Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi mùa nắng nóng bằng những giải pháp đơn giản

Mùa hè thời tiết oi bức, nhiệt độ tăng cao, người cao tuổi dễ mắc bệnh bởi sức đề kháng yếu.

Giải pháp nào để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ở người cao tuổi, Thạc sĩ Bác sĩ Vũ Ngọc Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia đã đưa ra một số khuyến cáo dưới đây.

Mùa hè thời tiết oi bức, nhiệt độ tăng cao, người cao tuổi dễ mắc bệnh bởi sức đề kháng yếu

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ

Mùa hè thời tiết oi bức, nền nhiệt tăng cao, người cao tuổi thường mắc một số bệnh về tiêu hóa, tim mạch, đột quỵ, hô hấp, xương khớp, bệnh ngoài da…

Một trong những giải pháp ngăn ngừa các bệnh thông thường về mùa hè với người cao tuổi là thường xuyên bổ sung nước cho cơ thể, cần uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước/ngày. Không nên chờ khi có cảm giác khát mới uống, cần bổ sung thêm nước hoa quả và hạn chế uống nước có gas, có cồn.

Đặc biệt khi đi ngoài trời nắng, nếu thấy có dấu hiệu chóng mặt, nhức đầu, mệt lả, tay chân bủn rủn, tiết nhiều mồ hôi, thân nhiệt tăng lên, tim đập nhanh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Vào mùa hè, nếu chế độ sinh hoạt hằng ngày không hợp lý, ngoài cảm nắng, người cao tuổi cũng có thể bị cảm lạnh. Chẳng hạn đang đi ngoài nắng về tắm ngay hoặc ra vào phòng điều hòa, từ trong xe ô tô bước ra ngoài trời nắng đột ngột... Chính sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột khiến cơ thể người cao tuổi khó thích nghi. Ở trường hợp nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên, như viêm họng, viêm mũi..., nếu nặng dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi... Trong các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp xảy ra vào mùa hè thì bệnh đột quỵ ở người cao tuổi chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Bác sĩ Vũ Ngọc Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia tư vấn một số giải pháp bảo vệ sức khoẻ cho người cao tuổi

Theo Bác sĩ Vũ Ngọc Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia, nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ nhưng lại là yếu tố thuận lợi khiến những người tiềm ẩn những bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, thậm chí đột quỵ. Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt nửa cơ thể, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội...

Cách phòng bệnh mùa nắng nóng

Người cao tuổi cần bảo đảm chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, các loại rau tươi, trái cây để tăng sức đề kháng.

Hạn chế ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h, là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Nếu nghỉ trong phòng điều hoà nên bật ở mức từ 25 đến 27oC, không nên để chênh lệch quá 7oC so với nhiệt độ ngoài trời. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần có thời gian để cơ thể từ từ thích nghi, tránh đột ngột.

Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, người cao tuổi cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh tự ý sử dụng thuốc tùy tiện.

Người cao tuổi cần bảo đảm chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, các loại rau tươi, trái cây để tăng sức đề kháng.

Riêng với bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp, để phòng bệnh, người cao tuổi không nên dùng thức ăn để lâu trong tủ lạnh, thức ăn tái, rau sống rửa không kỹ, uống nước không đảm bảo...

Đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, người cao tuổi phải chú ý mặc quần áo thoáng mát, không ăn đồ quá lạnh, đồ khó tiêu; ăn nhiều chất xơ... Khi ra ngoài trời nắng cần có quần áo, mũ, khẩu trang che nắng bảo vệ cơ thể.