Chuyên gia 'bày' cách phòng bệnh mùa hè cho trẻ
Các bác sĩ đầu ngành đã chia sẻ những phương pháp khoa học để cha mẹ chăm con khi vào hè.
Mùa hè là thời điểm dễ phát sinh rất nhiều loại bệnh cho trẻ như: sởi, tay chân miệng, tiêu chảy, say nắng,... Cách phòng bệnh cho con trong mùa hè là điều rất quan trọng và là nỗi lo của không ít phụ huynh. Trên các diễn đàn mạng, các bác sĩ chuyên khoa Nhi cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về cách phòng bệnh và chăm sóc con trẻ trong ngày hè.
Theo bác sĩ Mạnh Hùng - bác sĩ bệnh viện Nhi: Đối với bệnh say nắng, cần đưa trẻ vào chỗ mát và cởi quần áo ngoài, dùng nước ấm lau toàn thân và đắp khăn mát lên trán trẻ. Không nên tìm mọi cách hạ nhiệt nhanh cho trẻ bằng nước lạnh, nước đá vì khi da gặp lạnh, các lỗ chân lông thu hẹp lại sẽ khó tản nhiệt. Nếu trẻ vẫn còn tỉnh táo, bạn có thể cho trẻ uống một ly nước chanh đường hoặc cam tươi. Nếu thân nhiệt trẻ vẫn sốt cao, cần đưa ngay trẻ đến trung tâm y tế để tránh bị co giật.
Các trò chơi vận động cũng như thời tiết nắng nóng khiến trẻ dễ đổ mồ hôi, nên phải tắm rửa thường xuyên để giữ vệ sinh thân thể. Nên tắm nước ấm vừa phải. Không tắm ngay khi vừa đi nắng về, khi đang đổ mồ hôi.
Đối với bệnh hô hấp, đường tiêu hóa, phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước.
Khi trẻ đi phân lỏng hơn 3 lần/ngày thì cần bù nước và ion bằng cách uống Oresol. Nếu không có Oresol thì thay bằng nước muối đường, nước cháo muối...
Nếu bệnh không giảm trong vòng 3 ngày hoặc có kèm theo: Ói mửa nhiều, sốt cao, khát nước nhiều, ăn uống kém, có máu trong phân (phân đen)... thì cần đưa đến bác sĩ ngay.
Tuyệt đối không lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ, bởi việc uống thuốc tuỳ tiện sẽ gây nhiều tai biến nguy hiểm trước mắt cũng như lâu dài.
Đối với mụn nhọt, phải thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và gội đầu cho trẻ. Tránh cho trẻ nghịch đất, cát bẩn. Cho trẻ uống thật nhiều nước rau quả. Không tự ý nặn hoặc bôi thuốc lên mụn vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Duy Tiên chia sẻ: Khi trẻ bị sốt, nếu trên 380C thì nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay, không nên để thân nhiệt tăng lên quá cao (hiện một số cha mẹ vẫn đợi bác sĩ khám rồi mới cho trẻ uống thuốc hạ sốt là không đúng) và sau đó đưa trẻ đến bệnh viện khám. Thuốc hạ sốt thường dùng cho trẻ là Cetamol (uống viên 100mg cho trẻ cân nặng 10kg, trẻ 15kg uống nửa viên 325mg), có thể mua để sẵn ở nhà. Đồng thời cho trẻ uống đủ nước.
Khi trẻ bị ho - sổ mũi, ói và tiêu chảy có thể giảm ho bằng những loại thuốc nhẹ và dịu như Pecton hoặc Astex (ít độc). Nếu không có sẵn thuốc thì có thể dùng rau tần dày lá hoặc tắc chưng đường phèn cho trẻ uống. Trẻ bị sổ mũi thì nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (có bán sẵn ở nhà thuốc tây), thông thoáng đường thở cho bé bằng cách dùng tăm bông ngoáy mũi.
Ngoài ra, Để tránh trẻ bị ói khi ăn, cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần; không nên uống nhiều, ăn nhiều trong một lúc (trẻ 10kg trong một giờ chỉ nên ăn uống tối đa khoảng 100cc). Để tránh trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên chú ý giữ gìn vệ sinh ăn uống và vệ sinh cá nhân cho trẻ. nếu trẻ bị tiêu chảy nên bù nước cho đủ. Ngoài nước mát do nắng nóng kể trên, nên bù nước cho trẻ bằng việc cho uống thêm nước có pha oresol (có hướng dẫn sử dụng sẵn trên bao gói).
Còn bác sĩ Hồng Ngọc đưa ra lời khuyên: Các mẹ nên tắm gội hàng ngày tránh để trẻ ngứa ngáy, khó chịu do bụi bặm, mồ hôi ứ đọng, năng thay quần áo mỗi khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi nhất là những trẻ hiếu động để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm; cũng không để trẻ gãi hay ‘giết’ rôm (sẩy) để tránh làm tổn thương da, nhiễm trùng.
Trẻ cũng cần uống đủ nước khi làm việc hay đi học trong những ngày nắng nóng; nhớ đội nón, đội mũ rộng vành… để không bị say nắng. Không để quạt điện xối thẳng vào người, nhất là trẻ nhỏ vì trẻ dễ bị cảm lạnh, càng không nên bật quạt, đi nằm sau khi vừa tắm xong. Do vậy, để phòng bệnh mùa hè chúng ta phải làm tốt công vệ sinh sạch sẽ nơi ở, ăn chín uống sôi, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè là cách tốt nhất để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đường ruột, trong đó có một tỷ lệ đáng kể viêm não mà thủ phạm là virut đường ruột (như Enterovirut, ECHO, Coxackie…).
An Nguyên (tổng hợp)