EVNNPT đóng vai trò gì trong chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam?
Ngày 25/04/2023, ông Vũ Trần Nguyễn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tham dự buổi thảo luận với khối doanh nghiệp tư nhân về các cơ hội và thách thức trong chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam do Đại sứ quán Đức phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) và ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tổ chức tại Hà Nội.
Tham dự buổi thảo luận có đại diện của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), Đại sứ quán Đức, GIZ, KfW, EVNNPT, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các ngân hàng (Vietcombank, BIDV) và các công ty tư vấn, đầu tư thuộc các lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, hydrogen xanh…
Những năm vừa qua, năng lượng mặt trời và gió đã tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện vai trò chủ chốt trong việc đầu tư và phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) này. Vai trò của họ sẽ càng quan trọng trước những thách thức trong chuyển dịch năng lượng.
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết và nỗ lực theo đuổi việc chuyển dịch sang hệ thống năng lượng sạch và thân thiện với khí hậu nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Đại sứ quán Đức thay mặt Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) phối hợp với GIZ và KfW tổ chức buổi thảo luận nói trên.
Các đại biểu tham dự buổi thảo luận về các cơ hội và thách thức trong chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
Buổi thảo luận được tổ chức với mục đích trao đổi về tình hình phát triển NLTT, năng lượng mới tại Việt Nam, cơ hội, thách thức và những đề xuất đối với Chính phủ Đức trong việc hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng công bằng theo cam kết Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP). Đây là một trong những hoạt động chuẩn bị cho bước tiếp theo của tiến trình hợp tác Đức – Việt trong khuôn khổ JETP.
EVNNPT được mời tham dự buổi thảo luận chiến lược này với vai trò là doanh nghiệp truyền tải điện – khâu chủ chốt trong việc giải tỏa công suất của các nhà máy điện bao gồm hàng loạt dự án NLTT, góp phần đáng kể vào thành công của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong quá trình tăng cường cung cấp năng lượng, đáp ứng nhu phụ tải, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại buổi thảo luận, ông Andreas Förster, Vụ trưởng Vụ Đông Á, Đông Nam Á thuộc BMZ trình bày ngắn gọn vai trò của cơ quan Hợp tác Phát triển Đức để hỗ trợ JETP. Ông đánh giá cao các động thái của chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng cũng như vai trò của khối tư nhân trong đầu tư phát triển nguồn NLTT.
Ông nhấn mạnh, buổi thảo luận là cơ hội để phía Đức thu thập các quan điểm về chính sách áp dụng, biểu giá, nguồn vốn… đối với nguồn NLTT cũng như nhu cầu hỗ trợ của khối tư nhân trong các lĩnh vực về nghiên cứu, công nghệ và đào tạo để có được định hướng và kế hoạch hợp tác trong tương lai.
Ông Andreas Förster, Vụ trưởng Vụ Đông á, Đông Nam Á thuộc BMZ phát biểu khai mạc
Đại diện các doanh nghiệp NLTT đã rất cởi mở trao đổi các cơ hội phát triển trong đầu tư phát triển nguồn NLTT như: điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sản xuất hydro xanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nêu ra không ít khó khăn, thách thức, vướng mắc liên quan đến chính sách, quy định, nguồn vốn đầu tư, công nghệ, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống truyền tải điện và giá điện.
Ông Vũ Trần Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết: EVNNPT đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia theo Tổng sơ đồ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. EVNNPT rất cảm ơn sự đồng hành của KfW trong quá trình phát triển lưới truyền tải điện. Đến thời điểm hiện tại, KfW đã cho EVNNPT vay trên 150 triệu EUR để đầu tư xây dựng mới các đường dây và trạm biến áp nhằm truyền tải điện từ các nhà máy điện, trong đó có cả điện gió, điện mặt trời lên lưới điện quốc gia.
Trong Tổng sơ đồ 8 được Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2030, sẽ cần đầu tư mới 36.000 km đường dây với chi phí khoảng 13 tỷ đô la. Với riêng EVNNPT, giai đoạn 2021 – 2025 nhu cầu đầu tư khoảng 700 - 800 triệu USD/năm, giai đoạn sau sẽ cao hơn. Tuy nhiên, EVNNPT chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu vốn đầu tư, còn lại sẽ phải huy động từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài. EVNNPT có quan hệ hợp tác với các ngân hàng thương mại trong nước nhưng do giới hạn về hạn mức tín dụng nên các nguồn vốn vay này cũng bị hạn chế.
Trước kia, nguồn vay Hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA) chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu vốn của EVNNPT. Nhưng hiện nay, nguồn ODA cũng bị thu hẹp rất nhiều và đang gặp khó khăn, vướng mắc về Cơ quan chủ quản đối với đơn vị cấp II như EVNNPT.
Để đáp ứng nhu cầu đầu tư, EVNNPT phải tìm kiếm các nguồn vay khác và đa dạng hóa các hình thức vay vốn. Một trong những hình thức đó là cho vay trực tiếp. Từ năm 2021 EVNNPT đã triển khai thu xếp vay theo hình thức này với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục theo qui định của Việt Nam và Pháp. EVNNPT mong muốn sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ của KfW theo hình thức này.
Liên quan đến sự tham gia của khối tư nhân vào lĩnh vực truyền tải, Phó Tổng giám đốc EVNNPT cũng chia sẻ thêm chủ trương của Việt Nam là sẽ xã hội hóa lưới truyền tải điện. Ông cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn để thu hút các nguồn đầu tư, nguồn lực để cùng đẩy nhanh quá trình hoàn thiện lưới truyền tải điện, đáp ứng xu hướng tăng cường phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Phó Tổng Giám đốc EVNNPT - Vũ Trần Nguyễn chia sẻ tại buổi thảo luận
Chia sẻ và đồng cảm với các khó khăn của các doanh nghiệp, ông Esteban Salinas - Cán bộ chính sách cấp cao phụ trách Việt Nam của BMZ khẳng định: Chúng tôi lắng nghe và ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tư nhân cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Đây là cơ sở để chúng tôi cùng thảo luận nhằm tìm ra các biện pháp phù hợp để hỗ trợ thực hiện JEPT ở Việt Nam trong tương lai.
Có thể khẳng định, buổi thảo luận đã tạo điều kiện, cơ hội để các bên liên quan đến tiến trình tăng cường và phát triển năng lượng của Việt Nam ngồi với nhau, thẳng thắn trình bày và chia sẻ quan điểm, nhu cầu cũng như đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng hợp tác hướng tới xây dựng một nền năng lượng xanh, sạch và phát triển bền vững. Trong đó, không thể thiếu sự đồng hành của Đại sứ quán Đức, GIZ trong vai trò tư vấn, kết nối, hỗ trợ.