Mẹo xử lý khi trẻ bị côn trùng cắn
Khi trẻ bị côn trùng cắn, tùy vào loại côn trùng, cha mẹ phải có cách xử lý kịp thời giúp trẻ nhanh khỏi và không để lại sẹo.
Hàng năm ở nước ta vào các tháng mùa hè, có mưa nhiều, các bệnh do côn trùng cắn rất dễ bùng phát, côn trùng không khu trú ở một vùng nào của đất nước mà có mặt khắp mọi nơi. Trẻ thường hay đùa nghịch nên hay bị côn trùng cắn.
Khi trẻ bị côn trùng cắn, tùy vào loại côn trùng, cha mẹ phải có cách xử lý kịp thời giúp trẻ nhanh khỏi và không để lại sẹo.
BS.CKI Trần Quốc Long chia sẻ trên trang Sức khỏe & Đời sống một số mẹo xử lý khi trẻ bị côn trùng cắn:
Trẻ bị bọ chét, chấy rận, ve chó... cắn
Đối với bọ chét, chấy rận, ve chó, thường sống ký sinh ở trên lông các vật nuôi trong nhà nên rất gần gũi với trẻ em. Khi cắn, chúng hút máu và gây ngứa khó chịu.
Mẹo xử lý khi trẻ bị côn trùng cắn
Và khi cắn, chúng bám rất chắc vào da, do đó trước tiên cần bắt chúng kéo từ từ ra khỏi da để răng chúng không sót lại ở chỗ cắn, sau đó rửa sạch vết cắn bằng xà phòng.
Sâu róm
Sâu róm khi chạm vào da trẻ em gây dị ứng làm ngứa rát, mẩn ngứa, nổi mề đay vùng da tiếp xúc.
Cần nhanh chóng dùng găng tay hay que cây gạt sâu róm ra, dùng vắt cơm nguội lăn vào chỗ sâu tiếp xúc để lấy hết lông sâu ra, sau đó rửa sạch da bằng xà phòng, chườm đá giảm sưng - ngứa và giảm đau, tránh gãi nhiều lên vết ngứa vì điều này có thể làm lông và gai đâm sâu vào trong da.
Ong mật đốt
Nếu bị ong mật đốt, lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra. Vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
Sau đó, rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm, bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 700C lên vết đốt mỗi ngày 2 lần, có thể chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng.
Ong vò vẽ, rết, bò cạp đốt
Trong trường hợp bị ong vò vẽ, rết, bò cạp đốt, nọc độc của chúng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, do đó ngay sau khi xử trí bước đầu như: rửa các vết ong đốt bằng xà phòng hoặc chất kiềm nhẹ rồi chườm lạnh; sau đó chuyển nhanh em bé đến cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Một số lưu ý cần tránh khi bị côn trùng cắn
- Không nên gãi, nặn hay chà xát vùng bị cắn. Điều này sẽ khiến cho nọc độc và các vi khuẩn xâm chiếm nhanh hơn
- Các bạn có thể ngăn chặn côn trùng bằng, chống muỗi bằng cách trồng các loại cây thảo dược như chanh, cây xả, hương thảo, húng quế, bạc hà, hoa hồng phong lữ…
Các loài cây này có tác dụng như một loại thuốc diệt trừ sâu bọ, ngăn không cho chúng đến gần chúng ta từ đó sẽ hạn chế bớt các trường hợp bị côn trùng cắn cho trẻ.
- Hầu hết các vết côn trùng cắn thường ít nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bị côn trùng lạ cắn hoặc có những biểu hiện khác thường, bạn nên làm theo trình tự các bước xử lý khi bị côn trùng cắn đốt trẻ nhỏ và đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra.
An Nguyên