Dâu tây Đà Lạt cho quả ngọt trên đất phù sa miền Tây
Tại Cù lao Tân Lộc ngay giữa dòng sông Hậu (thuộc địa phận phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) có một vườn dâu tây đúng chuẩn Đà Lạt gây chú ý với nhiều người.
Chủ nhân của vườn dâu tây là ông Chương Văn Khanh hay còn được mọi người gọi là ông Út Anh, vốn là Chủ cơ sở sản xuất mắm và khô cá tra Út Anh thuộc khu vực Trường Thọ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Vườn dâu tây của Ông Út Anh.
Chia sẻ về vườn dâu tây, ông Út Anh cho hay, trong một dịp tình cờ khi đến thăm vườn dâu tây của người bạn, thấy loại cây này có thể làm mô hình rau, trái cây tại địa phương ông đã mua giống về trồng và tìm hiểu để loại cây này phát triển.
Tuy nhiên, do chưa nắm bắt được kỹ thuật kèm khí hậu có phần không phù hợp nên trồng chưa được bao lâu cây đã chết gần hết. Nhưng càng thất bại, ông Út Anh lại càng hăng say tìm hiểu và tìm cách để giống cây có thể thích nghi với thời tiết nóng bức ở vùng đất Cù lao miền Tây này.
Sau ba năm mày mò, đúc kết từ thực tế, ông rút ra kinh nghiệm "chăm bẵm" loại cây nhìn có vẻ mong mang này.
Cây phải được trồng bằng nhánh chiết hoặc giâm cành, chỉ cần 5 - 6 ngày là có thể bắt rễ. Đây là loại cây ưa nước, nhưng cũng không thể dư vì rất dễ gây thối rễ, đặc biệt nước để tưới phải dùng nước sông. Vì vậy ông đã đầu tư cho khu vườn hệ thống tưới nước tự động để có thể giải quyết vấn đề về tưới tiêu mà theo ông đây chính là điểm khó khăn nhất khi bắt đầu làm mô hình này.
Đồng thời, phân dùng để bón là phân hữu cơ gồm cám dừa, rơm mục và tro. Ông còn dự tính sẽ đưa toàn bộ dâu tây vào nhà màng để điều tiết nhiệt độ.
Hệ thống tưới nước tự động tại vườn dâu tây.
Dịp Tết Nguyên đán năm 2022, ông Út Anh đã thành công bán ra thị trường khoảng hơn 500 chậu dâu tây và nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng.
Cô Vân - một khách hàng quen thuộc của Cơ sở sản xuất mắm và khô cá tra Út Anh cho rằng, hương vị dâu tây này không thua kém gì dâu tây trồng tại xứ lạnh Đà Lạt.
Trong dịp Tết năm nay, khi thời tiết trở nên mát mẻ hơn những cây dâu cũng nở rộ nên ông Út Anh đã cho ra hơn 1.000 chậu phục vụ để phục vụ cho bà con. Mỗi chậu cây dâu tây được ông bán ra với giá 50.000 đồng.
Những quả dâu tây chín mọng thu hút du khách.
Chia sẻ thêm, ông Út Anh cho biết, Cù lao Tân Lộc là một vùng đất phù sa có lợi thế khai thác dịch vụ du lịch cộng đồng tại Cần Thơ. Nhiều đêm trăn trở, bản thân ông luôn mong muốn có một mô hình du lịch độc lạ thu hút du khách và có thể chia sẻ cũng như tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho hàng chục bà con trong địa phương. Vì vậy trồng dâu tây tại vùng đất Tân Lộc là mô hình tâm huyết của ông.
Bên cạnh đó, ông Út Anh cũng là cựu chiến binh thuộc Hội Cựu chiến binh quận Thốt Nốt, ông mong rằng mô hình có thể thành công, tìm ra công thức để trồng hiệu quả và sẵn sàng chia sẻ với mọi người trong hội để cùng nhau phát triển.
Đến với Cù lao Tân Lộc dịp cận Tết, không chỉ có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như mắm cá tra, khô cá tra, nước mắm cá linh... những chậu dâu tây tại nhà vườn ở đây cũng là sản phẩm độc lạ du khách thích thú mua về làm quà.
Cây dâu tây của vùng cao nguyên Lâm Viên đơm hoa kết quả trên vùng đất phù sa sông Hậu là một hiện tượng độc đáo dự kiến thu hút người dân tham quan và thưởng thức trong dịp Tết này.