"Mạng xã hội đã trở thành “cánh tay nối dài” cho các nhà báo"
"Nhà báo tham gia mạng xã hội là xu thế không thể tránh khỏi, thậm chí, mạng xã hội đã trở thành “cánh tay nối dài” của các nhà báo, các tòa soạn báo".
Việc sử dụng mạng xã hội (MXH) của các nhà báo, cơ quan báo chí trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay đã tác động như thế nào trong việc truyền tải, lan tỏa thông tin tới công chúng?
Nhân dịp Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), PV Báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận về chủ đề này.
- Thưa nhà báo Lan Anh, chị đánh giá như thế nào về vai trò của mạng xã hội đối với phóng viên, nhà báo hiện nay?
- Nhà báo Trần Lan Anh: Trong thế giới phẳng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội (MXH) đã xóa nhòa ranh giới giữa truyền thông xã hội và truyền thông chính thống. Độc giả thích và tin thông tin trên MXH, nhà báo thậm chí coi MXH như một kênh thông tin riêng biệt để bày tỏ quan điểm khi có tranh luận.
Làm báo trong thời công nghệ số, người ta không thể cấm nhà báo tham gia mạng xã hội và càng không nên cấm. Bởi nhà báo tham gia mạng xã hội là xu thế không thể tránh khỏi, thậm chí, mạng xã hội đã trở thành “cánh tay nối dài” của các nhà báo, các tòa soạn báo.
Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận.
>>> Báo chí Việt Nam xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, thời đại mạng xã hội bùng nổ, hay vĩ mô hơn ấy là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; và lẽ dĩ nhiên, chắc chắn khó mà tránh khỏi sức ảnh hưởng của công nghệ, của mạng xã hội. Và đối với báo chí thế giới nói chung, nền báo chí Việt Nam nói riêng, những tác động - cả tích cực lẫn tiêu cực - mà cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đem lại, không phải ngoại lệ!
Tuy nhiên, tác động như thế nào, hay - dở, tốt - xấu ra sao… có lẽ khó mà nói hết được.Và chúng ta - dù không muốn cũng phải nhắc - là việc những người làm báo (nói chung) đang “chơi” mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội như thế nào để tạo ra hiệu ứng tích cực cho độc giả thay vì… “mất mạng” vì mạng xã hội!
- Theo chị, để sử dụng và phát huy hiệu quả mạng xã hội đem lại, trong thẩm quyền của mình thì các tòa soạn cần có quy định như thế nào đối với các phóng viên, nhà báo khi tham gia mạng xã hội?
- Nhà báo Trần Lan Anh: Mặc dù trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được triển khai thực hiện từ 1/1/2017 cùng với việc thực hiện Luật Báo chí 2016, có Điều 5: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác” nhưng không phải khi nào nhà báo tham gia mạng xã hội cũng đúng và nhà báo nào cũng trung thực.
Người ta bắt đầu nói nhiều đến sự “ảo tưởng về quyền lực phát ngôn” của nhà báo. Nếu nói “lệch chuẩn” thì chính là lệch chuẩn trong tư duy của những người làm báo chuyên nghiệp khi không phân biệt rõ mình đang đứng trong môi trường nào, và thay vì tìm cách tận dụng mạng xã hội cho hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp của mình thì lại bị cuốn theo cách làm việc theo kiểu mạng xã hội với sự tham gia của rất nhiều đối tượng khác nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà các tờ báo lớn ở nước ngoài đều có quy định về việc sử dụng mạng xã hội đối với phóng viên, biên tập viên. Mỗi phóng viên khi sử dụng mạng xã hội phải xác định rõ việc họ đang đăng tải một status với tư cách cá nhân hay vì công việc. Và bắt buộc phải có những hạn chế về phát ngôn trên mạng xã hội đối với phóng viên, biên tập viên vì ranh giới giữa sử dụng vì mục đích cá nhân và mục đích công việc là rất mong manh.
"Mạng xã hội đã trở thành “cánh tay nối dài” của các nhà báo, các tòa soạn báo" (Ảnh: TL)
Khi phóng viên làm việc cho một tờ báo, nhận lương của tờ báo đó thì bài viết chính là tài sản chung của cả phóng viên và tòa soạn, và phiên bản được xuất bản trên báo mới là sản phẩm chính thức và duy nhất. Phóng viên, biên tập viên không được phép công bố những nội dung làm hiểu sai quan điểm của tờ báo. Một phương tiện truyền thông không có lỗi nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách phù hợp và vì những mục đích nhân văn.
Tuy nhiên, hiện nay, khi mà lằn ranh giữa báo chính thống và thông tin mạng xã hội vô cùng mong manh, mỗi tòa soạn, mỗi cơ quan báo chí cần nghiêm túc tuân thủ những Quy tắc, Quy định liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội đã được quy định cụ thể trong Luật An ninh mạng, trong 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Trên hành lang pháp lý chung đó, mỗi cơ quan báo chí có thể cụ thể hóa để phù hợp với bối cảnh của mình, sao cho việc thực hiện được hiệu quả nhất.
- Cùng với lợi ích mang lại thì mạng xã hội cũng tồn tại những mặt trái mang lại không ít hệ lụy. Người làm báo khi sử dụng mạng xã hội cần làm gì để hạn chế những hệ lụy đó, thưa chị?
- Nhà báo Trần Lan Anh: Với sự xuất hiện của Internet và truyền thông xã hội, việc cung cấp thông tin đã không còn là việc làm đặc thù của nhà báo. Khái niệm “nhà báo công dân” xuất hiện cùng với sự phát triển và ra đời của Internet và truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nhà báo khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội, cùng với những kỹ năng nghề mà họ được trang bị, rèn luyện, trau dồi qua quá trình hoạt động báo chí sẽ khẳng định vai trò của mình qua sự chuyên nghiệp trong việc thông tin một cách chính xác, khách quan và có trách nhiệm.
Sự chuyên nghiệp trong thông tin và trách nhiệm là hai yếu tố tạo nên sự khác biệt của nhà báo trong quá trình tham gia thông tin trên truyền thông xã hội. Hai yếu tố này có mối quan hệ biện chứng không tách rời nhau. Người bình thường khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội không yêu cầu sự chuyên nghiệp khi đưa thông tin như nhà báo (kiểm chứng, xác minh, đánh giá…) nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Trái lại, một nhà báo chuyên nghiệp với đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ báo chí được đào tạo và luôn trau dồi nâng cao nghiệp vụ cần đề cao trách nhiệm khi tham gia thông tin trên truyền thông xã hội.
- Hiện nay, Báo Nhà báo và Công luận có quy định hoặc khuyến cáo gì đối với phóng viên, biên tập viên khi tham gia mạng xã hội, thưa chị?
- Nhà báo Trần Lan Anh: Ngoài việc tuân thủ Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành tháng 12/2018, chúng tôi cũng có những Quy định sử dụng mạng xã hội riêng của tòa soạn.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, quy định chỉ thật sự có hiệu quả khi mỗi phóng viên của tòa soạn biết đặt lợi ích của độc giả, của tòa soạn và cao hơn là đặt cái tâm của người làm báo vào mỗi dòng status trên mạng xã hội. có như thế, lằn ranh giữa báo chí chính thống và thông tin mạng xã hội mới hết mong manh.
- Xin cảm ơn nhà báo Trần Lan Anh về cuộc trao đổi này!
-> "Mạng xã hội là liều thuốc bổ luôn đính kèm… hướng dẫn sử dụng"