Thứ năm, 16/05/2024 23:32
|
Hà nội 21*C/61%
Chủ nhật, 22/10/2017 08:30

Chuyện tình cảm động và bức họa “Đêm yên tĩnh”

Nghe tin bức tranh “Đêm yên tĩnh” của mình đoạt giải trong một cuộc triển lãm quốc tế, tôi vừa xúc động, vừa cảm thấy bàng hoàng khi nhớ lại những kỷ niệm với Sông Hương.

Sông Hương là bút danh của bạn tôi, một nữ họa sỹ tài năng sinh ra trong thời chiến. Cô ấy không còn nữa, nhưng những kỷ niệm giữa chúng tôi vẫn như sống mãi. Trong thời ấy, khi chúng tôi gần với bom đạn hơn cả bữa cơm, tôi thường nghĩ, ngay cả khi mình không còn gì, thì vẫn còn Sông Hương.

Hồi ấy, năm 1967, đơn vị của tôi và Sông Hương đóng quân ở vùng “Tam Giác Sắt” ở phía tây bắc Sài Gòn, ngay phần tiếp giáp với sông Sài Gòn ở cạnh tây nam. Đó là năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi ấy ở khu vực này rất phức tạp, nhiều đơn vị lớn của cả quân đội miền Nam và tiếp viện của miền Bắc đều tập trung ở đây.

2_600x418

Sông Hương cứ khóc mãi, vì cô ấy có người yêu đang ở ngoài Bắc, cô ấy sợ anh không còn yêu cô khi cô bị cụt chân

Vào 8 giờ sáng ngày 8 tháng 1, 60 trực thăng “Huey” UH-1 của Mỹ đã khai hỏa trên làng Bến Súc. Quân ta phải rút khỏi khu vực này. Sông Hương bị thương nặng phải chuyển về trạm y tế. Bị cắt cụt mất hai chân từ đầu gối. Tôi bị thương phải cắt cụt từ cổ tay bên trái, nhưng tinh thần tôi bị chấn động mạnh khi nhớ lại cảnh tượng Sông Hương vùng vẫy đau đớn trên đống bùn lầy khi trúng bom Mỹ.

Chúng tôi được đưa đến một bệnh viện dã chiến trong rừng chờ chuyến di chuyển thương binh ra Bắc. Trong suốt thời gian đó, Sông Hương lúc tỉnh lúc mê, thường là sốt miên man. Lúc ngồi được dậy, cô ấy tranh thủ vẽ.

Sông Hương có làn da trắng dù cô lăn lộn dưới cái nắng của rừng và những ngày tháng lấm lem bùn đất khi hành quân. Mỗi khi cô vẽ, mái tóc dài thường được vắt sang một bên vai, khuôn mặt nghiêng nghiêng trắng muốt nổi bật trên nền tóc đen. Thỉnh thoảng cô ngẩng đầu lên nhìn qua cửa sổ, khẽ chớp mắt thật chậm. Chắc cô muốn bay ra khỏi khung cửa ấy hoặc là cô có thể mọc cánh thay cho đôi chân đã mất.

Sông Hương thường nói: “Tao cụt hai chân rồi, sẽ chẳng lấy được chồng dâu”. Tôi vừa khóc vừa nói: “Giữ được mạng sống là may rồi, lo gì chuyện lấy chồng”. Nhưng Sông Hương cứ khóc mãi, vì cô ấy có người yêu đang ở ngoài Bắc, cô ấy sợ anh không còn yêu cô khi cô bị cụt chân. “Anh Thanh sẽ bỏ tao, tao thà chết còn hơn”.

Những nét vẽ ngày càng trở nên u ám, liêu trai như thể nó mang cả bóng đen từ suy nghĩ của Sông Hương ám vào bức vẽ. Nhưng trong đó vẫn chứa đựng những khao khát mơ hồ, như một phần thao thức còn sót lại cứ vùng vẫy trong đống tro tàn.

Trong bom đạn vẫn có một cô gái si tình như Sông Hương, chẳng khác nào bông hoa nở trong cơn bão tố, tình yêu ấy như mặt trời cố len lỏi qua cơn giông để nâng những cánh hoa đừng đổ gục xuống vậy. Cả tôi và Sông Hương, dù chẳng nói ra nhưng đều không hy vọng cô ấy sẽ gặp lại Thanh. Thế nhưng không hiểu vì sao, vài tháng sau, Thanh xuất hiện ở bệnh viện dã chiến vào một buổi tối.

Thanh đứng lặng đi nhìn Sông Hương. Sông Hương thì bật khóc, không nói gì. Rồi họ ôm chầm lấy nhau, cùng khóc. Mái tóc rối bù của Sông Hương được bàn tay Thanh cứ thế vuốt xuôi xuống vô tận trong cái ôm tựa hồ như biến họ thành tượng đá. Mấy ngày Thanh lưu lại ở đó, Sông Hương ngày nào cũng bắt Thanh ngồi để vẽ chân dung. Cô bảo, trước khi chết, chỉ muốn lưu giữ thật nhiều hình ảnh của người yêu.

Họ vẽ nhau trong đêm, trong cái leo lắt mờ tối của ánh đèn. Còn tôi, tôi ở bên ngoài nhìn qua cửa sổ và trộm vẽ họ. Tôi đặt cho bức tranh của mình cái tên đơn giản: “Đêm yên tĩnh”. Trong bức tranh là mái đầu nghiêng nghiêng của Sông Hương đang cắm cúi trên bức vẽ, còn Thanh thì ngồi bất động phía trước cô. Hình ảnh đó rất yên tĩnh, dường như không còn tiếng bom đạn râm ran khắp nơi.

