Hội nghị BCH lần IV Khóa VI Hội KHHGĐ Việt Nam: Năm 2023 ghi nhận nhiều dấu ấn, cung cấp gần 400.000 lượt dịch vụ SKSS/KHHGĐ
Sáng 28/11, Hội KHHGĐ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành lần IV, Khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều đánh giá quan trọng về công tác hội trong năm 2023.
Hội nghị do PGS.TS Phạm Bá Nhất - Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam chủ trì với sự tham dự của các thành viên Ban Chấp hành Hội KHHGĐ Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các đại biểu khách mời.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Hội KHHGĐ Việt Nam lần IV, Khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Phạm Bá Nhất - Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam cho biết: “Năm 2023 là năm ghi nhận nhiều dấu ấn của Hội KHHGĐ Việt Nam. Trong đó, phải kể đến hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống Hội KHHGĐ Việt Nam (11/1/1993 - 11/1/2023)”.
Theo đó, Hội đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống Hội KHHGĐ Việt Nam với sự có mặt đầy đủ các vị Ủy viên BCH, các ông bà nguyên lãnh đạo Hội qua các thời kỳ, đại diện các Bộ/Ngành/Đoàn thể Trung ương.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 đã được Ban Chấp hành Trung ương Hội (BCH) thông qua và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Các tổ chức Hội thành viên luôn nhận được sự ủng hộ, phối hợp của các ngành, đoàn thể địa phương. Kết quả hoạt động Hội từ năm 2022 đã ổn định và tăng lên ở nhiều tỉnh/thành phố; hoạt động của các địa phương đã bám sát Nghị quyết của BCH và kế hoạch năm đã hướng dẫn, trao đổi kịp thời để điều chỉnh kế hoạch hoạt động năm cho phù hợp với thực tế.
PGS.TS Phạm Bá Nhất nhận định 2023 là năm ghi nhận nhiều dấu ấn của Hội KHHGĐ Việt Nam.
Tại hội nghị, thay mặt BCH Hội KHHGĐ Việt Nam khóa VI, ThS. Trần Ngọc Sinh - Phó Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam đã báo cáo kết quả hoạt động của Hội trong năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội năm 2024.
Theo đó, Hội KHHGĐ Việt Nam là một trong số ít Hội quốc gia thành viên IPPF Khu vực có mạng lưới tổ chức Hội ở cấp quận/huyện và xã/phường. Theo báo cáo, đến 30/09/2023, cả nước có 39 tổ chức thành viên trực thuộc Hội (bao gồm: 33 tỉnh/thành Hội, 06 tổ chức thành viên trực thuộc Trung ương Hội). Có 121 tổ chức Hội ở cấp quận/huyện; 732 Chi hội ở cấp xã/phương và 53.091 hội viên cá nhân.
Về công tác truyền thông, vận động, trong 9 tháng đầu năm, toàn hệ thống Hội đã tổ chức được được 3.083 buổi truyền thông tư vấn về SKSS/SKTD/KHHGĐ với 121.103 lượt người tham dự, số tài liệu truyền thông đã phát 6.642 tài liệu các loại. Ước cả năm tổ chức được 3.545 buổi truyền thông, với 145.000 lượt người tham dự.
Cũng trong năm 2023, các mô hình truyền thông (Câu lạc bộ tiền hôn nhân, CLB lồng ghép về Dân số và Phát triển; CLB không sinh con thứ ba trở lên; Câu lạc bộ SKSS VTN-TN; CLB Giáo dục tình dục toàn diện; Đội tuyên truyền ở các xã vùng xa, hải đảo; Góc truyền thông tại các trường THPT...) tiếp tục được nhiều tỉnh/thành Hội duy trì hoạt động.
Hoạt động truyền thông đại chúng thông qua Tạp chí Gia đình Việt Nam và các chuyên trang được đẩy mạnh và ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trung bình mỗi kỳ phát hành có 15 tin, bài đề cập đến các lĩnh vực hoạt động của Hội, tương đương với khoảng 30% trong tổng số tin, bài trong mỗi kỳ phát hành.
ThS. Trần Ngọc Sinh trình bày báo cáo kết quả hoạt động của Hội KHHGĐ Việt Nam năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm, hoạt động dịch vụ SKSS/KHHGĐ đã cung cấp cho 399.217 lượt khách hàng, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số dịch vụ đạt 1.541.070 lượt, tăng 133% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, dịch vụ KHHGĐ tăng 397% chủ yếu do hoạt động liên kết thực hiện. Ước thực hiện năm, có 522.939 lượt khách hàng được tư vấn và cung cấp 2.060.454 dịch vụ SKSS/KHHGĐ; Trong đó, số dịch vụ KHHGĐ là 1.496.831 lượt; dịch vụ SKSS là 472.325 lượt và dịch vụ khác ước đạt 91.298 lượt.
