Cựu chiến binh mang trong mình chất độc hóa học, 29 năm nuôi con tật nguyền
Cựu chiến binh Hoàng Đức Nhàn ở thôn 4, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh suốt 29 năm ròng rã một mình nuôi con tật nguyền với biết bao gian truân.
17 tuổi lên đường bảo vệ Tổ quốc
Trong ngôi nhà đơn sơ, vật dụng đáng giá duy nhất là chiếc tivi, ông Hoàng Đức Nhàn không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại những năm tháng dài vô tận tưởng chừng ông không thể vượt qua.
Ông Nhàn, một cựu chiến binh mang trong mình chất độc hóa học quái ác. Những năm tháng của cuộc đời ông trôi đi lặng lẽ trong nước mắt.
Nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ phục vụ trong quân ngũ, hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, ông Nhàn còn nhớ như in.
Ông kể lại: “Năm 17 tuổi, theo tiếng gọi của tổ quốc tôi đã hăng hái lên đường nhập vũ. Sức trẻ với khí thế hừng hực ra đi với canh cánh góp sức bảo vệ tổ quốc. Ngày 26/2/1975, có lệnh lên đường, tôi từ Mũi Ngọc (huyện Móng Cái) di chuyển sang Yên Tử (huyện Đông Triều) đóng quân ở tiểu đoàn 590 thuộc trung đoàn 5. Sau thời gian huấn luyện 3 tháng, tôi cùng đồng đội có lệnh điều động vào Phan Giang, Ninh Thuận để làm nhiệm vụ tiếp quản căn cứ không quân của Mỹ”.
Ông Nhàn bên túi thuốc mà ngày nào ông cũng phải uống để chống chọi với những di chứng của chất độc hóa học.
Tiếp nối bước chân của người anh trai cả cũng đã lên đường vào Nam bảo vệ tổ quốc. Chàng trai 17 tuổi thời ấy vào chiến trường với chí hướng duy nhất là vì độc lập dân tộc.
Nhiệm vụ của ông cùng đồng đội tại căn cứ không quân Phan Rang chủ yếu là bảo vệ kho vũ khí, vận chuyển đạn dược, khí tài tại căn cứ, bảo vệ phi trường bay…
“Ròng rã làm nhiệm vụ tại đây với 9 năm 6 tháng đến tháng 9/1981 thì tôi ra quân. Sau khi ra quân tôi trở về mảnh đất Vân Đồn cùng gia đình làm ăn kinh tế. Đến năm 28 tuổi mới lập gia đình riêng”, ông Nhàn chia sẻ.
29 năm một mình nuôi con tật nguyền
Ngỡ tưởng cuộc sống gia đình yên ấm nhưng cũng chính từ đây sóng gió liên tục ập đến. Gia đình hạnh phúc ngày nào chia ly chỉ trong vài năm.
Ông Nhàn nhậm ngùi tậm sự: “Lập gia đình được năm sau thì sinh cô con gái đầu lòng. Hai vợ chồng vỡ ào trong hạnh phúc, ngày ngày hai vợ chồng chăm bẵm nuôi con. Nhưng nuôi con mấy năm không thấy con biết ngồi, biết đi gì cả, chỉ nằm một chỗ, cơ thể con xuất hiện dị dạng, hai vợ chồng không rõ nguyên nhân do đâu. Đến 3 năm sau thì sinh tiếp cô con gái thứ hai nhưng sau nhiều năm nuôi con cũng không thấy con biết đi, cơ thể cũng bị dị dạng. Hai người con gái sinh ra có cơ thể giống nhau, cơ thể bị dị dạng, xương sống vạnh sang một bên, ngực nhô về phía trước…”
Hai vợ chồng ông Nhàn không biết nguyên nhân do đâu sinh con lại bị như thế. Hàng xóm láng giềng dị nghị, điều ra tiếng vào.
Bức ảnh người con gái thứ 2 của ông Nhàn bị dị tật.
“Điều kiện gia đình không có nên cũng không có tiền đưa con đi khám bác sĩ. Mãi về sau có đoàn cán bộ xã xuống thăm, họ nghi con mình bị di chứng chất độc hóa học. Cán bộ cũng hỏi thì mình cũng kể lại thời gian phục vụ trong quân ngũ, ai biết đâu mình lại bị nhiễm chất độc hóa học”, ông Nhàn kể tiếp.
Khi biết ông Nhàn bị nhiễm chất độc hóa học, người vợ cũng đã dứt áo ra đi bỏ lại ông cùng hai người con tật nguyền. Cũng chính từ đây ông Nhàn một thân một mình nuôi con.
Ông ngậm ngùi nói tiếp: “Để có tiền nuôi con, tôi phải làm đủ nghề từ việc đi rừng lấy củi bán cho đến việc đi biển, ai thuê gì thì mình làm. Hai người con cứ để ở nhà lăn lóc, đi làm về nhìn con chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Ròng rã suốt 29 năm một mình nuôi con”.
Những ngày ốm đau, không có ai chăm con, ông Nhàn cố gắng gượng dậy đi làm. Từ việc đi làm thuê cho đến việc chăm con một mình ông đều phải làm.
“Tôi phải chạy vạy các kiểu để có tiền nuôi con. Nhìn con người ta lành lặn mà mình không khỏi ngậm ngùi. Cũng tự nhủ với bản thân vì nghĩa vụ của tổ quốc giờ trở về di chứng chiến tranh để lại mình cũng phải can trường nuôi con. Người đàn ông một mình nuôi con vất vả đủ điều. Được vài năm thì người con gái lớn mất, giờ chỉ còn đứa con gái út”, ông Nhàn chia sẻ.
Ở cái tuổi 61 nhưng ông già hơn trước tuổi bỡi những tháng ngày cơ cực vất vả nuôi con. Kèm theo đó là những tai biến bệnh tật mà ông đang phải đối mặt.
Ngôi nhà nhỏ là nơi đã chứng kiến bao biến cố của cuộc đời ông Nhàn
Nói đến việc chi tiêu hằng ngày ông Nhàn ngậm ngùi: “Tiền nhà nước hỗ trợ hàng tháng riêng mình tôi chỉ có 1 triệu 8 trăm. Tuổi đã cao, sức yếu không thể lao động thêm chỉ trông cậy vào số tiền ít ỏi của nhà nước. Ăn uống cực kỳ tằn tiện, chi ly. Không có tiền nuôi con cũng đành phải gửi con lên trung nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tàn tật ở TP Uông Bí. Tháng nào cũng phải tích cóp tiền lên thăm con, nhớ con, thương con lại bắt xe lên với con”.
Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, ông Nhàn không khỏi khổ tâm khi nhắc đến hai người con tật nguyền do di chứng chiến tranh gây ra. Bằng ý chí kiên cường của người lính đã giúp ông vượt lên bao sóng gió của cuộc đời dù có gian truân đến mấy. Trong thâm tâm của ông cũng chỉ biết mong mỏi một cuộc sống bình an, mạnh khỏe để đi tiếp những ngày tháng còn lại của cuộc đời.
-> Cựu chiến binh 11 năm miệt mài đạp xe đi sưu tầm ảnh Bác Hồ
Toàn cảnh vụ 2 PV bị hành hung, dọa cắt gân khi tác nghiệp tại Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Mai Linh