Điều tra vụ việc hơn 1000 hộp thuốc Cefuroxim 500 giả tại Công ty Dược phẩm Đa Phúc
Cơ quan cảnh sát điều tra PC03 - Công an TP. Hà Nội cho biết đơn vị này đang tích cực vào cuộc điều tra vụ việc hơn 1000 hộp thuốc Cefuroxim 500 giả do thanh tra Sở Y tế phát hiện trước đó.
Liên quan đến vụ việc Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra và phát hiện hơn 1000 hộp thuốc kháng sinh Cefuroxim 500 giả tại Công ty TNHH Dược Phẩm Đa Phúc, Cơ quan cảnh sát điều tra PC03 - Công an TP. Hà Nội cho biết đơn vị này đang vào cuộc, tích cực điều tra làm rõ.
Công an TP. Hà Nội đã cử Trung tá Trần Phong Vân - Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03 - Công an TP. Hà Nội) trực tiếp điều tra, xác minh vụ việc.
Cơ quan cảnh sát điều tra PC03 Công an TP. Hà Nội cho biết đơn vị này đang vào cuộc điều tra làm rõ những dấu hiệu buôn bán thuốc giả tại Công ty TNHH Dược Phẩm Đa Phúc
>> Thuốc Cefuroxim 500 giả tại Công ty Dược Phẩm Đa Phúc được buôn bán như thế nào?
Sáng 8/9 Trung tá Trần Phong Vân cho biết, sau khi nhận được văn bản, tài liệu, vật chứng... là thuốc kháng sinh Cefuroxim 500 giả được phát hiện tại Công ty TNHH Dược Phẩm Đa Phúc do Thanh tra Sở Y tế Hà Nội chuyển đến, đơn vị này đã vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc.
"Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội để xác minh làm rõ những đối tượng có liên quan. Khi có kết quả chúng tôi cũng sẽ trao đổi với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội", Trung tá Trân Phong Vân thông tin.
Công ty TNHH Dược phẩm Đa Phúc - Thôn 5, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội nơi cơ quan chức năng phát hiện hơn 1000 hộp thuốc Cefuroxim 500 giả
Trước đó, liên quan đến vụ việc nói trên, Chánh Thanh Tra Sở Y tế Hà Nội - ông Nguyễn Việt Cường thông tin: “Cơ quan này thu được số lượng hơn 1000 hộp thuốc kháng sinh Cefuroxim 500 giả tại Công ty TNHH Dược Phẩm Đa Phúc và đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến Công an TP. Hà Nội để yêu cầu đơn vị này cùng phối hợp vào cuộc điều tra làm rõ".
Liên quan đến vụ việc cơ quan chức năng phát hiện thuốc kháng sinh Cefuroxim 500 giả với số lượng lớn tại Công ty TNHH Dược Phẩm Đa Phúc, Luật sư Đoàn Văn Tư – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đoàn Gia - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: Với số lượng thuốc giả lớn được cơ quan chức năng phát hiện tại công ty này có thể khẳng định có dấu hiệu của việc buôn bán thuốc giả có quy mô, thậm chí có tổ chức.
Công nhân vận chuyển thuốc tại Công ty TNHH Dược phẩm Đa Phúc
Nếu việc buôn bán thuốc giả xảy ra trong thời gian dài, số lượng lớn sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và ngân sách nhà nước, đặc biệt nếu những loại thuốc của công ty này vị trúng thầu vào các cơ quan, đơn vị nhà nước.
"Quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng có đủ chứng cứ để kết luận đơn vị Công ty TNHH Dược phẩm Đa Phúc buôn bán thuốc giả thì tùy vào mức độ vi phạm cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật", Luật sư Đoàn Văn Tư cho biết.
Luật sư Đoàn Văn Tư – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đoàn Gia
Cũng theo luật sư Đoàn Văn Tư, tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh được quy định rõ tại Điều 194 Bộ luật Hình sự.
Theo khoản 4 của điều luật này thì mức phạt tù cao nhất mà người phạm tội phải gánh chịu với tội danh buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh là 20 năm tù. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các điều kiện khách quan hoặc chủ quan, cơ quan chức năng sẽ xem xét các căn cứ để xử lý với tình tiết cụ thể phù hợp quy định của pháp luật.
"Tính mạng, sức khỏe của con người là vô cùng quý giá. Nếu cơ quan chức năng phát hiện, kết luận đơn vị Công ty TNHH Dược phẩm Đa Phúc buôn bán thuốc giả thì pháp luật cần phải có những hình phạt nghiêm minh nhất để răn đe những cá nhân, tổ chức coi thường sức khoẻ, tính mạng của người dân", Luật sư Đoàn Văn Tư nhấn mạnh thêm.
Điều 194 Bộ luật Hình sự quy định:
- Khách thể của tội phạm: Xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là hoạt động buôn bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, sức khỏe của người tiêu dùng.
- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi: buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là việc thực hiện các hoạt động đưa hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh giả vào lưu thông như giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, vận chuyển, bán buôn,...
+ Hậu quả: Gây ảnh hưởng đến người sử dụng các sản phẩm hàng giả là thuốc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
- Chủ thể: Người từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc pháp nhân thương mại.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
+ Lỗi: Cố ý trực tiếp.
+ Mục đích: Thu lợi bất chính từ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Về mức phạt đối với hành vi buôn bán thuốc chữa bệnh giả của sẽ bị xử lý như sau:
- Đối với cá nhân
Khoản 1 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt từ 02 đến 07 năm
- Đối với pháp nhân
Pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định hình phạt bổ sung với tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo đó, cá nhân bị thực hiện hành vi phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. (Theo khoản 5 Điều 194 Bộ luật Hình sự).
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Pháp nhân thương mại có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động (Theo điểm đ, e Khoản 6 Điều 194 Bộ luật Hình sự).