Con trai Công tử Bạc Liêu: Ba tôi mua máy bay không phải để chơi
“Khi ba tôi mua máy bay, có nhiều người không hiểu, quở ba tôi chơi ngông, sắm máy bay để khoe của”, ông Trần Trinh Đức nói.
Khu di tich Công tử Bạc Liêu (Ảnh: Xuân Hải)
Con trai Công tử Bạc Liêu: Ba tôi có máy bay sau Vua Bảo Đại
Cầm trên tay xấp ảnh chụp những người thân trong gia đình, ông Trần Trinh Đức (68 tuổi), con trai thứ 3 của ông Trần Trinh Huy – Công tử Bạc Liêu hào hứng giới thiệu cho khách đến tham quan khu di tích Công tử Bạc Liêu - Nhà hàng khách sạn Công tử Bạc Liêu, ở 15 Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu, về từng tấm ảnh về phụ thân mình được chụp vào thời điểm nào.
Mái tóc vuốt cao, ăn vận gọn gàng, giầy tây, khoác thêm chiếc áo nhiều túi loại ký giả thường mặc khiến ông Đức không giấu được vẻ công tử, con cái của giới thượng lưu, con của gia đình nổi tiếng giàu nhất xứ Lục Tỉnh Nam Kỳ những năm 1930.
Ngồi bên đoàn khách đến tham quan khu di tích, giọng ông Đức vang lên trầm ấm: “Tôi trần Trinh Đức xin hân hạnh được nói sơ lược về cuộc đời của ba tôi, ông Trần Trinh Huy hay còn gọi là Công tử Bạc Liêu. Ông sinh năm 1900 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu trong một gia đình gồm 7 anh chị em, trong đó có 3 nam và 4 nữ. Ông bà nội tôi tức thân sinh của ông là Trần Trinh Trạch và bà Phan Thị Mùi...”
Khi kể về ba ông – Công tử Bạc Liêu, ông Đức nói rất say sưa, giọng lúc lúc bổng, ông kể tiếp: Thời Pháp thuộc, sau khi học xong và thi lấy bằng thành chung, ba ông xin gia đình đi Tây du học để học hỏi và hiểu biết nền văn minh xứ người, ba ông để tâm nghiên cứu về nghề nông.
Ông Trần Trinh Đức, con trai thứ 3 của Công tử Bạc Liêu (Ảnh: Xuân Hải)
“Khi ở bên Tây ba tôi thường xuyên lui tới chơi và làm quen với các chủ đồn điền nên biết cách làm ruộng, làm vườn của họ. Cái gì họ cũng làm bằng máy, cày xới có máy cày, cày nông, sâu đều được, đến gặt, đập học cũng có máy gặt, đập. Năm nào có nạn sâu rầy phá lúa họ xịt thuốc sát trùng bằng máy bay, do vậy ba tôi đã đi học thêm lấy bằng lái máy bay tại Pari. Khi ba tôi mua máy bay, có nhiều người không hiểu, quở ba tôi chơi ngông, sắm máy bay để khoe của nhưng họ không hiểu hết ý của ba tôi”, ông Đức kể lại.
Vốn đã được đọc qua sách về nghề nông, cộng với gia sản của gia đình hơn 100 ngàn mẫu ruộng, trải dài
khắp Lục Tỉnh Nam Kỳ. Nếu gặp phải thiên tai hay như nạn cào cào, châu chấu đến hoành hành, châu chấu kéo đến như đám mây, đáp xuống đâu thì chỉ trong nháy mắt những cánh đồng lúa đều cụt lủn. Cho nên chỉ có máy bay xịt thuốc sát trùng mới nghênh chiến kịp thời nạn châu chấu này. Do đó, ba ông đã học hỏi và áp dụng những phát minh, sáng chế của xứ người mà về canh tác nghề nông nước nhà. Và ba ông – Công tử Bạc Liêu đã sắm máy bay từ thời điểm đó, khoảng thập niên 30 của thế kỷ 20, từ những năm 1930.
“Khi ba tôi mua máy bay, thời điểm đó ở Việt Nam chỉ có Vua Bảo Đại và ba tôi có máy bay. Và ba tôi trong suốt cuộc đời ông không bao giờ làm tay sai cho Pháp”, ông Đức tự hào nói.
Về gia đình, Công tử Bạc Liêu có 4 người vợ chính thức. Người vợ đầu tiên là bà Ngô Thị Đen ở với ông chỉ có 1 người con là cô Trần Thị Lưỡng. Còn 3 người vợ kế tiếp có tất cả với ba ông 8 người con, đó là Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức, Hoàng, Toàn, Trinh, Nữ. Riêng người vợ đầm ở bên Tây thời điểm ba ông đi du học đã sinh một người con trai.
Cuối năm 1947, Công tử Bạc Liêu lên Sài Gòn, ở tại địa chỉ số 117 Nguyễn Du, quận 1 đối diện với vườn ông Thượng, bây giờ được gọi là công viên Tao Đàn. Đến ngày 13/1/1974, ông Trần Trinh Huy – Công tử Bạc Liêu mất tại tư gia, biệt thự số 26/6 đường Nhất Linh nay là đường Nguyễn Huy Tưởng, phường 6, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Ông Đức kể, linh cữu của Công tử Bạc Liêu được an táng tại phần mộ chung của gia đình Trần Trinh ở Cái Dầy, thị xã Bạc Liêu sau khi đã ghé thăm và dừng lại khoảng 1 giờ trước nhà, nơi ông sinh ra và sống 1 thời vàng son. Ngôi nhà đó nay là Khu di tích Công tử Bạc Liêu, 15 Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu.
“Giai thoại về ba tôi được không ít nhà văn viết thành sách với 1 chuỗi những câu chuyện vui nhiều hơn buồn, sự thật cũng có, hư cấu cũng có. Riêng tôi, là con tôi rất tự hào về ông. Theo tôi, ông rất xứng đáng với câu thành ngữ mà dân gian thường nói “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, ông Đức nhấn mạnh.
Xuân Hải