Mẹ chồng tôi là cô giáo
Không phải là học sinh của mẹ nhưng tôi đã học được rất nhiều từ những câu chuyện về tháng ngày mẹ bươn chải giữa cuộc sống bằng nghề dạy học.
Vất vả mưu sinh từ ngày còn trẻ
Mẹ chồng tôi, Nguyễn Thị Ưng, 70 tuổi là cựu giáo viên trường cấp 2 Liên Ninh, Thanh Trì. Cả sự nghiệp giảng dạy của mẹ là quãng đời thật sự gian khó.
Bố chồng tôi mất sớm, mẹ một thân một mình nuôi dạy 3 người con ăn học đồng thời vừa là chị cả của 9 người em trong nhà. Hàng ngày mẹ lên lớp, về đến nhà lại lao vào việc đồng áng. Những trách nhiệm đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ nhưng mẹ chưa từng buông xuôi, một tay mẹ gánh vác tất thảy những gì khó nhọc nhất. Thăng trầm của cuộc sống đã tôi luyện mẹ thành một người phụ nữ mạnh mẽ, can đảm ẩn sau dáng người nhỏ nhắn đến thương.
Người mẹ hiền thứ 2 của bao thế hệ học trò
Vất vả với cuộc sống gia đình là thế nhưng mẹ vẫn hết lòng với học sinh của mình. Mẹ là giáo viên dạy toán, cái môn học tưởng như sẽ làm mẹ khô khan trong mắt học trò nhưng mẹ đã dùng cái tâm của người thầy mà dịu dàng, mà trìu mến.
Mẹ thương những ánh mắt thơ ngây của bao học trò đang khát khao vươn lên từ đói nghèo, lam lũ cho ngày mai đang tới. Chính vì điều đó, dù đã nghỉ hưu gần 20 năm, mẹ vẫn được rất nhiều thế hệ học trò nhớ đến. Thậm chí, các con của những học trò ấy đều gọi mẹ bằng cái tên rất thân thương: cô giáo bà.
Làm dâu của mẹ chưa lâu, tôi đã được nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về mẹ. Như trong một lần về lại mảnh đất mẹ từng gắn bó, một cậu học sinh giờ đã 58 tuổi có dịp được gặp lại mẹ sau nhiều năm vừa đặt tay lên ngực trái vừa nói một câu vô cùng xúc động: “Cô ơi con vẫn ghi nhớ tận trong tim này. Chúng em đứt cái cúc áo cô cũng khâu cho”.
Hay một buổi sáng cuối tuần mùa thu, chú Hưng – học sinh cũ của mẹ lặn lội từ Lâm Đồng ra Hà Nội để tìm gặp cô giáo mình sau 50 năm. Vừa nhìn thấy mẹ tôi, chú mừng mừng tủi tủi: “Cô ơi, lâu lắm rồi….”.
Chú Hưng, chú Phương cùng cô giáo Nguyễn Thị Ưng.
Chú hồi tưởng lại những tháng ngày tuy thiếu thốn nhưng vẫn ấm áp tình thầy trò.
Chú kể: “Hồi đó trường cấp 2 Thụy phú, xã Nam Hồng, huyện Phú Xuyên có phong trào học sinh đóng gạch xây trường. Thời ấy học lớp 7 người nhỏ lắm. Bạn nữ gánh gạch mộc còn con trai bê. Nhớ nhất lúc đang nóng, mồ hôi nhễ nhại lại đói nữa thấy cô giáo Ưng pha chung ca lớn nước chanh mà sung sướng, nhớ mãi cho đến bây giờ”.
Có lẽ mẹ tôi không thể nhớ được hết những việc làm nhỏ đó nhưng trong lòng học trò, ấy là một ân tình, ơn nghĩa suốt đời không quên. Với chú Hưng, mấy chục năm trôi qua vẫn đau đáu những ký ức về cô giáo mình.
“Thương cô nhiều lắm, chồng cô mất sớm rồi phải mang 3 đứa con nhỏ từ Phú Xuyên lên Thanh Trì xin hố lò gạch để ở. Cô đã hy sinh tình cảm riêng tư, tất cả vì các con, cô sống tốt với đồng nghiệp, hết lòng vì học sinh” – chú nghẹn ngào.
Từ cái hố lò gạch ấy, mẹ đã phấn đấu, tích góp cả đời để xây được căn nhà 3 tầng vợ chồng tôi đang ở cùng mẹ bây giờ.
Cũng chính cái tâm của mẹ truyền động lực cho những học trò đam mê nghề giáo.
Chị Nguyễn Thủy, học sinh cũ của mẹ hiện là giáo viên trường mầm non chia sẻ: “Cô đã chắp cánh ước mơ của tôi. Tôi đã học được từ cô tình yêu học trò như con của mình, học được sự dũng cảm mạnh mẽ từ con người nhỏ nhắn và những bài học làm người rất sâu sắc và ý nghĩa đối với gia đình và xã hội. Cô luôn là tấm gương sáng để những thế hệ học trò chúng tôi noi theo”.
Từ những câu chuyện ấy, tôi càng cảm phục mẹ chồng mình. Hạnh phúc của người thầy không phải là những gì lớn lao mà từ chính những điều giản đơn trong cuộc sống. Nó không đến từ tiền bạc, từ chức danh mà từ những tình cảm của học trò.
Nghỉ hưu nhưng chưa khép giáo án
Rời lớp học, mẹ trở về với niềm vui giản dị hàng ngày như trồng rau, quây quần bên con cháu. Giờ đây, giáo án của mẹ là những bài toán cho cháu nội, cháu ngoại.
Phần tôi, dù không phải là học sinh của mẹ nhưng cũng được mẹ dạy phải biết quý trọng, biết yêu thương và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Cuộc sống dù còn nhiều áp lực nhưng sau 1 ngày dài trở về nhà, chỉ cần nhìn thấy hình ảnh người mẹ ra ngóng vào chờ bên mâm cơm, vừa xót xa lại vừa bình yên quá đỗi.
Cô giáo Ưng cùng con cháu.
Cả đời mẹ chỉ cần được cho đi là mãn nguyện. Với chúng tôi, mẹ chỉ cần an vui sống sau trùng trùng điệp điệp giông bão cuộc đời.
-> Cô giáo Mường "thắp lửa" đam mê Lịch sử cho học trò miền sơn cước