Để nét chữ là nét người
Để nét chữ thực sự là nét người, hãy để cho chính các em khám phá nét người của mình qua năm tháng - hoàn thiện dần lên, thay đổi khác đi.
Khi đến tuổi đi học, đứa trẻ nào cũng trải qua giai đoạn tập viết chữ, bắt đầu từ những nét đơn giản như nét sổ nét móc, cho đến việc học tuân thủ các quy tắc về cỡ chữ, chính tả... Những điều đó nằm trong nội dung học và thực ra Tập viết là một môn học rất bình thường song song cùng môn Tập đọc kết hợp thành "song kiếm hợp bích" giúp bạn nhỏ của chúng ta bước vào thế giới học hành, chữ nghĩa...
Ảnh minh họa
Mục đích của môn Tập viết
Theo thông tin của tờ tạp chí Khoa học và cuộc sống (Nga) thì từ năm 2014 có 45 bang ở Mỹ thông qua quyết định học sinh đi học không cần tập viết chữ đẹp, chỉ cần viết được chữ in hoa và đánh máy thành thạo trên máy tính. Đặc trưng của thời đại công nghệ! Thật vậy, vậy tập viết còn cần cho ai?
Trên thực tế, để bắt đầu bước vào cuộc đời học tập, đối với bé, môn Tập viết cũng cần thiết như môn Tập đọc, không kém và cũng không hơn! Vì thế, thái độ của chúng ta đối với nó cũng cần cân bằng. Nghĩa là đừng bỏ qua, coi thường nó, cho rằng sau này đánh máy chữ cả thì viết đẹp để làm gì! Cũng đừng cố sống cố chết luyện con "thành tài" - thợ viết chữ đẹp - ngay trong những năm đầu tiên đến trường.
Trẻ phải làm gì với môn Tập viết?
Dựa trên cơ chế tư duy trực quan, vận dụng mọi giác quan trong nhận thức, thì việc đọc song song với việc viết khiến trẻ nhớ và tiếp nhận kiến thức nhanh hơn, đặc biệt đọc hiểu nhanh hơn nhiều so với những đứa trẻ chỉ đọc mà không bao giờ thử viết. Trẻ cần nắm được những nguyên tắc cầm bút đúng, điều chỉnh dáng ngồi hợp lý, cự li giữa mắt và vở vừa phải. Đó cũng là nội dung cần phải đưa vào môn Tập viết.
Kết hợp với thao tác đọc, nghe, trẻ nhận biết mặt chữ, học cách ghi lại các âm thanh, từ vựng theo quy tắc chính tả. Từng ngày, một ít một, trẻ vỡ vạc ra sự kỳ diệu của các con chữ, học cách làm chủ chúng một cách tự nhiên cùng sự luyện tập như đã từng luyện cách điều khiển cơ thể mình một cách chính xác và mềm mại ngày xưa. Quá trình luyện tập phải gắn liền với quá trình học tập các môn học khác.
Nói vậy để thấy cái "quá trình" cần thiết biết bao và để thấy sự sai lầm, vô nghĩa trong việc ép trẻ tô chữ, luyện chép hàng tiếng đồng hồ trong những ngày đầu tiên đến lớp. Việc này tạo áp lực không nhỏ đối với cơ thể trẻ khi phải vận dụng cao độ cả mắt, trí óc, tay vào một công việc - Áp lực vô hình mà ở tuổi các em không nên và không được phép chịu để dẫn đến những hậu quả hữu hình: thị lực giảm, mệt mỏi, căng thẳng, đôi khi biếng ăn.
Thí nghiệm của các nhà tâm lý giáo dục Nga cho thấy: nếu đưa các bạn nhỏ một cuốn vở tô chữ quá dài, các bạn sẽ tăng tốc để viết xong cho nhanh - và thế là ý nghĩa luyện chữ không còn nữa. Đương nhiên, nếu muốn, có thể dùng kỷ luật, dùng điểm để ép buộc cho đến khi thành thói quen. Nhưng đó đã là một câu chuyện khác.
Những bạn nhỏ 4-5 tuổi càng chưa nên bị lôi cuốn vào câu chuyện tập viết để ... cô giáo nhàn hơn, bố mẹ yên tâm hơn, ông bà tự hào hơn khi bé chững chạc bước vào lớp 1 với một hành trang "biết đọc, biết viết"! Động lực học tập và niềm vui được dần dần khám phá con chữ cùng các bạn và thày cô ở trường cứ thế mà bị triệt tiêu!
Thế nào là vở sạch?
Một cuốn vở không tì vết, không gạch xoá, không dây mực, chữ đều và sáng sủa - đó là niềm mơ ước, tự hào của đứa trẻ, cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều đứa trẻ khác. Đôi khi, chỉ vì một lỗi sai mà cả trang vở bị xé. Đôi khi vì lỡ tay nguệch một vết vào vở là cả cố gắng suốt một học kỳ đi tong!
Tôi chỉ cho rằng không nên đưa ra tiêu chí vở sạch một cách cực đoan, khiến cho việc vở sạch chữ đẹp vô hình trung trở thành một trò hình thức và bổ sung thêm một khía cạnh vào bệnh thành tích của chúng ta.
Với những đứa trẻ lớp 1, 2 việc giữ sạch vở, biết yêu quý vở như người bạn đồng hành của mình là tiêu chí cần thiết để hướng tới chứ không phải để đánh giá. Mục đích: các bạn nhỏ có ý thức với việc học chữ, hào hứng với bài vở, trân trọng đồ dùng học tập... chứ không phải dùng đó như một tiêu chí gây áp lực khác.
Với học sinh từ trung học cơ sở trở lên, việc giữ vở sạch hay có thể ghi chép theo kiểu riêng của mình - theo tôi là điều có thể bàn cãi. Đôi khi việc ghi chép theo phương pháp khác như sơ đồ tư duy, nhấn nhá màu sắc, khoanh đậm từ khoá... lại giúp các bạn học nhanh và nhớ lâu hơn. Việc áp dụng các tiêu chí vở sạch chữ đẹp từng dùng cho tiểu học đối với các cấp cao hơn có thể nói là không cần thiết, thậm chí là ... vô nghĩa!
Để nét chữ thực sự là nét người, hãy để cho chính các em khám phá nét người của mình qua năm tháng- hoàn thiện dần lên, thay đổi khác đi. Những nét chữ mang cả tâm tình, cảm xúc, bộc lộ nét vui và nỗi niềm khác nữa!
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh