Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của các quốc gia trên thế giới có gì đặc biệt?
Không chỉ Việt Nam, một số quốc gia Châu Á khác cũng có tục lệ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.
Tín ngưỡng dân gian ở nhiều nước châu Á đề cao vai trò vị thần trông coi bếp lửa và tài lộc gia đình. Vì vậy, ngày lễ cúng ông Công ông Táo là dịp quan trọng hàng đầu trong cả năm. Vào ngày này, người dân sẽ chuẩn bị mâm cỗ tươm tất với những đồ lễ truyền thống để tiễn ông Táo về trời.
Việt Nam
Mâm cúng ông Công ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện và gia cảnh mỗi gia đình có thể chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo để phù hợp với nhu cầu.
Ảnh minh họa.
Mâm cỗ cúng của người Việt cơ bản có các món phổ biến như xôi, cơm canh, rượu, nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả. Phụ thuộc vào nét văn hoá và các yếu tố khác biệt mang tính dị bản trong sự tích ông Táo, mỗi vùng miền sẽ có một số điểm đặc trưng riêng biệt.
Ở miền Bắc, lễ vật cúng có vàng mã, cá chép, bộ mũ, áo của các Táo. Về mâm cỗ, bên cạnh xôi, chè, không thể thiếu các món ăn như gà luộc, canh măng, thịt đông, nem rán…
Với người miền Nam, mâm cúng ông Công ông Táo thường có gà luộc hoặc quay, giò heo, canh mọc, rau xào, bánh chưng, xôi gấc, củ kiệu… Đi kèm mâm cúng còn có thêm đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen và một bộ "cò bay, ngựa chạy".
Tương tự như các vùng miền khác, người miền Trung coi trọng việc cúng ông Công ông Táo. Thông thường, mâm cúng của người miền Trung không có áo mũ vàng mã cho các Táo như miền Bắc, mà chỉ có một một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ, vàng mã cùng một số lễ vật khác.
Các món ăn được bày trên mâm cỗ có gà luộc, nem rán, xôi, thịt lợn… Ở một số vùng như Huế, Hội An (Quảng Nam), mâm cúng thêm có cá thu hoặc cá ngừ.
Trung Quốc
Giống như Việt Nam, ông Công ông Táo trong tín ngưỡng Trung Hoa được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. Tết Tiểu niên (Xiaonian), trong đó có tục tiễn Táo quân về trời, diễn ra một tuần trước Tết nguyên đán.
Theo tờ China Daily, có rất nhiều phong tục liên quan đến việc tiễn Táo quân và xác định ngày Tết Tiểu niên: Người dân miền Bắc Trung Quốc thường cúng Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp, còn người miền Nam Trung Quốc cúng vào ngày 24 tháng Chạp.
Người Trung Quốc coi 23 tháng Chạp là một phần nghi lễ quan trọng tiễn năm cũ.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thường gồm có bánh tiết lợn truyền thống, dưa, trái cây, bánh bao hấp, kẹo mạch nha, và bỏng Guandong làm từ kê nếp và lúa mì nảy mầm.
Người Trung Quốc chọn cúng đồ ngọt thay vì đồ mặn như Việt Nam bởi mong muốn ông Táo có tâm trạng vui vẻ, chỉ bẩm tấu điều hay, không nói những điều xấu về gia chủ trước mặt Ngọc Hoàng.
Một số nơi chọn sắp xếp xôi, đường, bánh rán và canh đậu lên mâm cỗ. Tại các gia đình gốc Hoa ở trong miền Nam Việt Nam, mâm cơm cúng thần bếp cũng bao gồm nhiều món ngọt như kẹo thèo lèo, mứt, bánh tổ.
Nhà nào cầu kỳ hơn có thể mua thêm cây mía, chọn cây có nhiều đốt. Các mắt mía tượng trưng cho những bậc thang ông Táo leo về chầu trời.
Một mâm cỗ ngọt cúng lễ Táo quân của người Trung Quốc.
Hàn Quốc
Người dân ở xứ sở kim chi cũng ăn Tết âm lịch và có ngày lễ cúng ông Công ông Táo. Song không giống người Hoa hay người Việt, người Hàn cúng ông Táo vào ngày 29 tháng 12 âm lịch hàng năm. Họ gọi vị thần bếp của mình là Jowangshin.
Vào ngày này hàng năm, người Hàn cũng sắm sửa một bữa cơm cúng bao gồm hoa quả và các loại bánh gạo, đồ chiên để tỏ lòng tôn kính đến thần Jowangshin. Ngoài ra, trên bàn thờ, gia chủ sẽ đặt một bát nước nhỏ, thay đều đặn vào ngày mùng Một hoặc 15 Âm lịch hàng tháng, nhằm đảm bảo sự sạch sẽ và thể hiện lòng thành kính.
Mâm cúng Jowangshin của người Hàn Quốc.
Singapore
Người Hoa là nhóm dân tộc lớn nhất ở Singapore, chiếm gần ba phần tư dân số cả nước. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi văn hóa Trung Hoa, từ ngôn ngữ, món ăn, cho đến giải trí và các lễ hội luôn chiếm vị trí nổi bật ở Singapore. Lễ cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp cũng không phải ngoại lệ.
Theo nghi lễ truyền thống, các gia đình tại đảo quốc sư tử cũng bày biện một mâm cỗ ngọt, với ước nguyện vị thần trông coi bếp lửa sẽ bẩm báo những điều tốt đẹp nhất lên Ngọc Hoàng, giấu nhẹm những khía cạnh xấu của gia chủ.
Xong xuôi phần chuẩn bị đồ cúng, họ sẽ quét thêm một lớp mật ong, đường hoặc rượu ngọt lên phần miệng của Táo quân giấy trước khi thắp hương, chắp lậy. Cuối cùng, họ đốt tượng ông Táo để tiễn vị thần này về trời.
--> Năm nào cũng cúng ông Công ông Táo nhưng nhiều gia đình mắc phải 5 sai lầm tai hại