Thứ hai, 15/04/2024 18:45
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một vị thần trấn giữ phương Bắc và là một trong "Tứ trấn" của kinh thành Thăng Long xưa.

Thăng Long Tứ Trấn bao gồm Đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh. Đây là 4 ngôi đền thiêng được dựng lên để thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch của mảnh đất Thăng Long.

"Thăng Long tứ trấn" được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kì chính bởi lịch sử hình thành và vẻ đẹp văn hóa trong tín ngưỡng của người Việt Nam.

Nhằm giúp độc giả khám phá lịch sử, tìm hiểu những huyền tích và biểu tượng của đời sống tâm linh, nét độc đáo về tâm linh của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, Gia đình Việt Nam khởi đăng loạt bài "Khám phá Thăng Long tứ trấn".

Bài 1: Huyền tích Đền Quán Thánh

Kiến trúc độc đáo

Toạ lạc trên đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội), đền Quán Thánh nằm trên một vùng đất có bề dày lịch sử gắn liền với những địa danh nổi tiếng như Hồ Tây, hồ Trúc Bạch nên từ xa xưa đã đi vào ký ức thiêng liêng của nhiều thế hệ.

Nằm giữa lòng thủ đô nhộn nhịp, đền Quán Thánh vẫn giữ được sự linh thiêng với kiến trúc độc đáo cùng với những bảo vật quý. Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, đền đã được trùng tu nhiều lần và cho đến hiện nay đền có quy mô khá bề thế, mang đậm phong cách kiến trúc, nghệ thuật thế kỷ XIX bao gồm tam quan, sân bái, tiền đế, trung đế, hậu cung.

avt

Theo trục thần đạo của di tích, cổng ngoài của đền nằm trên đường Thanh Niên với bốn trụ cột là bốn con phượng hoàng đấu lưng, con nghê trên đỉnh. Xung quanh bốn trụ cột là các chi tiết rất nổi bật như mãnh hổ hạ sơn, cá chép hóa rồng và các cặp câu đối đỏ, làm tăng thêm vẻ uy nghi cho cổng đền.

Sau cổng ngoài là cổng tam quan gồm 3 cửa, 2 tầng. Trên gác tam quan chính là nơi đặt quả chuông đồng được đúc vào năm 1677, đời vua Lê Hy Tông. Đây chính là tiếng chuông đã đi vào trong thơ ca và ca dao của Việt Nam:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ

Hiên bái đường được trang trí bởi hình tượng đắp nổi như: tượng hổ xuống núi, tượng cá chép hóa rồng, tiến sâu vào bên trong là tòa Đại bái và Hậu cung. Hai bên tả, hữu tòa Đại bái có treo biển đồng “Đề Chân Vũ quán’, do vua Thiệu Trị thời Nguyễn ngự đề và chiếc khánh đồng đúc vào thời Tây Sơn.

Đặc biệt, tại nơi thâm nghiêm nhất của tòa Hậu cung đặt pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc vào năm Đinh Tỵ (1677), là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị độc đáo của nhân dân ta vào thế kỷ XVII do các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã tạo tác.

Tượng Huyền Thiên trước bằng gỗ, đến năm Vĩnh Trị thứ 2 thời vua Lê Hy Tông (1677) mới được đúc bằng đồng cao 3,96m, nặng 4 tấn, chu vi bệ đá 8m.

Tượng ngồi oai nghiêm, mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, đầu không đội mũ, tóc xõa ra đằng sau, mình mặc áo đạo sĩ màu đen, đi chân trên lưng rùa, thân gươm có rắn quấn. Rắn và rùa là tượng trưng cho sức mạnh và sự trường sinh của thần.

Tượng đồng Huyền Thiên đồ sộ, uy nghiêm, hùng đũng được thờ ở phía Bắc thành Thăng Long, mang một ý nghĩa lớn lao, biểu thị cho tinh thần của dân tộc qua các cuộc chiến tranh chống giặc xâm lược. Ngoài ra nơi đây còn trưng bày nhiều bảo vật quý giá như nhạc cổ bằng đồng, bảng sắc phong, nhiều tư liệu quý giá,...

avt (1)

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tiêu biểu mang tính thời đại và tầm vóc quốc gia – dân tộc, tượng Trấn Vũ đền Quán Thánh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2496/QĐ – TTg ngày 22/12/2016, qua đó tiếp tục củng cố và bồi đắp những giá trị trường tồn lịch sử. Hàng năm, đền Quán Thánh tổ chức lễ hội chính vào ngày 3 tháng 3 âm lịch.

