Không phải ngoại tình, nghèo khó, đây mới là thứ phá hủy gia đình
Nhiều người cho rằng ngoại tình, nghèo đói khiến gia đình tan nát nhưng có thứ phá hủy gia đình còn ghê gớm hơn, nó âm ỉ và lan rộng giết chết tình yêu thương.
Đó là bạo lực gia đình bằng lời nói, nó giống như axit sulfuric, ăn mòn cảm xúc thân mật, nó cũng giống như con dao đâm xuyên trái tim những người yêu thương bạn. Những vết sẹo thể chất sẽ mờ dần theo thời gian, nhưng những tổn thương về ngôn ngữ thì tồn tại suốt đời.
Ảnh minh họa.
Bạo lực bằng lời nói khủng khiếp như thế nào?
Hãng nội thất danh tiếng của Thụy Điển - IKEA đã tiến hành một thí nghiệm tại một trường học ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tại khuôn viên nhà trường, người ta mang đến hai chậu cây xanh được đặt trong lồng kính, được chăm sóc nghiêm ngặt giống nhau với cùng lượng nước, phân bón và ánh sáng mặt trời.
Họ kêu gọi học sinh, sinh viên của ngôi trường này tới dọa nạt, mắng chửi, chê bai một chậu cây (chậu cây bị bắt nạt), trong khi đó lại dành những lời khen ngợi, thể hiện tình yêu thương với chậu cây còn lại (chậu cây được ca ngợi), thời gian thực hiện thí nghiệm này trong vòng 30 ngày.
Cây bị bắt nạt liên tiếp nhận về vô số lời chê bai như: "Bạn là đồ bỏ đi, bạn là đồ vô dụng.", "Trông bạn chẳng xanh tươi chút nào.", "Bạn trông giống như sắp héo đến nơi rồi.", "Bạn không được ai yêu thích, chẳng có công dụng gì!"
Trong khi đó, cây được ca ngợi hằng ngày đều nghe những lời khen tích cực: "Tôi rất vui khi nhìn thấy bạn.", "Bạn thật sự rất đẹp!", "Thế giới này thay đổi vì bạn.", "Tôi yêu bạn vô cùng".
Ảnh minh họa.
Kết quả thí nghiệm khiến mọi người vô cùng sửng sốt. Cây bị bắt nạt, phải nghe những lời chê bai, mắng mỏ hay nói cách khác là chịu sự xúc phạm bằng bạo lực lời nói trở nên héo úa, trong khi đó cây được ca ngợi, nhận về rất nhiều lời khen lại phát triển xanh tươi.
Thực vật không thể chịu đựng được bạo lực bằng lời nói, huống hồ đến con người.
Ngôn ngữ đẹp có thể định hình một người trở thành một bản thân tốt, ngược lại, bạo lực ngôn ngữ có thể phá hủy cuộc sống của một người. Đôi khi chỉ cần một câu nói cũng có thể khiến ai đó gục ngã. Nếu những lời đó từ chính người thân yêu thốt ra, tính sát thương còn tăng gấp bội.
Hôn nhân chết vì bạo lực bằng lời nói
Có một người đàn ông trung niên gặp đủ thứ khó khăn nhưng cũng phải hứng chịu những lời nói bạo hành của vợ.
Trước đây, anh từng kiếm rất nhiều tiền, đầu tư chỗ nào lãi ngay chỗ đó. Thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp, anh thấy mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Vừa có công việc tốt, vừa có người vợ xinh đẹp và những đứa con ngoan.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau một vụ đầu tư thất bại. Người vợ hiền lành và đáng yêu trở nên gớm ghiếc, ngay cả lũ trẻ cũng vô tình coi thường anh.
“Anh chỉ biết nằm ỳ ra đấy, anh đợi tôi nuôi anh chắc”; “Anh thật vô dụng”, đó là những lời cay nghiệt mỗi ngày anh nhận được từ vợ mình.
Theo thời gian, người đàn ông không còn chịu được những lời bạo hành, quyết định ly hôn, cả người phờ phạc đi rất nhiều. Một cuộc hôn nhân đẹp đẽ đã bị giết chết trong bạo lực bằng lời nói...
Bạo lực ngôn ngữ là nỗi đau của cuộc đời trẻ thơ
Nhà tâm lý học Wu Zhihong cho biết: “Bạo lực bằng lời nói có thể trở thành vũ khí giết người”. Đừng bao giờ coi thường thứ vũ khí vô hình này, nó sẽ giết dần những đứa con của bạn!
Những lời nói bao lực sẽ phủ bóng lên đứa trẻ suốt đời, rất dễ hình thành hai tính cách cực đoan, một là tính cách hèn nhát, kém cỏi, hai là tính cách hung hãn.
Đừng bao giờ đánh giá thấp tác động của những gì bạn nói đối với cuộc sống của con bạn.
Ảnh minh họa.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Alfred Adler người Áo từng nói: "Người hạnh phúc dùng thời thơ ấu chữa lành vết thương cho cuộc sống của họ, nhưng những người đau khổ dùng tương lai chữa lành vết thương thời thơ ấu". Khi cha mẹ buông ra những lời khó nghe, họ cho rằng đó là "roi vọt" cho con trưởng thành, thúc đẩy con tiến bộ hơn. Tuy nhiên, ngược lại, sự bạo hành ngôn ngữ này đánh vào lòng tự tin, lòng tự trọng của trẻ, tác động xấu đến não bộ đứa bé, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ cả đời.
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các tội phạm, đặc biệt là tội phạm vị thành niên trải qua ấu thơ bị cha mẹ hằn gắt, dùng bạo lực lời nói và bạo lực tinh thần. Trẻ bị như vậy một thời gian có xu hướng trở nên hung bạo, máu lạnh, tàn nhẫn, dễ dẫn đến con đường phạm tội.
Cha mẹ hiện đại ngày nay càng cần phải tăng cường việc học để giao tiếp và giáo dục con. Giao tiếp, giáo dục chính xác là nhẹ nhàng, không bạo lực. Khi trẻ sai lỗi, khi trẻ có những cảm xúc nổi loạn trong cuộc sống lẫn học tập, cha mẹ không nên chửi mắng. Cần học cách lắng nghe để hiểu khó khăn, nhu cầu của con. Cần đặt ra câu hỏi: Con có ổn không, chuyện gì đã xảy ra với con? Khi tìm được nguyên nhân, ta sẽ giúp trẻ tháo gỡ vấn đề.
Không một cảm xúc thân mật nào có thể tồn tại trước sự tàn phá của bạo lực bằng lời nói. Không ai là hoàn hảo cả, nhiều khi chúng ta rất bao dung với người lạ nhưng lại rất khắc nghiệt với người thân của mình. Chấp nhận sự không hoàn hảo của những người thân yêu như bạn chấp nhận sự không hoàn hảo của chính mình.