Công bố kết quả xét nghiệm nước sông Đà: Tất cả đều đạt chuẩn styren
Tất cả các mẫu nước ở nhà máy, bể chứa trung gian, trạm điều tiết... được đưa vào phân tích đều có kết quả đã đạt chuẩn về styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Theo đó, ngày 18/10, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy mẫu nước tại các vị trí theo hệ thống cung cấp và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam phân tích mẫu nước.
Kết quả kiểm tra chất lượng nước tại nhà máy, bể chứa, trạm điều tiết, lấy 4 mẫu nước của nhà máy nước Sông Đà tại các vị trí: Mẫu nước thành phẩm tại nhà máy; Bể chứa trung gian tại xã Bình Yên, Thạch Thất; Trạm điều tiết Tây Mỗ; Họng 1.200 Big C; Xét nghiệm chỉ tiêu styren theo QCVN 01:2009/BYT.
Nguồn nước ô nhiễm chảy vào kênh dẫn nước nhà máy sông Đà ngày 16/10. Ảnh: VnExpress
Kết quả 4/4 mẫu đạt quy chuẩn về styren theo QCVN 01:2009/BYT (kết quả của Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cung cấp, TT Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy và chuyển mẫu).
Cùng với đó 15 mẫu nước tại các hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của Công ty nước sạch Sông Đà thuộc 5 quận huyện gồm quận Thanh Xuân (phường Phương Liệt, Thanh Xuân Trung), quận Hoàng Mai (phường Đại Kim), quận Cầu Giấy (phường Mai Dịch, Trung Hòa), quận Nam Từ Liêm (phường Mễ Trì, Đại Mỗ) và huyện Hoài Đức (xã Di Trạch, Vân Côn) cũng được lấy xét nghiệm.
Kết quả 15/15 mẫu đạt chuẩn về styren theo QCVN 01:2009/BY.
Trước đó, kết quả xét nghiệm mẫu nước ngày 14/10 cho thấy 107/107 chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Vì thế, ngày 17/10, Nhà máy nước Sông Đà đã cấp nước trở lại song các chuyên gia khuyến cáo nước chỉ sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Thành phố cung cấp nguồn nước khác để phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sẽ tiếp tục lấy mẫu, xét nghiệm chất lượng nguồn nước và sẽ có thông báo khi nguồn nước đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho mục đích ăn uống.
Đêm 8/10, đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài - nơi chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Ngày 10/10, người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước có mùi khét. Nhà chức trách vào cuộc và thông báo nước sinh hoạt ở khu vực này bị nhiễm chất Styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép.
Tổng số khách hàng trên địa bàn Hà Nội sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà khoảng 250.000 hộ. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng chưa cung cấp số lượng các hộ chịu ảnh hưởng từ sự cố nước sạch lần này.
Sau khi đoàn liên ngành gồm Sở Xây dựng, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra và có kết quả giám định xác định mùi “khét” có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra.
Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo, trong thời gian trước mắt, khi Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà chưa sục xả, thau được toàn bộ hệ thống nước tại các bể của gia đình, khu chung cư, các bể tăng áp, mọi người dân có sử dụng nước thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống.
-> 2 nghi phạm đổ chất bẩn làm ô nhiễm nước sông Đà khai gì?