Có tiền sử dị ứng nên tiêm vắc xin Covid-19 hay không?

Có tiền sử dị ứng nên tiêm vắc xin Covid-19 hay không và nhiều vấn đề khác liên quan đang là vấn đề được nhiều người quan tâm trong giai đoạn này khi vắc xin phòng dịch đang được tiêm đồng loạt.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Việt Đức

Lý giải những thắc mắc này, Bác sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện Việt Đức Hà Nội đã có những lược dịch từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Mỹ để chia sẻ các vấn đề liên quan được nhiều người quan tâm khi chuẩn bị tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19.

Cụ thể, theo Bác sĩ Trần Quốc Khánh 5 vấn đề dưới đây là những điều mà nhiều người quan tâm khi chuẩn bị tiêm vắc xin phòng dịch.

Nhiễm COVID-19 nay đã khỏi có nên tiêm vắc-xin nữa không?

Có, vẫn nên được chủng ngừa bất kể đã nhiễm COVID-19 hay chưa. Các chuyên gia vẫn chưa biết bạn được bảo vệ bao lâu để không bị ốm trở lại sau khi phục hồi từ COVID-19. Ngay cả khi đã phục hồi sau COVID-19 dù rất hiếm những vẫn có khả năng bạn có thể bị nhiễm lại vi-rút này.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm chủng giúp tăng cường khả năng bảo vệ ở những người đã khỏi bệnh  COVID-19.

Trẻ em có nên tiêm vắc xin và có an toàn hay không?

Các nghiên cứu cho thấy vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả với cả người lớn và trẻ em trên 12 tuổi. Giống như người lớn, trẻ em có thể bị một số tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin và những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của trẻ nhưng sẽ biến mất sau vài ngày. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên đủ điều kiện để chủng ngừa COVID-19.

Đang mang thai có thể tiêm được vắc xin không?

Có, nếu đang mang thai vẫn có thể tiêm vắc xin COVID-19. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến từ các Bác sĩ sản phụ khoa tuy nhiên các chuyên gia cho rằng điều này là không cần thiết.

Phụ nữ mang thai vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19 nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ

Tiêm vắc xin giúp bảo vệ sức khỏe, chống lại COVID-19 trong bao lâu?

Các nhà khoa học cũng chưa biết chính xác vắc xin giúp chúng ta bảo vệ chống lại virus trong bao lâu. Các chuyên gia đang làm việc để tìm hiểu thêm về vấn đề này và sẽ thông báo cho công chúng khi có bằng chứng mới.

Những gì chúng ta biết hiện nay đó là COVID-19 đã và đang gây ra tình trạng bệnh tật rất nghiêm trọng cũng như tỷ lệ tử vong cho rất nhiều người. Vì vậy, tiêm vắc xin là một lựa chọn an toàn hơn cho tất cả.

Có tiền sử dị ứng có nên tiêm vắc xin hay không?

Phản ứng dị ứng được coi là nghiêm trọng khi một người cần được điều trị bằng epinephrine (Adrenaline) hoặc nếu người đó phải đến bệnh viện vì những biểu hiện bất thường về sức khoẻ (khò khè khó thở, rối loạn tim mạch…) sau khi tiêm và thường diễn ra trong vòng 4 tiếng sau khi tiêm.

CDC Mỹ khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng ngay cả khi họ có tiền sử bị các phản ứng dị ứng nghiêm trọng không liên quan đến vắc xin hoặc thuốc tiêm, ví dụ như dị ứng thức ăn, vật nuôi, nọc độc, môi trường hoặc cao su. Những người có tiền sử dị ứng với thuốc uống hoặc tiền sử gia đình có phản ứng dị ứng nghiêm trọng cũng có thể tiêm phòng.

Theo các thống kê cho thấy tỷ lệ người bị dị ứng phản ứng nặng và sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin là vô cùng nhỏ (trên dưới 10 trường hợp/1 triệu mũi tiêm).

- Nếu bị dị ứng với Polyethylene Glycol-PEG (thành phần trong vắc xin mRNA) không nên chủng ngừa mRNA COVID-19 như Pfizer, Moderna. Nếu dị ứng mũi một với một trong hai loại vắc-xin trên hỏi xin tư vấn của bác sĩ để tiêm loại vắc xin khác ở mũi 2.

- Nếu dị ứng với Polysorbate (là một thành phần trong vắc xin Johnson & Johnson/Janssen - J&J/Janssen) thì không nên tiêm vắc-xin J&J/Janssen mà nên chuyển qua loại vắc xin khác.

- Nếu bạn bị dị ứng với các loại vắc xin khác ở mũi tiêm đầu tiên, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên chủng ngừa COVID-19 hay không hay cân nhắc thay bằng loại vắc xin khác.

Tiêm vắc xin Covid-19 rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong đại dịch

Hiện nay một số nơi giới thiệu những bộ kit xét nghiệm cơ thể có bị dị ứng với một số dị nguyên như phấn hoa, lông thú nuôi, trứng, hạt bụi, kháng sinh… chúng ta cũng nên cân nhắc vì chưa có sự liên quan cụ thể đến thành phần của những vắc xin trên.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