Hút thuốc lá làm giảm hiệu quả điều trị ung thư
Ngày 18/2, một nghiên cứu do Đại học Leeds (UL) ở Anh công bố cho thấy hút thuốc lá có thể trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng của cơ thể chống lại các khối u ác tính.
Một nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học tại UL dẫn đầu đã khảo sát tình trạng của hơn 700 bệnh nhân có khối u ác tính, dạng nguy hiểm nhất của ung thư da. Họ phát hiện trong số này, những bệnh nhân hút thuốc có ít hơn 40% cơ hội sống sót so với những người chưa từng hút thuốc trong vòng 10 năm sau khi phát hiện ung thư.
Nghiên cứu sâu hơn, họ còn quan sát thấy trong số 156 bệnh nhân có nhiều khả năng sản sinh tế bào miễn dịch nhất, những người hút thuốc có cơ hội sống sót ít hơn 4,5 lần so với những người chưa từng hút thuốc.
Những bệnh nhân hút thuốc có ít hơn 40% cơ hội sống sót so với những người chưa từng hút thuốc trong vòng 10 năm sau khi phát hiện ung thư. Ảnh minh họa.
Tác giả nghiên cứu, giáo sư khoa Da liễu tại UL Julia Newton-Bishop cho biết: "Hệ miễn dịch giống như một dàn nhạc giao hưởng, với nhiều bộ phận. Nghiên cứu này cho thấy hút thuốc lá có thể cản trở khả năng phối hợp của các tế bào, tương tự với việc các nhạc công chơi nhạc nhưng theo một cách thiếu tổ chức hơn. Kết quả là, mặc dù người hút thuốc lá vẫn mang phản ứng miễn dịch để tiêu diệt khối u ác tính, song dường như kém hiệu quả hơn, do đó có ít cơ hội sống sót hơn so với những người chưa từng hút thuốc".
Từ đó, các nhà nghiên cứu tin rằng hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của người bệnh và điều này có thể tác động đến khả năng điều trị ung thư, cũng như làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh khác liên quan đến hút thuốc. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo người bệnh có khối u ác tính nên dừng hút thuốc.