Cô giáo Mường "thắp lửa" đam mê Lịch sử cho học trò miền sơn cước
Những ngày theo chân mẹ đến điểm trường cắm bản thửa nhỏ đã nhen nhóm cho cô Hoàn ước mơ trở thành cô giáo để đem kiến thức đến cho các em nhỏ vùng đồng bào quê hương.
Nuôi ước mơ từ gian khó
Ít ai biết rằng cô giáo Đinh Thúy Hoàn - người "mát tay" trong công tác tìm kiếm và bồi dưỡng cho nhiều học sinh giỏi môn Lịch sử của trường THCS Yên Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) lại có tuổi thơ đầy gian khó. Sinh ra tại xã vùng cao, bố làm nông nghiệp còn mẹ là cô giáo cắm bản.
Từ nhỏ, cô học trò Đinh Thúy Hoàn theo từng bước chân đến điểm trường cùng mẹ và bạn bè đồng trang lứa chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
“Những buổi không đến trường, tôi cùng các bạn đi lấy củi trên đồi phụ giúp gia đình. Đường đến trường học cách xa nhà vài cây số nắng thì bụi, mưa thì sình lầy", cô Hoàn nhớ lại.
Cô giáo Đinh Thúy Hoàn trong giờ lên lớp dạy môn Lịch sử với học sinh.
Theo lời nữ giáo viên dân tộc Mường, thời gian đó kinh tế khó khăn nên hết tiểu học, nhiều bạn bè đồng trang lứa phải nghỉ học do trường xa hay hoàn cảnh gia đình khó khăn và một phần suy nghĩ của cha mẹ cho rằng con mình chỉ cần biết chữ và tính tiền là đủ. Thế nhưng với nghị lực trong học tập, cô học trò Đinh Thúy Hoàn đã kiên trì theo từng các cấp học ở vùng quê nghèo.
Bước ngoặt quan trọng trên con đường học tập của cô nữ sinh dân tộc Mường là khi vào đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT Hương Cần. Không phụ công thầy cô, Đinh Thúy Hoàn ngày đêm chăm chút, bồi dưỡng rèn luyện. Sau bao ngày nỗ lực, cố gắng, Đinh Thuý Hoàn vinh dự đoạt giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa Lý năm 2007.
Cô Hoàn cùng học trò tìm hiểu về những vật dụng sản xuất của đồng bào địa phương.
"Giải thưởng tuy không cao nhưng đây cũng là động lực để tôi quyết tâm thi đỗ Đại học Hùng Vương. Những điều mà trong mơ một cô bé người dân tộc thiểu số như tôi chưa bao giờ thấy. Chính các thầy, các cô Trường THPT Hương Cần và gia đình đã thắp lên trong tôi tình yêu đối với nghề giáo viên”, cô Hoàn tâm sự.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Hùng Vương, nữ cử nhân Đinh Thúy Hoàn được tiếp nhận về công tác tại chính quê hương là Trường THPT Hương Cần. Năm 2014, cô Hoàn được tuyển dụng và phân công về Trường THCS Hương Nha. Một năm sau là Trường THCS Yên Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) và công tác cho đến nay. Đây cũng chính là mái trường có nhiệm vụ đào tạo học sinh là con em đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
"Thắp lửa" môn Lịch sử
Những ngày đầu trên bục giảng, nhìn các em học sinh dân tộc, cô giáo trẻ Đinh Thúy Hoàn như được gặp lại chính tuổi thơ của mình. Bởi lẽ, bản thân cô cũng là người dân tộc thiểu số được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên nữ giáo viên thấu hiểu được những khó khăn cũng như khát khao được học tập của con em đồng bào nơi đây.
Bồi dưỡng học sinh giỏi là một công việc chưa bao giờ dễ dàng với trường học tại xã đặc biệt khó khăn. Với học trò, cô Đinh Thúy Hoàn cho rằng, các em phải lập kế hoạch chi tiết cho cả quá trình học tập và ôn luyện - từng bước bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, yếu kém về kỹ năng. Cả giáo viên lẫn học sinh phải thường xuyên đọc sách để mở rộng kiến thức, học hỏi kỹ năng, nâng cao năng lực cảm thụ, diễn đạt, cách trình bày…
Trong quá trình dạy, cô Hoàn lồng ghép các câu chuyện đời thường, câu chuyện liên quan đến cuộc sống hàng ngày để cho học trò dễ hiểu, dễ hình dung.
