Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Bình tuyên truyền chăm sóc SKSS/KHHGĐ qua Facebook, Zalo
Điểm mới trong phương thức hoạt động của Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Bình là tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền, bên cạnh việc phát huy các hình thức tuyên truyền truyền thống.
Vào chiều ngày 7/1 Hội KHHGĐ Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ giữa các phòng khám Hội” tạo diễn đàn để các phòng khám, các tỉnh hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong việc tuyên truyền, phát triển các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho cộng đồng.
Chia sẻ tại hội thảo, bác sĩ Trần Thị Loan, chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh Hội có vững mạnh hay không phụ thuộc vào số lượng và chất lượng các thành viên trong tổ chức đó. Do vậy việc duy trì và cũng cố hệ thống tổ chức hoạt động của Hội từ tỉnh đến cơ sở luôn được quan tâm: Tuyến tỉnh có văn phòng Hội và phòng khám Sản phụ khoa trực thuộc tỉnh Hội; Tuyến huyện, thị và thành phố lồng ghép vào các phòng dân số, phòng khám và các khoa sản tạo một hệ thống “chân rết” để triển khai các hoạt động của Hội nói chung, phòng khám và các đợt khám lưu động nói riêng.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại Phòng khám Hội và khi triển khai Dịch vụ lưu động (bao gồm phương tiện, kỷ năng cung cấp dịch vụ, chất lượng và chi phí phù hợp).
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, Hội KHHGĐ tỉnh Quảng Bình luôn cập nhật thông tin về chuyên môn, kỹ thuật mới trong cung cấp dịch vụ bằng việc tham gia các hội nghị khoa học, hội thảo và tập huấn chuyên môn.
“Chúng tôi tích cực tư vấn, khai thác và cung cấp dịch vụ đa dạng đối với khách hàng đến nhận dịch vụ, duy trì kết nối với khách hàng sau khi cung cấp dịch vụ, khách hàng thân thiết đến phòng khám lần thứ 2 trở đi sẽ được giảm phí hoặc nhận dịch vụ kèm theo” – Bác sĩ Loan nói.
Là một Hội hoạt động với nguồn kinh phí tự trang trải, hội luôn chú trọng việc phát huy thế mạnh của mình trong việc tìm kiếm nguồn lực để duy trì và phát triển các hoạt động của Hội. Do vậy việc tập trung vào các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ luôn được tỉnh hội quan tâm.
“Đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục nhằm tạo sự hưởng ứng cao của người dân tại cộng đồng, tạo sự đồng thuận, sự tham gia của các ngành, đoàn thể liên quan đến hoạt động Hội luôn được xem như một hoạt động cốt lõi và thường xuyên của Hội” – Bác sĩ Loan cho biết.
Đặc biệt, làm cộng tác viên với các bệnh viện chuyên khoa sâu về hỗ trợ sinh sản, xét nghiệm chuyên sâu để tư vấn và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sinh sản, tầm soát ung thư, thai nghén… là điểm nổi bật trong hoạt động của tỉnh Hội, giúp tỉnh Hội vừa nâng cao vị thế đồng thời tăng thêm nguồn thu.
Bác sĩ Loan chia sẻ thêm: “Chúng tôi tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền, bên cạnh việc phát huy các hình thức tuyên truyền thống như tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi Hội, các buổi họp mặt, triển khai các mô hình “truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ”, “Câu lạc bộ sức khỏe sinh sản toàn diện cho vị thành niên/thanh niên”, “mô hình phòng khám liên kết”… mà còn nâng cao chất lượng tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội như lập nhóm zalo, facebook. Đây là 1 kênh tuyên truyền vừa nhanh chóng, vừa rộng khắp các đối tượng, vừa bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại”.
Chính điều này
đã giúp hội KHHGĐ tỉnh Quảng Bình gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. 9 tháng
năm 2024, số lượng khách hàng nhận dịch vụ lưu động là 2065 người (tăng 177% so
với 9 tháng của năm 2023 là 1551 người).
- Tin liên quan
- • Phòng khám Hội KHHGĐ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc SKSS/KHHGĐ
- • Phòng khám Hội KHHGĐ Việt Nam nâng cao hiệu quả nhờ đa dạng các dịch vụ SKSS/KHHGĐ
- • Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định hoạt động hiệu quả nhờ mô hình liên kết phòng khám
- • Hơn 12.000 lượt khách hàng được tiếp cận dịch vụ SKSS tại Hội KHHGĐ tỉnh Thái Bình