Huyền tích Huyền Thiên Trấn Vũ

Theo tư liệu lịch sử và truyền thuyết dân gian đều xác nhận, đền được khởi công sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô Hoa Lư về Thăng Long (1010), với tên gọi là Trấn Vũ quán (quán Trấn Vũ). Di tích nằm trong khu vực Hoàng thành Thăng Long, đến thời vua Lê Thánh Tông, được dời ra vị trí hiện nay (phía Tây Bắc thành Thăng Long xưa).

Đền Quán Thánh (trấn phương Bắc) là một trong “Tứ trấn” nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa cùng với đền Bạch Mã (trấn phương Đông), đền Voi Phục (trấn phương Tây), đền (đình) Kim Liên (trấn phương Nam).

Trong đền thờ một vị thần của đạo Lão là Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần luôn được thờ trấn ải hướng Bắc. Truyền thuyết xưa kể lại, đến thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa để chống quân xâm lược, có một con gà trắng hóa tinh và quỷ ở vùng núi Thất Diệu thường đến quấy phá khiến nhà vua không xây được thành.

avt (2)

Nghe lời thỉnh cầu của thần Kim Quy, Thần đã giúp vua An Dương Vương trừ hết mọi tà ma, nhờ đó Loa Thành được xây trên nền vững chắc. Để nhớ công ơn của Thần, Nhà vua đã cho lập đền thờ trên Núi Sái (nay thuộc thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội).

Cũng theo một thuyết nữa được dân gian truyền lại, vào đời Hùng Vương thứ 14, tại Rừng Thiết Lâm làng Hoàng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) có một con hồ ly tinh chín đuôi (cửu vĩ hồ) thường xuyên xuất hiện quấy nhiễu, làm hại dân lành. Để cuộc sống của người dân yên ổn, Ngọc Hoàng liền sai Thần Huyền Thiên dùng phép thuật để giết con hồ ly tinh làm cho cả Rừng Thiết Lâm sụp xuống thành Hồ Tây ngày nay.

Vì thế, sau khi rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La để xây dựng kinh đô Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho xây đền Quán Thánh để thờ Thần Huyền Thiên trấn ải phía Bắc kinh thành vào năm 1010. Đến thời nhà Lê, các nhà vua thường đến đây để cầu mưa mỗi khi hạn hán. Năm 1823, vua Minh Mạng lên ngôi, đổi tên đền là Trấn Vũ Quán. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm đền, ban tiền đúc vòng vàng đeo cho tượng Trấn Vũ và đổi tên là đền Quán Thánh như hiện nay.

Thần Huyền Thiên là hình tượng kết hợp nhân vật thần thoại Việt Nam (ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma trong khi xây dựng thành Cổ Loa) và nhân vật thần thoại Trung Quốc Võ Tinh quân (vị thánh coi giữ phương Bắc). Trải qua quá trình phát triển, đạo Lão đã tiếp thu và hòa hợp với văn hóa Việt Nam cùng với đạo Phật và đạo Nho. Sự hòa đồng của “tam giáo đồng nguyên” trong một di tích đã góp phần nâng giá trị lịch sử, văn hóa và tư tưởng của dân tộc.

Hồng Ngọc  
Sốc phản vệ nhập viện sau khi ăn thịt chim bồ câu
Cụ bà 74 tuổi có 2 bàng quang
Chú rể nhập viện cấp cứu ngay trong ngày cưới
Bắt quả tang con trộm tiền
Chuyện
Mua nhà ở Mỹ, châu Âu giá 25.000 đồng
Người ăn nhanh và ăn chậm, ai khỏe hơn?
Tin lời
Cảnh báo bệnh về da thường gặp trong mùa hè và cách phòng tránh
5 cách giúp con tăng vốn từ vựng
Dễ tức giận là dấu hiệu của bệnh gì?
Nghệ sĩ Việt tự hào có con gái xinh đẹp, được mệnh danh là hoa hậu tương lai
Xem thêm