Với sự nỗ lực từ cô trò, kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh môn Lịch sử của Trường THCS Yên Sơn những năm qua có nhiều khởi sắc. Từ không có giải đến có giải, từ đạt giải thấp đến đạt giải cao. Nhiều em đoạt giải Nhì, giải Ba cấp huyện và giải Khuyến khích cấp tỉnh. Đặc biệt, trong danh sách học sinh giỏi có nhiều em là người dân tộc thiểu số.
Là một trong những học sinh giỏi môn Lịch sử, em Đinh Thị Thu Hương (lớp 9B Trường THCS Yên Sơn) cho biết, tiết học Lịch sử của cô Hoàn luôn tạo cho em và các bạn tâm lý thoải mái, giống như lắng nghe một câu chuyện của quá khứ được tái hiện lại trong từng chi tiết.
“Quá trình học Lịch sử em không hề thấy khô khan và khó tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, sau mỗi bài học em tìm thêm tài liệu của sự kiện đó hoặc những thông tin mà sách giáo khoa chưa đề cập đến. Do đó, em càng thấy môn Lịch sử cuốn hút và hấp dẫn hơn. Thay vì suy nghĩ học để thi học sinh giỏi, em suy nghĩ học để khám phá, để hiểu hơn quá khứ của cha ông…”, Thu Hương chia sẻ.
Khi được hỏi về phương pháp giảng dạy, cô Đinh Thúy Hoàn cho biết, yếu tố quan trọng nhất của người giáo viên là vào vai người truyền cảm hứng. Khi học sinh yêu thích, cảm thấy hứng thú với môn học thì lúc đấy mới là kỹ năng truyền kiến thức. Thầy cô chính là người đồng hành cùng với học. Dạy lịch sử không nhồi nhét kiến thức mà phải có những điểm nhấn nhất là mốc lịch sử quan trọng.
"Trong quá trình dạy, tôi lồng ghép các câu chuyện đời thường, câu chuyện liên quan đến cuộc sống hàng ngày để cho học trò dễ hiểu, dễ hình dung nhất. Bởi lịch sử bắt nguồn từ cuộc sống, là quá trình liên hệ với cuộc sống thực tế chứ không phải cứ kể về nhân vật này, nhân vật kia”, cô Đinh Thúy Hoàn chia sẻ.
Nhiều học sinh giành giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp huyện, cấp tỉnh do được cô Đinh Thuý Hoàn bồi dưỡng và giảng day.
Đặc biệt, phát huy những thế mạnh của công nghệ thông tin, hình ảnh, video về lịch sử liên quan đến bài học, cô Đinh Thuý Hoàn đều cố gắng tích hợp trong bài giảng, nhằm tăng tính trực quan sinh động, tương tác giữa hai bên, giúp các em học sinh tiếp thu bài giảng một cách dễ hiểu, dễ nhớ trong quá trình học..
Thầy Hà Ngọc Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Sơn (xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng cô Đinh Thuý Hoàn rất nỗ lực, cố gắng khắc phục để tìm tòi, sáng tạo phương pháp giảng dạy môn học Lịch sử nhằm giúp các em học sinh dễ tiếp cận kiến thức.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Yên Sơn, chính sự đổi mới trong cách thức giảng dạy, sự chuẩn bị chu đáo cho mỗi giờ lên lớp của cô Hoàn mà những tiết học về môn Lịch sử vốn khô khan đã trở nên cuốn hút các em học sinh.
"Hàng năm, cô Đinh Thuý Hoàn đã phát hiện, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của trường đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Cô là giáo viên luôn kiên trì, tâm huyết với bộ môn này, trở thành người truyền lửa tình yêu lịch sử cho học sinh của trường", thầy Hà Ngọc Quỳnh nhận xét