Đền Quán Thánh - Ngôi đền linh thiêng bậc nhất Thủ đô Hà Nội
Được xây dựng từ thời Lý Thái Tổ (1010–1028), đi cùng thăng trầm của lịch sử, Đền Quán Thánh luôn là nơi linh thiêng bậc nhất của thủ đô Hà Nội.
Đền Quán Thánh – Điểm đến linh thiêng trong hoạt động tín ngưỡng của người dân
Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long tứ trấn).
Ngày nay, đền Quán Thánh nằm trên trục đường Thanh Niên, phường Quán Thánh (quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Theo lời của Trưởng ban Quản lý đền: “Đây là nơi thường xuyên thực hiện các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng của người dân trên mọi miền tổ quốc. Đặc biệt, vào những ngày lễ, Tết ngôi đền có tiếng linh thiêng bậc nhất đất Thăng Long tiếp đón rất nhiều du khách thập phương các tỉnh thành trên cả nước, và cả du khách nước ngoài về đây để thắp hương, lễ bái".
"Đa phần người dân đến thắp hương, lễ bái để cầu sức khỏe, cầu công việc và cầu bình an”, Trưởng ban Quản lý Đền Quán Thánh cho hay.
![den quan thanh](https://i.ex-cdn.com/giadinhonline.vn/files/content/2020/01/25/den-quan-thanh-07385082.jpg)
Đền Quán Thánh (hay còn gọi tên khác là đền Trấn Vũ)
Chị Trần Thu Huyền, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Gia đình tôi là công chức nhà nước. Mặc dù ở xa đến hàng ngàn ki lô mét, thế nhưng mỗi năm ít nhất cũng phải vài ba lần tôi ra đây để thắp hương, lễ bái. Tôi cầu cho gia đình sức khỏe, làm ăn may mắn, thuận lợi và cầu cho con cái học tập tấn tới”.
Cùng chia sẻ trên, anh Nguyễn Văn Tuấn sinh sống tại Hải Phòng nói: “Gia đình tôi nay kinh tế đã khá giả, nhưng mỗi dịp lễ Tết tôi luôn sắp xếp công việc, thời gian để về đây thắp hương. Làm kinh doanh có thời điểm thất bại quá lớn, tinh thần khủng hoảng, và trong một dịp cuối năm lên Hà Nội thăm người bạn, tôi ghé thăm đền vừa để thắp hương vừa để tĩnh tâm. Thật bất ngờ, bước sang năm mới sau đó, công việc gặp rất nhiều thuận lợi, công việc kinh doanh bớt khó khăn và phát triển ổn định trở lại. Ngày nay, mỗi khi có thời gian tôi lại về đây để thắp hương, lễ bái và không chỉ cầu công việc tôi còn cầu sức khỏe, bình an cho cả gia đình”, anh Tuấn vui vẻ nói.
Ngôi đền nổi tiếng về sự linh thiêng
Theo nhiều sử sách, Trấn Vũ là tên gọi tại Việt Nam của thần Chân Vũ, người Việt còn gọi là Trấn Võ. Vị thần này tượng trưng cho sao Bắc cực, là một vị thần lớn của đạo Giáo thống trị phương Bắc, kiêm quản lý các loài thủy tộc nên cũng được coi là thủy thần hay hải thần. Theo hầu Chân Vũ là hai tướng Quy, Xà (tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh) và Ngũ long thần tướng.
![di le](https://i.ex-cdn.com/giadinhonline.vn/files/content/2020/01/25/di-le-07395054.jpg)
Du khách thập phương về lễ bái đầu năm
Trong truyền thuyết Việt Nam, Trấn Vũ là vị thần ở núi Sái (nay thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh) có công giúp An Dương Vương trừ tà ma quấy rối việc xây thành Cổ Loa. Ông từng du ngoạn Hồ Tây và trừ hồ tinh 9 đuôi lẩn quất ở núi đá bên cạnh Hồ Tây. Truyền thuyết xưa cũng kể rằng: Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời Vua Lý Thánh Tông...
Cũng theo tài liệu của Ban Quản lý đền, còn một truyền thuyết nữa liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo tài liệu này, vào đời Hùng Vương, tại rừng Thiết Lâm, làng Long Đỗ có hồ tinh 9 đuôi làm hại dân. Ngọc Hoàng sai thần Huyền Thiên hạ giáng, dùng phép thuật giết hồ tinh rồi cả khu Thiết Lâm sụp xuống thành hồ (tức là Hồ Tây ngày nay). Vì thế, Vua Lý Thái Tổ sau khi xây thành Thăng Long đã cho lập đền thờ Huyền Thiên ở phía tây bắc thành để trấn yêu quái.
Ngoài ra, câu chuyện tương truyền về việc vua An Dương Vương xây thành cứ ngày đắp, đêm lại bị đổ vì yêu ma Bạch Kê Tinh (Tinh Gà Trắng) phá hoại đã không còn xa lạ với mỗi người Việt chúng ta. Trong câu chuyện này, sử sách chép rằng: “Ngày Tinh Gà Trắng trú ẩn ở núi Thất Diệu, đêm lại xuất hiện. Vua không có cách nào trừ khử bèn lập đàn cầu khẩn, được Huyền Thiên Trấn Vũ sai thần Kim Quy (tức sứ Thanh Giang) hiện ra mách bảo kế giết Bạch Kê Tinh nên thành ốc mới xây xong”. Tưởng nhớ công đức của Huyền Thiên, Vua đã cho xây đền trên đỉnh núi Thất Diệu để thờ. Đây cũng là nơi Huyền Thiên đã tu luyện và cũng được gọi là Vũ Đương Sơn.
Lý Thái Tổ (1010–1028) sau khi dời đô ra Thăng Long đã đến núi Sái cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền Thiên rất to lớn, Nhà Vua đã cho xây đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh) ở phía bắc kinh thành, xin rước hiệu duệ Huyền Thiên về ở đó để thờ. Đền Quán Thánh được coi như trấn Bắc Thăng Long từ đó.