"Khăn lụa của Khaisilk không có thành phần lụa như công bố"
Ngoài ra, Khaisilk cũng có dấu hiệu vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn. Cụ thể một số hóa đơn do công ty xuất trình không hợp lệ, không phải do Chi cục Thuế phát hành.
Đã có kết luận khăn lụa của Khaisilk
Theo Vnexpress, kết quả kiểm tra, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk, cho thấy không có thành phần silk như công bố trên nhãn hàng hoá về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là 100% silk.
"Doanh nghiệp này đã vi phạm loạt dấu hiệu liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng", báo cáo kết luận của Bộ Công Thương nêu.
Với kết quả này, Bộ Công Thương cho biết đã chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bộ này đồng thời theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Sau khi kết luận khăn lụa của Khaisilk không có thành phần silk (lụa), Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ cho bên cảnh sát điều tra. (Ảnh: Công Lý)
-> Tài xế ẩu đả với cô gái trẻ sau cú lùi xe đầy bất cẩn
Ngoài ra, Khaisilk cũng có dấu hiệu vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn. Cụ thể một số hóa đơn do công ty xuất trình không hợp lệ, không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý; số khác kê khai không đúng tên hàng hóa.
Một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty, trong khi đơn vị không giải trình được nguyên nhân, đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương cũng cho biết, quá trình kiểm tra tại Khaisilk phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hoá theo quy định, hoặc có gắn nhãn nhưng không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc.
Công ty này cũng có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng và bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo cơ quan thuế, doanh thu cửa hàng Khaisilk từ 2015 đến hết tháng 9 năm 2017 đều ghi nhận tăng đều. Tổng doanh thu đạt trên 45 tỷ đồng.
Cửa hàng lụa tơ tằm Khaisilk 113 Hàng Gai chỉ là một trong 6 chi nhánh trên khắp cả nước của công ty TNHH Khải Đức - doanh nghiệp do ông Hoàng Khải làm Chủ tịch, ông Phan Anh Đức làm Giám đốc.
Các cửa hàng khác đều toạ lạc tại vị trí đắc địa thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, khách sạn 5 sao của Đà Nẵng và Phú Quốc.
Tuy vậy, những con số trong báo cáo tài chính của công ty Khải Đức lại một lần nữa khiến dư luận đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Theo đó, tính đến cuối năm 2016 khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp này ghi nhận hơn 47,7 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ của công ty. Nói cách khác, đế chế kinh doanh lụa và nhà hàng của Khải Silk hiện đã mất toàn bộ vốn góp do thua lỗ.
Được biết, Công ty TNHH Khải Đức (địa chỉ trụ sở chính tại số 2 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM) có vốn điều lệ 46,5 tỷ đồng. Trong đó, ông Hoàng Khải góp 99% vốn - tương đương 46,135 tỷ đồng, 1% vốn còn lại là của ông Hoàng Phi Phi.
Khủng hoảng của Khaisilk bắt đầu từ hồi tháng 10, khi trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”.
Theo anh Quỳnh, ngày 17/10, Công ty của gia đình anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”. Công ty cho kiểm tra toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.
Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận với truyền thông "bán 50% lụa 'Made in China' trong hệ thống của mình" và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.