Khi Thanh quay ra Bắc, Sông Hương có vẻ đã hồi phục phần nào. Cô không còn sốt nữa và có thể dùng nạng để di chuyển được một chút. Sau đó, chúng tôi được chuyển ra Bắc. Tôi tiếp tục tham gia vào các đơn vị dự bị ở ngoài Bắc, đi khắp nơi. Trong ba lô của tôi lúc nào cũng có cuốn sổ vẽ. Tôi đi và vẽ ở bất cứ đâu.

Ngày Sông Hương và Thanh cưới nhau, tôi không về dự được. Sau này, tôi về thăm cô ấy một lần. Sông Hương tâm sự với tôi, Thanh rất yêu cô ấy nhưng trái tim cô không lúc nào bình yên nữa. Vì cô mà Thanh phải chịu khổ. Sông Hương còn bảo, giá như lúc ấy cô chết ở ngoài chiến trường vẫn hơn.

Khi hết chiến tranh, tôi đã vẽ lại bức “Đêm yên tĩnh” bằng sơn dầu và định bụng sẽ mang tặng vợ chồng Sông Hương. Nhưng không còn kịp nữa vì Sông Hương đã ra đi. Biến chứng của vết thương ngày nào đã cướp cô ấy khỏi cuộc sống đầy dằn vặt trăn trở.

1_600x479

Bức “Đêm yên tĩnh” - ảnh minh họa

Tôi giữ lại bức tranh, lồng khung kính và treo nó ở phòng khách trong nhà. Càng về già tôi lại càng thích ngắm nhìn những bức tranh của mình vẽ trong thời chiến rồi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa ấy. Tôi nhớ Sông Hương, tôi nhớ Thanh, nhớ cảnh họ ngồi vẽ nhau trong đêm. Tôi nhận ra bóng đêm dù có đen đặc đến đâu cũng không thể che phủ họ. Họ giống như hai chiếc đèn dầu sáng lên trong đêm tối, bóng của chúng lan tỏa vào nhau thật ấm áp.

Tôi nhớ có lần tôi bị đau bụng dữ dội nhưng lán trại lại ở trên đồi, cách xa trạm y tế. Sông Hương cẩn thận có đem vài thứ thuốc thông thường, tôi ôm bụng quằn quại, Sông Hương xoa bóp, bôi dầu, động viên tôi. Qua cửa sổ nhìn ngoài trời thấy lùm cây dưới ánh trăng vẫn loang loáng pháo sáng. Tôi vừa đau vừa sợ, nhưng có Sông Hương bên cạnh cũng đỡ, chúng tôi chỉ còn biết ôm nhau chờ trời sáng. Tôi ngủ thiếp đi. Hóa ra cả đêm hôm đó tôi nằm trên đùi Sông Hương, cô ấy xoa bụng cho tôi đến sáng. Cô ấy không ngủ cho đến khi cơn đau của tôi qua đi.

Giờ thì Sông Hương không còn nữa. Cô ấy đã dành những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân để cầm súng, thay vì cầm cọ vẽ. Cuộc đời chưa bao giờ được bình yên, ngay cả khi cô ấy có được một tình yêu đẹp nhất. Có lẽ, những đêm khi Thanh vào thăm, cô ngồi trên giường vẽ chân dung anh trong đêm tối, chính là quãng thời gian yên tĩnh nhất của cô.

Khi nghe tin bức tranh đoạt giải, cả đêm hôm ấy tôi ngủ chập chờn và mơ thấy Sông Hương. Tôi thấy cô ấy không cần dùng đến đôi chân của mình nữa, cô ấy có đôi cánh và bay lên trên bầu trời đêm đầy sao. Đêm ấy, có một ngọn gió đi qua, nhấc bổng cô lên bằng đôi cánh của gió…

Diệp Anh  
Tags:
Tình phí hẹn hò: 'Cưa đôi' hay bạn trai trả?
Báo động học sinh tự tử: Chuyên gia chỉ dấu hiệu cha mẹ cần quan tâm, giám sát con
Chia tay mối tình 3 năm vì sợ con sau này... “nấm lùn”
'Kỳ phùng địch thủ' trên sân nhưng Messi và Ronaldo lại chung cách dạy con
'Chết sững” khi đọc mẩu giấy vụn trong phòng con trai
Nhiều người cấm con đọc truyện tranh nhưng không hay biết 9 điều đặc biệt
Vì sao nhà giàu thích chơi tranh?
8 sai lầm trong giao tiếp 'hủy hoại' một mối quan hệ
4 thứ tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn rủi ro cho trẻ nhỏ
Quay 'cảnh nóng' làm kỷ niệm: 'Quả bom nổ chậm' cho thiên hạ mỉa mai
Cặp đôi Việt - Nhật chia sẻ bí quyết tương hợp
10 đặc điểm tính cách hiếm có của những đứa trẻ sinh tháng 5
Đánh ghen, quay clip tung lên mạng: Phút bốc đồng biến mình thành 'kẻ khờ'
Cho trẻ học bơi ở độ tuổi nào?
'Nỗi khổ' vợ xinh đẹp, giỏi kiếm tiền
7 nguyên tắc 'vàng' giúp cuộc hôn nhân trở nên viên mãn
8 dấu hiệu lừa dối trong một mối quan hệ
“Chữa lành” sau cú sốc chồng đòi ly hôn, hai con không muốn ở với mẹ
5 lý do đàn ông ngoại tình không ly hôn để cưới “tiểu tam”
Bí mật kinh hoàng trong phòng ngủ của con gái 17 tuổi
Xem thêm