Trong năm 2023, Hội KHHGĐ đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ lưu động với 84 chuyến thăm khám lồng ghép với truyền thông tư vấn về SKSS/KHHGĐ cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu công nghiệp tại 15 tỉnh/thành Hội có Phòng khám. Đồng thời, phát miễn phí bao cao su và viên uống tránh thai cho người dân tại một số địa bàn còn nhiều khó khăn.
Tại hội nghị, ông Lê Đức Hoàng - Giám đốc điều hành Hội KHHGĐ Việt Nam cũng đã trình bày báo cáo kết quả đánh giá của IPPF đối với Hội KHHGĐ trong 5 năm qua và dự thảo kế hoạch chiến lược 2023-2028.
Đánh giá về mạng lưới tổ chức Hội trong quản lý, điều hành các Dự án của Hội KHHGĐ Việt Nam, IPPF khu vực cho rằng tổ chức mạng lưới là ưu việt, có lợi thế trong công tác truyền thông vận động, cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại cộng đồng và đặc biệt là trong tiếp cận khách hàng thuộc nhóm đối tượng khó tiếp cận ở vùng xa, vùng sâu, vùng khó khăn.
Ông Lê Đức Hoàng - Giám đốc điều hành Hội KHHGĐ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
“Trước những kết quả đánh giá của IPPF, một yêu cầu đặt ra cho Hội KHHGĐ Việt Nam và các tỉnh Hội là cần làm gì tiếp tục duy trì và đạt được những kết quả tốt hơn trong tương lai. Chính vì vậy, việc tập trung mọi nguồn lực triển khai hiệu quả “Kế hoạch chiến lược hoạt động giai đoạn 2023-2028” của tổ chức Hội trên cơ sở các định hướng ưu tiên của IPPF và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đến năm 2030 là vô cùng quan trọng.
Kế hoạch chiến lược 2023-2028 của VINAFPA xoay quanh bốn trụ cột: Trung tâm chăm sóc là con người; Chuyển động chương trình về tình dục; Đoàn kết để thay đổi và Phát triển VINAFPA và các tổ chức Hội thành viên.” - ông Lê Đức Hoàng nhận định.
Với những thành tựu đã đạt được trong năm qua, năm 2024, Hội KHHGĐ Việt Nam đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng.
Tiếp tục củng cố tổ chức, mạng lưới theo hướng hoạt động thực chất và hiệu quả; nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý của đội ngũ cán bộ chuyên trách hội ở Trung ương và các tỉnh/thành Hội.
Phấn đấu đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe chủ động, phòng chống bệnh mạn tính không lây nhiễm, chăm sóc SKSS/SKTD cho người dân ở cộng đồng. Duy trì và mở rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả: Câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân, CLB sức khỏe sinh sản VTN-TN, CLB giáo dục tình dục toàn diện...
Hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh niên tình nguyện tự tổ chức hoạt động truyền thông về chăm sóc SKSS/SKTD dành cho học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng chuyên nghiệp. Đẩy mạnh tổ chức Diễn đàn nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho thanh niên trong chăm sóc SKSS/SKTD, xây dựng mô hình góc thân thiện truyền thông về SKSS/SKTD, phòng chống HIV/AIDS tại phòng y tế các trường Đại học.
Phấn đấu mở rộng và nâng cao hoạt động tại các phòng khám trực thuộc và phòng khám liên kết; đẩy mạnh đồng bộ hoạt động cung cấp dịch vụ tại các Phòng khám và dịch vụ lưu động đến cộng đồng; chú trọng đầu tư hỗ trợ thiết bị y tế công nghệ mới và nâng cao trình độ cán bộ các Phòng khám Hội nhằm không ngừng tăng kết quả dịch vụ và tăng nguồn thu từ dịch vụ cho hệ thống Hội.
Tập trung triển khai các giải pháp vận động nguồn lực, tăng nguồn thu từ các hoạt động Hội. Coi trọng các hoạt động vận động nguồn lực hỗ trợ của các cấp, các ngành; tranh thủ hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế song phương, đa phương trong việc tìm kiếm, đề suất các dự án viện trợ quốc tế mới.
Tăng cường và mở rộng quan hệ Quốc tế song phương, đa phương để được ủng hộ hoạt động tích cực nâng cao uy tin trong nước và Hiệp hội Quốc tế. Tham gia đầy đủ và có trách nhiệm vào các hoạt động của IPPF với tư cách là tổ chức thành viên trực thuộc.
Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Hội KHHGĐ Việt Nam đã giới thiệu và bầu bổ sung 3 ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025.
Ban chấp hành Hội KHHGĐ Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Theo đó, 3 nhân sự được bầu bổ sung tham gia Ban Chấp hành Hội KHHGĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Sóc Trăng; chị Trần Thị Vân Anh - Sinh viên trường ĐH Điều dưỡng Nam Định; chị Nguyễn Bảo Lam Phương - HS trường THPT Chu Văn An, Bình Dương.