"Đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến những tác động lâu dài về dân số"
Chia sẻ về những tác động của Covid-19, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ TP. HCM cho rằng, đại dịch đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân, có thể dẫn đến những tác động lâu dài đối với vấn đề dân số.
Covid-19 tác động lâu dài đối với vấn đề dân số
Theo nhận định của Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc, đối với một số người, đại dịch đã dẫn đến quyết định trì hoãn việc có con. Với một số người khác do gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Mặc dù cho đến nay, chưa có được một bức tranh tổng thể hay các nghiên cứu về tác động của Covid-19 đối với mức sinh, nhưng xu hướng này đã gây nên mối quan tâm đáng ngại về khả năng bùng nổ dân số hay tiếp tục sụt giảm tỷ suất sinh.
Dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến những thay đổi về công tác dân số tại TP. HCM (Ảnh minh họa)
Điều đáng lo ngại về công tác dân số là khi xảy ra dịch bệnh, phụ nữ khó có thể thực hiện được quyền sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Nguyên nhân có thể là do gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong dịch bệnh hoặc do phân biệt đối xử về giới đã ngăn cản họ trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc khả năng tự quyết định trong việc có quan hệ với bạn tình hay không.
Ông Phạm Chánh Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP. HCM (Ảnh: Giadinh.net.vn)
Bày tỏ lo lắng về những tác động của Covid-19 đến công tác dân số, ông Phạm Chánh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP. HCM cho rằng: “Số liệu thống kê về các ca mắc Covid-19 tại TP. HCM gần đây cho thấy, đại dịch này đang mang đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng và làm đảo lộn cuộc sống của người dân, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, có thể dẫn đến những tác động lâu dài đối với vấn đề dân số”.
Trên thế giới, kinh nghiệm cho thấy Covid-19 cũng đã làm lộ rõ sự bất bình đẳng và sự yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe của một quốc gia và giữa các quốc gia. Khủng hoảng này đã làm cho nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải phải thu hẹp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, vốn vẫn thường bị coi là không thiết yếu. Mặc dù các dịch vụ này là quyền cơ bản của con người, nhưng chúng đã bị bỏ qua vì những mối quan tâm cấp bách khác. Dưới áp lực kinh tế và cắt giảm ngân sách, có nguy cơ là nhiều quốc gia có thể sẽ không khôi phục lại những dịch vụ này.
Công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân các công ty, xí nghiệp đang được chú trọng
Riêng tại TP.HCM, hiện nay, tổng tỷ suất sinh là 1,53 con/phụ nữ (năm 2020), ở mức rất thấp so với mức sinh của cả nước là 2,09 con/phụ nữ và đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước; Chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) là 49,4%, cao hơn so với số liệu của cả nước là 48,8%.
Trong bối cảnh dịch bệnh, việc triển khai thực hiện công tác dân số còn gặp phải nhiều vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết.
Giải pháp chủ yếu trong triển khai thực hiện công tác dân số
Ngày Dân số Thế giới 11/7/2021 diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt khi TP.HCM đang triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, công tác dân số vẫn được thành phố chú trọng với nhiều nhiệm vụ đề ra:
- Đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái dựa trên nguyên tắc bình đẳng giới; hành động để bảo vệ quyền được quyết định sinh con và thời điểm sinh con; cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái.
- Nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số. Phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng cũng được đẩy mạnh
“Một xã hội phát triển và nhân văn là một xã hội mà ở đó phụ nữ có thể có đầy đủ thông tin để đưa ra lựa chọn của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, đặc biệt khi họ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho các lựa chọn của mình. Một người phụ nữ khi làm chủ được cơ thể của mình thì đồng thời cũng sẽ đạt được tiến bộ trong học tập, sức khỏe, thu nhập và an toàn. Người phụ nữ cũng như gia đình của mình sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn”, ông Phạm Chánh Trung chia sẻ khi nói về thông điệp chủ đề ngày Dân số Thế giới của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc..
Theo đó, TP. HCM đang triển khai nhiều giải pháp cho công tác dân số trong đó có thể kể đến như:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác Dân số và Phát triển.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số. Triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động Truyền thông - Giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng tác động.
- Hoàn thiện các chính sách khuyến khích trong lĩnh vực dân số phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.
- Xây dựng, hoàn thiện, điều chỉnh bổ sung các chính sách trong lĩnh vực dân số thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
- Đẩy mạnh thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, can thiệp, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh. Từng bước phát triển, lồng ghép các dịch vụ Tư vấn và Khám Sức khỏe trước khi kết hôn. Tiếp tục kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ Dân số và Sức khỏe sinh sản theo phân tuyến kỹ thuật. Tăng cường tiếp thị xã hội và xã hội hóa các dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số.
- Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Tăng mức đầu tư kinh phí của thành phố cho công tác dân số, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng.
- Vận hành và nâng cao chất lượng hoạt động của kho dữ liệu dân cư cấp thành phố, quận, huyện nhằm phục vụ tốt yêu cầu quản lý, điều hành chương trình, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