Gia đình tái chế rác thải nhựa giúp trẻ rời điện thoại, tivi
Chuyên gia cho rằng, gia đình tái chế rác thải nhựa thành những đồ chơi, vật dụng hữu ích sẽ giúp trẻ rời xa được điện thoại, tivi.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa sinh hoạt, trong đó chủ yếu là các sản phẩm là túi nilon và chai nhựa. Việt Nam hiện cũng nằm trong số những quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên toàn cầu.
Rác thải có nguồn gốc từ nhựa mất rất nhiều thời gian để phân hủy. Thông thường, một chiếc chai lọ hay ống hút nhựa hoặc túi nylon nếu sử dụng bằng biện pháp chôn lấp thì phải mất đến hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Điều này gây hại cho môi trường sống của con người rất nhiều. Rác thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau và chủ yếu là từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người.
Hiện nay, tác hại của rác thải nhựa là rất lớn đối với cuộc sống. Thực trạng xử lý vẫn còn yếu kém, đa phần xử lý theo phương pháp chôn lấp hoặc thải bỏ ra ngoài môi trường, thậm chí xử lý bằng phương pháp đốt… để lại nhiều nguy hại cho cuộc sống.
Đáng chú ý, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Do đó, nếu như không có hành động cụ thể, thiết thực nào để ngăn chặn tình trạng này, chúng ta sẽ phải chịu những ảnh hưởng nặng nề do rác thải nhựa gây ra.
Việc sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa đối với người dân đang trở thành thói quen khó bỏ (Ảnh minh họa)
Chia sẻ tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Giải pháp phân loại trác thải nhựa tại gia đình” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức, PGS. TS Bùi Thị An - Viện trưởng viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu quốc hội khoá XIII cho biết, tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống và sức khỏe của con người là rất lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm làm từ nhựa có đặc tính là bền, tiện dụng và rất rẻ. Vì thế việc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm nhựa ra khỏi cuộc sống là điều khó có thể thực hiện được.
“Các sản phầm từ nhựa đang trở thành thói quen được rất nhiều hộ gia đình sử dụng vì có đặc tính là bền, tiện dụng và rất rẻ,… nhưng ít ai biết rằng rác thải nhựa độc hại, ô nhiễm như thế nào. Chính bởi sự hiểu biết, kiến thức về độc hại của rác thải nhựa chưa được hiểu rõ nên ý thức người dân chưa được thay đổi nhiều”, PGS. TS Bùi Thị An cho hay.
Tái chế rác thải nhựa vừa bảo vệ môi trường, vừa có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau (Ảnh minh họa)
Vị chuyên gia cũng cho rằng, thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng đồ nhựa đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa giúp thỏa sức sáng tạo.
Lấy ví dụ cụ thể, PGS. TS Bùi Thị An chỉ ra, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát,… Tuy nhiên lưu ý vỏ chai của các loại thuốc tẩy, chai đựng hóa chất,… thì tuyệt đối không nên tái sử dụng.
Hay việc tận dụng, tái chế chai nhựa thành đồ dùng học tập là một trong những cách hiệu quả nhất để giáo dục bảo vệ môi trường từ các cấp bậc học. Việc tái chế chai nhựa thành đồ dùng mang lại nhiều hiệu quả hữu ích như trang trí làm đẹp phòng học, tăng khả năng nhận thức và sáng tạo, thiết kế được nhiều vật dụng hỗ trợ trong học tập…
“Điều này sẽ giảm thiểu việc thải rác nhựa ra môi trường mà còn giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ em, học sinh. Đồng thời, cũng giảm bớt thời gian dùng điện thoại, ti vi của trẻ nhỏ.
Do đó tôi khuyến khích việc này là rất tốt, cần nhân rộng trong gia đình và ngoài xã hội như trường học, nhà văn hóa,…”, PGS. TS Bùi Thị An nói.
Học sinh thỏa sức sáng tạo từ đồ nhựa, thiết kế được nhiều vật dụng hỗ trợ trong học tập (Ảnh minh họa)
Vị chuyên gia nói thêm, xử lý rác thải nhựa đúng cách là ưu tiên hàng đầu hiện nay để góp phần bảo vệ môi trường. Vì thế mỗi người hãy chung tay, thay đổi từ hôm nay để có một môi trường trong lành và cuộc sống tốt đẹp hơn.
-->> Chôn lấp rác thải "khuất mắt" nhưng gây nguy hại, ô nhiễm môi trường