Cơn "khủng hoảng sex" trong hôn nhân
Khủng hoảng sex hay hôn nhân phẳng là khi vợ chồng không còn quan tâm tới nhau, không muốn bỏ nhau, không ai có người thứ ba nhưng khoảng cách giữa hai người ngày càng xa.
Chưa đầy 30 tuổi, sau 2 năm kết hôn, vợ chồng Hòa (Tây Hồ, Hà Nội) cả tháng mới gần nhau 3-4 lần trong im lặng và mệt mỏi, không ai hào hứng gì.
Hòa cho biết, hằng ngày vợ chồng cô việc ai người nấy làm, không quan tâm đến việc của người kia, không gọi hay nhắn tin gì cho nhau, tối về ăn chung bữa cơm rồi vợ chơi với con, chồng chúi đầu vào máy tính. Sau đó, vợ cho con đi ngủ, chồng khuya mới vào, chẳng ai đụng tới ai. Thi thoảng lắm "chuyện ấy" mới diễn ra trong im lặng, nhạt nhẽo, như một thủ tục cần làm để nhắc nhở hai người vẫn là vợ chồng. "Mới cưới 2 năm đã thế này, không hiểu có sống nổi với nhau tới đầu bạc răng long như hẹn ước thủa yêu đương không", người phụ nữ 29 tuổi bộc bạch.
Hòa kể, vợ chồng cô từng có khoảng thời gian rất hạnh phúc. Hai người đến với nhau bằng tình yêu chân thành, ngọt ngào và kết thúc bằng một đám cưới lãng mạn. Công việc ổn định, đã có nhà riêng, vợ chồng Hòa không phải chịu áp lực về cơm áo gạo tiền. Anh xã Hòa là người tốt tính, yêu vợ, chiều con, sau giờ làm là về nhà, cùng vợ dọn dẹp, nấu nướng, tiền lương giao hết cho vợ.
"Nói ra có khi nhiều người mắng tôi là rửng mỡ, sướng quá hóa đòi hỏi quá đáng. Nhưng thực sự, thời gian này, tôi thấy cuộc sống vợ chồng không có gì vui. Hai đứa ít khi trò chuyện với nhau, nếu có nói thì gắt nhau vì những chuyện cỏn con như chồng đi vệ sinh làm bẩn bồn cầu, quần áo bẩn vứt lung tung...", Hòa chia sẻ.
Bà mẹ trẻ cho hay, đời sống chăn gối của vợ chồng cô cũng nguội lạnh. Nếu thời còn yêu hay mới cưới, cả hai luôn khao khát và lúc nào cũng muốn gần gũi thì giờ đây, cả tần suất sinh hoạt lẫn cảm xúc mỗi lần ân ái đều tụt. "Tôi thích ngủ hay đọc sách, xem phim còn hơn 'yêu' chồng, ông xã thì hờ hững, có cũng được, không chẳng sao", Hòa nói.
Ảnh minh họa
Theo thạc sĩ tâm lý, bác sĩ Nguyễn Lan Hải, câu chuyện của vợ chồng Hòa là điển hình cho tình trạng hôn nhân phẳng hay được gọi là "cơn khủng hoảng sex" - thường gặp ở những cặp có mối quan hệ vững chắc, sau khi kết hôn khoảng 2 năm. Những cặp này có cuộc sống gia đình nhìn bên ngoài khá viên mãn, không có điều gì phải lo nghĩ, nhưng chính sự nhàn ấy kéo theo sự nhạt. Họ bão hòa cảm xúc, không còn thấy sự hấp dẫn ở đối phương, không muốn chinh phục nữa.
Bác sĩ Lan Hải cho hay, sau 24 tháng chung sống, thường nồng độ oxytocin - hoóc môn tình yêu ở cả nam và nữ - đều giảm, kết hợp với việc có thể người phụ nữ có thai hay cho con bú nên lượng estrogen thấp, dẫn tới việc giảm khao khát về tình dục. Hơn nữa, như một nghịch lý nhưng lại là quy luật, khi ở giai đoạn êm đẹp nhất, ổn định nhất của hôn nhân, người ta lại có sự bão hòa về ham muốn, nhàm chán về cảm xúc dành cho nhau.
"Cũng như một món ngon ăn mãi cũng nhàm, một mùi hương ngửi mãi cũng chán hay một đứa trẻ nhỏ lần đầu được cho kẹo sẽ vô cùng sung sướng và biết ơn nhưng sau đó, khi đã quen rồi, nhận kẹo trẻ sẽ thấy bình thường, thậm chí nếu không được cho trẻ sẽ bực bội, cáu kỉnh", bà Lan Hải chia sẻ.
Ở các đôi ở giai đoạn đầu hôn nhân, sau thời gian yêu đương nồng cháy và nhìn thấy hình ảnh long lanh về nhau, kết hôn rồi, họ phải đối diện với cơm áo gạo tiền, và kể cả những đôi ổn định về kinh tế nhất, cũng không tránh được việc này. Điều đó khiến họ không còn bay bổng như thời còn tán tỉnh. 2 năm sau cưới cũng trùng với thời điểm nhiều chị em có bầu, nuôi con nhỏ, có sự thay đổi về nội tiết, cảm giác mệt mỏi, lo lắng cộng dồn ảnh hưởng tới cảm xúc dành cho bạn đời.
