Khám sàng lọc định kỳ sẽ phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm bởi khả năng phát bệnh “thầm lặng”, ít người kịp thời nhận ra để điều trị sớm.
Tác nhân nào gây ra ung thư cổ tử cung?
Ths.BS Nguyễn Cảnh Chương, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học – Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến tử cung.
Ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ 2 trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tư vong ở Việt Nam. Theo đó, thống kê năm 2012 tại Việt Nam, có 5.136 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung và 2.500 ca tử vong vì bệnh này.
Bên cạnh đó, hàng năm trên thế giới có 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung với gần 260.000 ca tử vong. Còn tại khu vực Đông Nam Á, ung thư cổ tử cung đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng ung thư cổ tử cung trên bản đồ thế giới.
Theo bác sĩ Chương, một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ và có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp và khi phát hiện tổn thương tiền ung thư thì cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Phụ nữ nên khám sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
>>>Chuyên gia y tế "mách" cách tắm cho trẻ sơ sinh không bị nhiễm lạnh trong thời tiết giá rét
Về nguyên nhân của ung thư cổ tử cung, bác sĩ Chương cho hay, ung thư cổ tử cung là do nhiễm 14 typ HPV, trong đó HPV 16 và HPV 18 là hai týp gây ra ung thư cổ tử cung nhiều nhất. Nhiễm dai dẳng 1 trong 14 týp HPV nguy cơ cao là nguyên nhân của hơn 99% ung thư cổ tử cung.
Về các phương pháp dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, bác sĩ Chương cho biết, dự phòng cấp 1 là tuyên truyền giáo dục về quan hệ tình dục an toàn và tiêm ngừa HPV. Tiếp đến là phát hiện các tác nhân gây ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HPV DNA và các biến đổi tế bào bằng xét nghiệm tế bào học.
“Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định xét nghiệm này có độ nhạy 90-100% và đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt. Theo nghiên cứu, xét nghiệm này được áp dụng cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên đã có quan hệ tình dục. Như vậy, nếu không được khám sàng lọc định kỳ, khoa học để phát hiện bệnh kịp thời thì nguy cơ và tỉ lệ phụ nữ bị mắc ung thư cổ tử cung sẽ còn tăng lên theo thời gian. ”, bác sĩ Chương đưa ra lời khuyên.
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Vào giai đoạn đầu của ung thư, bệnh nhân khó lòng phát hiện ra những triệu chứng của bệnh. Những trường hợp phát hiện và điều trị sớm đa phần là do người bệnh thường xuyên khám phụ khoa định kì.
Nhiễm dai dẳng 1 trong 14 týp HPV nguy cơ cao là nguyên nhân của hơn 99% ung thư cổ tử cung
Những triệu chứng dẫn đến ung thư cổ tử cung thường gặp nhất:
- Chảy máu bất thường ở âm đạo: Dấu hiệu này thường xảy ra khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, khi khối u ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sinh sản. Chảy máu âm đạo diễn ra giữa các kì kinh nguyệt, trước hoặc sau khi quan hệ tình dục, trong hoặc sau khi đi vệ sinh, chảy máu khi đã mãn kinh hoặc kì kinh nguyệt bị kéo dài quá mức bình thường.
- Đau bụng dưới hoặc khu vực chậu: Khối u lúc này bắt đầu bành trướng và chèn ép lên các dây thần kinh, khiến người bệnh có cảm giác đau đớn, khó chịu.
- Đau khi âm đạo bị thâm nhập: Thụt rửa âm đạo hoặc quan hệ tình dục sẽ tác động đến khối u, làm tình trạng đau đớn gia tăng.
- Dịch âm đạo tiết bất thường: Khí hư có màu lạ, mùi lạ hoặc kèm máu là một trong những biểu hiện của ung thư ở cổ tử cung.