Mất thị lực, nguy kịch sau khi uống cồn pha nước lọc
Pha cồn với nước lọc để uống, người đàn ông nhập viện trong tình trạng mất thị lực và nguy kịch.
Liên tiếp ca ngộ độc methanol sau khi... uống cồn
Tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú thọ cho biết, trong 1 tháng vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc methanol có trong cồn giả, sau khi pha cồn vào nước để uống.
Gần nhất là nam bệnh nhân 50 tuổi đã pha khoảng 100 ml cồn 90 độ với 500 ml nước lọc và uống hết. Sau một ngày, người bệnh xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn ra dịch nâu, thị lực từ nhìn mờ dần, suy giảm theo chiều hướng xấu đi.
Người bệnh đã được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng mất thị lực; kết quả xét nghiệm khí máu có tình trạng toan hóa máu, được chẩn đoán ngộ độc methanol. Người bệnh đã phải lọc máu cấp cứu.
Dù sau đó được chuyển lên khoa Chống độc bệnh viện Bạch Mai điều trị nhưng người bệnh vẫn bị mất thị lực.
Hình ảnh não tổn thương do tác dụng của methanol (Ảnh: BVCC)
Trường hợp khác, nam 66 tuổi, sau một ngày uống rượu pha thì xuất hiện đau đầu, nhìn mờ dần, vật vã kích thích. Bệnh nhân nhập viện khi hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng do ngộ độc methanol. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy tổn thương nhồi máu, hoại tử, chảy máu.
Theo bác sĩ, bệnh nhân bị ngộ độc cấp methanol nồng độ cao, lại đến viện muộn nên chất này đã ngấm vào các cơ quan, đặc biệt là não, dẫn đến tổn thương nặng.
Người bệnh dù được hồi sức tích cực, lọc máu, thở máy nhưng tình trạng rất nặng, nguy cơ sống thực vật.
Ngộ độc methanol nguy hiểm thế nào?
Bác sĩ Bùi Tất Luật, khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, trong thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc methanol đang có xu hướng gia tăng.
Theo vị bác sĩ, methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, được bán với giá rất rẻ nên dễ bị kẻ xấu sử dụng làm rượu giả, cồn giả pha nước (thay cho ethanol).
Đó là lý do nhiều người mua cồn y tế hay các sản phẩm dán nhãn ethanol nhưng thành phần lại có chứa methanol, thậm chí nồng độ methanol rất cao.
Methanol được hấp thu và gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa, qua da hoặc qua đường hô hấp. Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít trong thời gian dài hoặc lặp lại nhiều lần sẽ tích lũy trong cơ thể và gây ngộ độc sau đó nhiều ngày.
"Tình trạng này hay gặp ở người nghiện rượu, người thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc, cồn giả pha nước uống thay rượu, người lao động trong môi trường tiếp xúc với methanol nhưng không có bảo hộ lao động…
Hoặc người bệnh có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết, và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc (hay gặp với trường hợp sử dụng sản phẩm giả có chứa methanol)", bác sĩ Luật chia sẻ.
Tình trạng ngộ độc methanol đang có xu hướng gia tang (Ảnh minh họa)
Người bệnh ngộ độc methanol có những biểu hiện: Mờ mắt, giảm thị lực, mù, đau đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, tổn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, sốc, tổn thương đa tạng dẫn đến tử vong.
Do đó, bác sĩ Luật khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác không sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, cồn sát khuẩn không theo quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt là không được uống cồn, cồn giả pha nước để uống.
Khi làm việc trong môi trường có methanol phải sử dụng thiết bị bảo hộ lao động an toàn.
Nếu không may uống phải, hít phải Methanol cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế uy tín để được cấp cứu, xử trí kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng cũng như hạn chế tối đa các di chứng, nhất là các di chứng ở thần kinh trung ương, di chứng ở mắt.