Hơn nữa, cưới xong, họ sẽ phải chứng kiến những cảnh không muốn thấy về "nửa kia" như quần đùi xộc xệch, ngáp dài không thèm che miệng, ngủ chảy dãi, xì hơi, đi vệ sinh không đóng cửa... Cuộc tình nào càng chắc chắn, ổn định càng dễ nhạt, khi hai người không có gì phải cố gắng vun vén, vượt qua trở ngại. Có nhiều cặp vô tình vượt qua giai đoạn nhạy cảm 2 năm sau hôn nhân nhờ gặp các yếu tố tưởng như trở ngại như: công việc khó khăn cần phải phấn đấu, có các việc phát sinh như đổi chỗ làm, mở công ty riêng, chậm có con nên cần chạy chữa...
Theo nhà tâm lý, ngoài giai đoạn hai năm sau hôn nhân, những cặp vợ chồng trung niên 35-40 tuổi cũng dễ gặp cơn khủng hoảng kiểu này. Khi đó, họ có nghề nghiệp ổn định, con cái đã lớn, kinh tế tạm ổn, mỗi người tập trung vào việc làm giàu và các mối quan hệ xã hội, những dấu hiệu lão hóa bắt đầu đến...
Trường hợp vợ chồng anh Tùng (Ba Đình, Hà Nội) là một điển hình. Anh Tùng cho biết, vợ chồng anh đã kết hôn được gần chục năm, có hai con, kinh tế ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh và bà xã như hai người chung phòng, chẳng có sự quan tâm dành cho nhau.
"Tuần trước tôi đi công tác, gọi điện về, vợ mở máy rồi gọi hai đứa con ra nói chuyện với ba. Khi tôi về, cô ấy cũng hờ hững, chẳng hỏi han gì nhiều. Sự nhớ nhung, vồ vập giờ không tồn tại giữa chúng tôi", anh Tùng chia sẻ.
Anh cho biết, khi đi làm về muộn, đi công tác, đi nhậu, nếu anh không gọi về, vợ cũng mặc kệ, chẳng như xưa, liên tục nhắn, gọi giục về hay hỏi đang ở đâu, với ai... "Chuyện ấy" thì lâu lắm mới có một lần, diễn ra nhanh chóng, trong im lặng, như chỉ để xong việc. Những cái vuốt ve, đụng chạm, ánh nhìn trìu mến dành cho nhau hầu như không còn.
"Cả hai chúng tôi vẫn vun vén cho gia đình, chăm sóc con, mua sắm vật dụng trong nhà và biết chắc không ai ngoại tình, nhưng tình cảm cứ nhạt nhẽo", anh Tùng nói.
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Lan Hải, ở những cặp trung niên, thời gian chung sống với nhau khá lâu, họ có chung nhiều quyền lợi, chung con cái và cả các thói quen. Khủng hoảng sex hay hôn nhân phẳng là khi vợ chồng không còn quan tâm tới nhau, không muốn bỏ nhau, không ai có người thứ ba nhưng khoảng cách giữa hai người ngày càng xa. Thời điểm này, cơ thể người phụ nữ xuống cấp, một số chị em không biết làm đẹp đúng cách, bất mãn trong mối quan hệ với nhà chồng hay các đấng mày râu vô tâm, vô trách nhiệm với vợ con, ham mê nhậu nhẹt... cũng là yếu tố cộng thêm vào khủng hoảng.
Theo bà, chìa khóa để vượt qua những giai đoạn đặc biệt trong hôn nhân chính là sự hiểu biết của cả vợ và chồng, thái độ thiện chí muốn cải thiện tình trạng, sẵn sàng làm mới bản thân và thêm gia vị vào đời sống lứa đôi.
"Đàn ông thích một người phụ nữ có gương mặt tươi cười. Đàn bà thích một người đàn ông có đôi tai biết lắng nghe. Người phụ nữ thông minh biết cách khiến người đàn ông cảm thấy mình là người chinh phục và giúp họ tự tin vào bản thân. Người đàn ông thông minh sẽ khiến nửa kia luôn cảm thấy được yêu và ngưỡng mộ. Khi đã là vợ chồng những điều này vẫn luôn đúng", nhà tâm lý chia sẻ.
Nhiều cặp vợ chồng hiện đại không biết đến quy luật "hôn nhân phẳng" này nên dễ rơi vào khủng hoảng, cố gắng truy tìm nguyên nhân, gây hục hặc với nhau... Nếu nhận biết các giai đoạn nhạy cảm này, hiểu rằng trên con đường chung của đôi lứa có những khúc ngoặt, vợ chồng sẽ dễ dàng đương đầu và xử trí hơn.
Vì vậy, trước khi kết hôn, các đôi cần phải học làm vợ, làm chồng, tìm hiểu kiến thức để biết hôn nhân có những giai đoạn nào và cần làm gì để vượt qua, để hiểu về bạn đời, về vai trò của mình trong gia đình và cách vun đắp hạnh phúc mỗi ngày, vượt qua những sóng gió bên ngoài hay sóng ngầm bên trong.
*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi