Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII: Đổi mới, thành công, hướng đến những mục tiêu đột phá
Sáng 27/12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức họp báo Thông tin kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Một kỳ Đại hội đổi mới, thành công
Chủ trì buổi họp báo, đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông đã phản ánh, đưa tin liên tục và hết sức phong phú về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN khoá VIII. Đến thời điểm này, Đại hội đã thành công tốt đẹp.
"Điều đặc biệt là ngay trước khi Đại hội diễn ra, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 46 ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đây chính là một trong những động lực thúc đẩy động viên mạnh mẽ cán bộ, hội viên nông dân các cấp, tạo khí thế, góp phần vào sự thành công hơn nữa của Đại hội VIII" - đồng chí Lương Quốc Đoàn cho biết.
Đại hội đã thông qua báo cáo chính trị BCH Khoá VII trình trước Đại hội. Trong báo cáo có phần khác biệt hơn so với những khoá trước, đó là ngoài 7 nhiệm vụ giải pháp thì kì này Đại hội đưa ra 3 giải pháp đột phá. Bên cạnh đó, báo cáo chính trị đại hội đã quán triệt rất sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 46.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN chủ trì buổi họp báo sáng 27/12. Ảnh: Phạm Hưng
Kì đại hội lần này, BCH Trung ương Hội NDVN khoá VII đã kiểm điểm thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ những phần chỉ tiêu nhiệm vụ Đại hội VII chưa hoàn thành, đồng thời đưa ra những bài học kinh nghiệm cho nhiệm kì VIII.
Về phần điều lệ, kỳ này cũng có một số thay đổi cho hoạt động Hội NDVN, theo đó, để mở rộng đối tượng cán bộ hội chúng tôi kết nạp thêm các thành phần hội viên danh dự, đó là những người có trình độ chuyên môn phù hợp, năng động, nhiệt tình với hoạt động của Hội ND. Trong sinh hoạt giữa các chi tổ hội sẽ rõ hơn, cụ thể hơn trên cơ sở tích hợp các chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 111 đồng chí, khuyết 8 đồng chí và sẽ giao BCH khoá VIII bầu bổ sung. Các đồng chí trúng cử đều có số phiếu rất cao, trong đó có 55 đồng chí có số phiếu đạt 100%. Có thể nói rằng đây là kỳ đại hội mà các đồng chí trúng cử vào BCH có số phiếu bầu cao nhất từ trước tới nay.
Tại hội nghị BCH lần thứ nhất, chúng tôi đã bầu ra Ban Thường vụ, bầu ra 18 đồng chí với số phiếu rất cao. Trong đó đã bầu Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và sẽ bổ sung sau 1 đồng chí. Toàn bộ nội dung chương trình đề ra đã hoàn thành tốt đẹp.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Phạm Hưng
Tại buổi họp báo, Nhà báo Nguyễn Kiểm – Báo Quân đội Nhân dân nêu câu hỏi: Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN khoá VIII có điểm đặc biệt là nhận được sự quan tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí nguyên lãnh đạo, cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước với giai cấp Hội NDVN, đồng chí Chủ tịch có chia sẻ gì về sự quan tâm này để tiếp tục đáp ứng sự kì vọng của toàn thể nhân dân với các cấp Hội ND trong cả nước? Sắp tới, Trung ương Hội NDVN sẽ có quyết sách gì để cụ thể hoá các hoạt động của Hội ngày càng nâng cao chất lượng, gắn với thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước?
Về vấn đề này, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN bày tỏ niềm vinh dự, tự hào, phấn khởi trước sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN nhiệm kỳ 2023 - 2028.
"Như tôi nói ban đầu, một món quà rất lớn mà Bộ Chính trị dành cho Hội NDVN và giai cấp nông dân Việt Nam là Nghị quyết 46 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đến dự và chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư đã có một bài phát biểu cụ thể, chỉ đạo và cho các định hướng hoạt động của Hội NDVN trong nhiệm kỳ tới. Đây là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho, song bản thân chúng tôi cũng nhận thấy đây là trọng trách rất lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã có một phần rất mới, đó là có thêm nội dung góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, để Hội NDVN là tổ chức chính trị - xã hội nằm trong hệ thống chính trị.
Chúng tôi thấy rằng đây là một gửi gắm của Bộ Chính trị về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội NDVN trong việc tham gia vào xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh" – Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Thứ hai, trong bài phát biểu Tổng Bí thư đã nhiều lần nhắc Hội NDVN làm sao thể hiện vai trò trách nhiệm của mình để người nông dân thực sự là trung tâm, là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đây vừa là niềm tự hào song cũng là sự tin tưởng, gửi gắm của Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng và Nhà nước với giai cấp nông dân Việt Nam.
Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí. Ảnh: Phạm Hưng
Đề ra 3 giải pháp mang tính đột phá
Nhà báo Văn Phúc – Báo Sài Gòn giải phóng hỏi: Trong phiên khai mạc trọng thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo và nhấn mạnh 7 nội dung trọng tâm cho Đại hội khoá VIII, xin hỏi các đồng chí có kế hoạch, giải pháp gì để cụ thể hoá 7 nhiệm vụ quan trọng này?
Trả lời câu hỏi của Báo Sài Gòn giải phóng, đồng chí Lương Quốc Đoàn cho biết: Kỳ này chúng tôi dự thảo văn kiện trên tinh thần hết sức thẳng thắn của BCH khoá VII. Chúng tôi dành nhiều thời gian để thảo luận, tìm ra những mặt còn hạn chế của các phong trào Hội ND trong nhiệm kì VII; lĩnh hội các chủ trương định hướng, nghị quyết XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để xây dựng bản dự thảo văn kiện vô cùng chi tiết phục vụ đại hội.
Trong đó chúng tôi đề ra 3 giải pháp đột phá. Thứ nhất, Hội NDVN sẽ thay đổi mạnh mẽ phương thức tập hợp hội viên nông dân. Bởi không tập hợp được hội viên nông dân thì các phong trào sẽ không thể thành công. Ở nông thôn bây giờ, có sự khác biệt rất lớn so với trước kia, đặc biệt là khác nhiều so với giai đoạn trước khi thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, do đó chúng tôi thấy rõ phải đổi mới phương thức tập hợp hội viên nông dân, coi đó là cốt lõi, quan trọng nhất nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.
Nhà báo Văn Phúc, báo Sài Gòn giải phóng đặt câu hỏi. Ảnh: Hưng Phạm
Thứ 2, Hội tham gia mạnh mẽ vào việc hướng dẫn hội viên nông dân tham gia kinh tế tập thể. Hạn chế của nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều, trong đó có điểm yếu là sản xuất nhỏ lẻ manh mún, tư duy cục bộ, thiết liên kết hợp tác… Kinh tế tập thể sẽ là chìa khoá tháo gỡ nút thắt này. Muốn sản xuất lớn, có sản phẩm chế biến xuất khẩu, bán hàng hoá với giá trị cao hơn thì nông dân phải tham gia vào kinh tế tập thể.
"Trong bài phát biểu Tổng Bí thư cũng đã chỉ rõ năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ hội các cấp còn hạn chế, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, do đó giải pháp đột phá thứ 3 Hội NDVN triển khai thực hiện là tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ Hội. Khác với cách làm thông thường, Hội lần này sẽ đào tạo cả cho những nông dân sản xuất giỏi từ cấp huyện trở lên và nông dân Việt Nam xuất sắc, để họ có đủ điều kiện, kỹ năng trở thành "hạt nhân" dẫn dắt, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế tập thể và hướng dẫn nông dân khác cùng tham gia" – Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Song song với 3 giải pháp đột phá này, đồng chí Lương Quốc Đoàn cho biết Hội NDVN cũng đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án Hội NDVN tha gia phát triển kinh tế tập thể để thực hiện tốt Nghị quyết 46; trình Chính phủ Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ND các cấp. Bên cạnh đó, để tập hợp hội viên nông dân, chúng tôi đã có các giải pháp tăng cường chi, tổ hội nghề nghiệp, và đã được đưa vào là một trong những chỉ tiêu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt điều này nông dân sẽ quen với cách làm việc nhóm, tạo tiền đề phát triển kinh tế tập thể.
Nhà báo Đỗ Bình – Thông Tấn xã Việt Nam đặt câu hỏi: Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư có đề nghị Trung ương Hội hướng mạnh về cơ sở, xin hỏi tới đây Trung ương Hội sẽ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì để thực hiện nhiệm vụ này? Bên cạnh đó, Nghị quyết của Đại hội có nêu, sắp tới sẽ phát triển mạnh chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã với con số chỉ tiêu cụ thể, vậy Trung ương Hội sẽ có những hành động giải pháp gì để thực hiện mục tiêu đó?
Nhà báo Đỗ Bình - Thông tấn xã Việt Nam nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Đỗ Bình với nhiệm vụ hướng mạnh về cơ sở, đồng chí Lương Quốc Đoàn cho biết, hiện nay chúng ta có 6 tổ chức chính trị - xã hội, thì Hội ND khác biệt với các hội đoàn thể còn lại. Trong khi các hội đoàn thể khác có hội viên ở các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, lực lượng vũ trang, nhưng riêng Hội ND chỉ có hội viên ở nông thôn. Vì vậy, cán bộ Hội các cấp đã đi là về cơ sở, trong triển khai các nhiệm vụ, chúng tôi đều chỉ đạo đã đi cơ sở là phải về với nông dân, nghe tiếng nói từ cơ sở.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn cũng cho biết, một đổi mới mạnh mẽ nữa mà Hội NDVN đang thực hiện, đó là tuyên truyền không chỉ bằng văn bản, phương tiện thông tin đại chúng mà còn bằng cách tham gia trực tiếp vào các dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Để giúp hội viên có vốn phát triển sản xuất, Hội NDVN đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ ND…
"Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục kí kết với các ngân hàng thương mại khác nhằm hỗ trợ cho hội viên nông dân vay vốn, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành tuyên truyền tổ chức, thực hiện các dự án của các bộ; tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước để từ hội viên nông dân đến cán bộ hội các cấp đều nắm được" – đồng chí Lương Quốc Đoàn cho biết.
Một đổi mới nữa, theo đồng chí Lương Quốc Đoàn, với app nông dân, tới đây sẽ có một "cửa sổ" để hội viên nông dân có thể bày tỏ tâm tư nguyện vọng cũng như đề xuất kiến nghị lên Trung ương Hội NDVN. Với app này, hội viên nông dân cũng có thể đánh giá, phản ánh về các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, xem có chất lượng hay không… App này sẽ được triển khai đến từng hội viên nông dân, trước mắt trong 6 tháng đầu sẽ triển khai đến tất cả cấp hội cơ sở, sau đó đến các tổ hội nhằm tạo sự thay đổi lớn trong hoạt động của Hội ND.
Cũng tại buổi họp báo, nhà báo Việt Hà - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nêu câu hỏi: Sau Đại hội, Trung ương Hội NDVN sẽ ra nghị quyết, Hội sẽ làm những gì để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống?
Đồng chí Lương Quốc Đoàn thẳng thắn cho biết: "Có thể nói chủ trương tốt thế nào mà triển khai không tốt, không đi vào cuộc sống được thì cũng không thể nói là có ý nghĩa. Đây cũng là khâu kém nhất của ta, chủ trương đọc hay và trúng nhưng đôi lúc áp dụng trong thực tế hiệu quả lại chưa được như mong muốn. Do vậy, chúng tôi xác định chủ tương 1 thì giải pháp phải 10 và quyết tâm thực hiện phải 20. Đối tượng nông dân trước nay đều yếu thế nhất trong xã hội từ nhận thức, năng lực đến trình độ, vậy làm sao đưa nghị quyết vào cuộc sống là điều chúng tôi vô cùng trăn trở".
Chúng tôi chủ trương hạn chế việc ra Nghị quyết mà phải tập trung thực hiện, cụ thể hóa bằng các chương trình kế hoạch cụ thể, và nói gì thì nói cũng phải có nguồn lực và tạo điều kiện của các cấp ngành, Chính phủ mới có thể thực hiện tốt được. Tiếp nữa, chúng tôi sẽ chú trọng việc đào tạo cán bộ, nông dân để họ có thể làm chủ HTX, làm chủ doanh nghiệp nhỏ. Tôi cho đây mới là thực hiện nghị quyết thành công.
Thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia, chúng tôi cũng sẽ phát triển mạnh tổ hội nghề nghiệp, các phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới. Thực tế thời gian qua, với các chương trình này, nông dân thấy hiệu quả thì họ tham gia, phát triển, không mấy nông dân nghĩ nó là từ nghị quyết. Từ đây, chúng tôi sẽ đổi mới phương pháp thực hiện, nhằm đưa các phong trào này hiệu quả hơn nữa.
Trả lời câu hỏi của Nhà báo Chu Minh Khôi – Tạp chí Kinh tế Việt Nam về việc người nông dân thời đại này mới cần những phẩm chất gì?, đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN nói: Đầu tiên, trong bất kỳ một thời đại nào, giai đoạn cách mạng nào thì người nông dân nói riêng và nhân dân nói chung phải có lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Với đất nước ta, nhìn lại lịch sử từ thời kỳ cách mạng dành độc lập dân độc, đổi mới và xây dựng đất nước, đặc biệt mới đây trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19 càng thấy rõ truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam phát huy mạnh mẽ.
Thứ hai, trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, người nông dân cần phải có kiến thức trong mọi mặt. Ngoài chăm sóc sức khỏe cho bản thân, cần phải có kiến thức trong sản xuất kinh doanh để trở thành người nông dân chuyên nghiệp, nông dân số, nông dân của công nghiệp 4.0.
"Nếu không chịu khó nghiên cứu học hỏi thì không phát triển, cải thiện được đời sống. Người nông dân của thời đại này cần phải có trách nhiệm với cộng đồng, phải biết liên kết, hợp tác với nhau, nhất là trong sản xuất, kinh doanh cũng như gìn giữ, phát huy truyền thống bản sắc dân tộc" - bà Thơm nhấn mạnh thêm.
Danh sách các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028:
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Tập đoàn Nagakawa; Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDbank); Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Tập đoàn Sovico; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty Xây dựng Điện và Dịch vụ phát triển Nông thôn; Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau; Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải; Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco); Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền; Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam; Công ty TNHH Vibasic; Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao; Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC); Hiệp hội Hoa Đà Lạt; Tập đoàn Lộc Trời; Tổng Công ty Bảo hiểm PVI; Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông; Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaibinhSeed; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.