Phòng khám Hội KHHGĐ Việt Nam nâng cao hiệu quả nhờ đa dạng các dịch vụ SKSS/KHHGĐ
Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam đánh giá, năm 2024 các phòng khám của Hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, gần gũi, sáng tạo để cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân.
Phát biểu tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ giữa các phòng khám Hội” do Hội KHHGĐ Việt Nam tổ chức vào chiều 7/1, PGS.TS Phạm Bá Nhất – Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam cho hay, dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình năm 2024 đạt nhiều kết quả nhất định, nhiều phòng khám của Hội đã vận dụng và phát huy được vai trò của mình, đa dạng hóa các hoạt động để cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
“Hội thảo là cơ hội để các phòng khám, các tỉnh hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm những hoạt động của địa phương để từ đó áp dụng vào thực tế và điều kiện của mỗi tỉnh thành, tiếp tục cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho cộng đồng”, PGS. TS Phạm Bá Nhất cho hay.
Tại hội thảo, đại diện các phòng khám tỉnh hội cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động của địa phương và giải pháp dịch vụ SKSS/KHHGĐ.
BS. Trần Thị Loan – Chủ tịch Hội KHHGĐ Quảng Bình cho hay, 9 tháng năm 2024, số lượng khách hàng nhận dịch vụ lưu động là 2065 người (tăng 177% so với 9 tháng của năm 2023 là 1551 người).
Tổng số dịch vụ tại phòng khám Hội là 7278 người, dịch vụ lưu động là 5638 người và dịch vụ liên kết là 3037 người (tăng 346% so với năm 2023 là 1186 người).
Có được những kết quả thiết thực này, theo bác sĩ Loan là nhờ việc duy trì và cũng cố hệ thống tổ chức hoạt động của Hội từ tỉnh đến cơ sở luôn được quan tâm. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại Phòng khám Hội và khi triển khai Dịch vụ lưu động (bao gồm phương tiện, kỷ năng cung cấp dịch vụ, chất lượng và chi phí phù hợp).
Ngoài ra, Hội KHHGĐ Quảng Bình cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục nhằm tạo sự hưởng ứng cao của người dân tại cộng đồng, tạo sự đồng thuận, sự tham gia của các ngành, đoàn thể liên quan đến hoạt động Hội luôn được xem như một hoạt động cốt lỏi và thường xuyên của Hội.
“Điểm mới trong phương thức hoạt động của chúng tôi là tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền, bên cạnh việc phát huy các hình thức tuyên truyền truyền thống. Các cấp Hội tập trung nâng chất lượng tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội: lập nhóm zalo, facebook. Đây là 1 kênh tuyên truyền vừa nhanh chóng, vừa rộng khắp các đối tượng, vừa bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại”, bác sĩ Loan cho biết thêm.
BS Bùi Thị Tâm, Phó Chủ Tịch Hội KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, bên cạnh việc tỉnh Hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban thường vụ Hội KHHGĐ Việt Nam, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thì tỉnh hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, thời tiết nắng nóng, dịch bệnh cúm mùa, dịch sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng, dịch đau mắt đỏ luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và cán bộ tham gia khi xuống huyện, xã.
Đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu sống theo phong tục tập quán chưa tin tưởng vào cán bộ y tế nên công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình, làm mẹ an toàn chưa được đồng nhất nên chất lượng dịch vụ chưa cao,...
Để khắc phục những hạn chế này, trong suốt năm qua, Hội KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk đã triển khai kế hoạch thực hiện các chuyến công tác cụ thể chặt chẽ, phối hợp Sở y tế, Sở Nội vụ, ban tuyên giáo, đài phát thanh truyền hình tỉnh, sở giáo dục, phụ nữ) y tế huyện, xã, Trung tâm Dân số đến các trường học, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Cán bộ tại phòng khám Hội luôn tham gia và cập nhật kiến thức từ các hội thảo khoa học, tham gia các chương trình học tiếng Ê đê, M’ Nông, để giao tếp và tư vấn cho đồng bào dân tộc thiểu số.
“Chúng tôi còn kết hợp với các khoa sản tại các bệnh viện, các phòng khám liên kết trong triển khai, chuyển tuyến cho bà mẹ mang thai khó; tư vấn về sức khoẻ sinh sản, sức khỏe tình dục, tình dục an toàn cho các cặp vợ chồng mới kết hôn, các bà mẹ chuẩn bị mang thai và sinh con, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Đưa các thông tin hoạt động tại phòng khám Hội và các chuyến lưu động tại cộng đồng lên mạng xã hội và trang thông tin điện tử và báo sức khỏe điện tử của tỉnh Đắk Lắk”, Phó Chủ Tịch Hội KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk thông tin.
Chia sẻ về hoạt động của địa phương, bác sĩ Trần Thị Vinh - Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định cho biết nhiều năm nay, ngoài mục tiêu hoạt động thường xuyên, Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định tập trung cao cho công tác truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS/SKTD, KHHGĐ tại cộng đồng.
Tỉnh Hội đã tổ chức nhiều buổi lưu động, tư vấn khám SKSS/KHHGĐ, cung cấp phương tiện tránh thai, thuốc tránh thai, bao cao su,…
Đặc biệt, 10 năm trở lại đây, do nhu cầu khám chữa bệnh cần được nâng cao, tỉnh Hội đã liên kết với công ty TNHH phòng khám Đa khoa Hồng Phúc để nâng tầm phòng khám Hội trên địa bàn tỉnh, luôn được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao.
“Mô hình liên kết đã góp phần vào sự phát triển của xã hội thông qua việc cải thiện và gia tăng phúc lợi của người dân trên địa bàn tỉnh Nam Định bằng các dịch vụ chăm sóc hiện đại, chính xác, thuận tiện và thân thiện cùng với nhu cầu ngày càng cao của người dân”, bác sĩ Vinh cho hay.
Tại Hội thảo, các thành viên của Trung ương Hội KHHGĐ Việt Nam cũng đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp, đề xuất để nâng cao chất lượng và chuyên môn của tỉnh hội. Trong đó, nhiều giải pháp được đánh giá cao và kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để các tỉnh hội áp dụng tại địa phương, mang lại những kết quả tốt đẹp trong các năm tới.
- Tin liên quan
- • Hội KHHGĐ tỉnh Nam Định hoạt động hiệu quả nhờ mô hình liên kết phòng khám
- • Hội KHHGĐ Việt Nam tổ chức gần 4.000 buổi truyền thông tư vấn SKTD/KHHGĐ trong năm 2024
- • Quảng Ninh thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
- • Hải Phòng năm thứ 10 liên tiếp duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số