chang  
Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”
Chung tay 'tô cam' cùng TH hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới
Kết quả xổ số Vietlott Power ngày 22/11/2024
Đẩy mạnh việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Press cup 2024: Sự kiện thể thao được mong đợi hàng năm của báo giới cả nước
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục”: Cơ hội khám phá phương pháp giáo dục toàn diện
50 năm hành trình rực rỡ của trường Tiểu học Dịch Vọng A - Hà Nội
Nhiều tuyến phố tại Hạ Long ngập nước do triều cường dâng cao
2 cô giáo Sóc Trăng nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2024
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: “Mô hình hành động tập thể” tạo thay đổi tích cực và bền vững cho cộng đồng
Băng rừng 'gieo chữ' nơi bản làng Hà Giang
3 cô giáo Hải Phòng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Kết quả xổ số Vietlott Power ngày 20/11/2024
Cô giáo mầm non bám trường gieo chữ nơi miền núi Quảng Ninh
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Tâm sự thầy giáo trường Y: Thích 'mổ xẻ' để tìm cái đẹp cho đời
“Tiếng oan” sau vô lăng thầy dạy lái xe
Cô giáo 17 năm vào chùa mở lớp học cho trẻ em nghèo, khuyết tật
Giáo dục lấy hạnh phúc làm trọng tâm: Xu hướng tạo nên sự thay đổi tích cực trong trường học
Xem thêm