Chùa Bồ Đề: Lịch sử và những cáo buộc khủng khiếp
Chùa Bồ Đề là nơi nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Tuy nhiên, gần đây báo Phụ Nữ TP HCM đăng bài cáo buộc chùa là kênh trung gian buôn bán trẻ em làm dư luận hoang mang.
1. Lịch sử ra đời chùa Bồ Đề
Chùa Bồ Đề tên chữ là Thiên Sơn tự nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng. Chùa xưa được kiến tạo vào cuối đời nhà Trần (khoảng 1427) trên gò đất cao nên gọi là Núi Trời, nhờ vậy có tên chữ là Thiên Sơn.
Người dân ven sông Hồng quen gọi là chùa Bồ Đề. Sở dĩ gọi là "Bồ Đề" vì xa xưa trong làng có hai cây bồ đề cao, nổi bật giữa những làng quê ven sông Hồng.
Thiền viện chính chùa Bồ Đề.
Sau này do bị chiến tranh tàn phá, mãi cho đến năm 1614 mới được trùng tu tôn tạo lại trên nền chùa cũ và chùa có công đức khắc in được hai quyển Pháp Hoa kinh để lưu hành.
Đến giữa thế kỷ thứ XVIII, di tích dinh Bồ Đề, chùa và vùng phụ cận lại tiếp tục bị chiến tranh hủy hoại.
Một góc chùa Bồ Đề.
Trải qua nhiều thế kỷ bị thiên tai, địch họa tàn phá, đến nay chùa Bồ Đề vẫn tồn tại. Năm 1971, chùa một lần nữa được trùng tu như kê kích lại toàn bộ thượng điện và xây dựng lại hậu cung phía sau, nâng cao nền chùa.
Năm 1986, chùa được trùng tu nhà Tổ, hậu liêu, nhà khách, nhà Tăng, nhà bếp cũng như khu vực nhà ở của hơn 50 cô nhi đang được nuôi dạy tại chùa. Năm 1999, chùa tiếp tục xây lầu bát giác và tôn trí tượng Bồ Tát Quan Thế Âm cao 3,2m.
2. Chùa Bồ Đề ngày nay
Mái chùa này từ khoảng hơn 20 năm nay đã trở thành mái ấm cho không biết bao nhiêu trẻ mồ côi từ mọi miền.
Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa cho biết về lý do nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi “xuất phát từ mùa hè năm 1989. Nếu mà nói xuất phát là từ cái tâm của mình thì Đàm Lan đã nuôi hy vọng từ ngày nhỏ rồi, đến khi đi xuất gia thì càng mơ càng nhiều hơn".
Chùa Bồ Đề hiện đang nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Trong đó, có rất nhiều trẻ sơ sinh.
Lúc đầu khi nhận nuôi các em nhỏ mồ côi, chùa Bồ Đề cũng nhận giúp huyện Gia Lâm lúc đó, nay là quận Long Biên, nuôi những trẻ khó khăn, trẻ tật nguyền do nhiễm chất độc màu da cam do huyện yêu cầu. Càng ngày tiếng của chùa Bồ Đề càng được nhiều người biết đến và ngày một nhiều người tìm đến chùa để nương tựa, không chỉ trẻ sơ sinh bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ, mà cả những người già cô đơn không nơi nương tựa.
Trong nhiều năm qua, chùa Bồ Đề luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực về mặt vật chất cũng như tinh thần của các tổ chức, các cá nhân hảo tâm nhằm bù đắp lại những bất hạnh của những đứa trẻ ở đây.
3. Cáo buộc về những chuyện mờ ám xung quanh việc nhận nuôi trẻ mồ côi của chùa Bồ Đề
Những năm gần đây, chùa Bồ Đề trở thành chủ đề được dư luận quan tâm khi liên tục xuất hiện những chuyện mờ ám xung quanh việc nhận nuôi trẻ mồ côi của chùa Bồ Đề.
1 năm trước, người ta đặt dấu hỏi: Liệu trẻ em mồ côi được nuôi ở chùa Bồ Đề có thực sự được chăm sóc tốt?
Độc giả Thu Phương chia sẻ trên Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh: "Thôi thì mục đích chính là tư lợi cá nhân cũng được nếu như làm cho cuộc sống của các bé không quá khổ sở. Ở đây tôi chưa muốn nói đến khía cạnh của người chủ nơi này, trước hết chỉ nói đến lương tâm của những người trông trẻ ở nơi đây. Nhìn những bé còn đỏ hỏn mới sinh, ghẻ lở đầy người nằm lăn lóc khóc vì đói, nghẹt mũi không thở được, trên đầu là cái quạt treo tường xối thẳng vào mặt các con, thuốc không nhỏ mũi, sốt không cho uống thuốc... Đừng nói rằng 1 mẹ trông quá nhiều con nên không chu đáo, vấn đề ở đây là tất cả các bé không nhận được bất cứ sự quan tâm nào (trừ những bé có mẹ chính là bảo mẫu ở đây), sống chết mặc bay, các "mẹ" chỉ lo nấu cơm, luộc gà sao cho ngon... Không hiểu lương tâm của họ ở đâu".
Liệu đây là thực hay chỉ là diễn?
Độc giả Lê Hồng Nhung kể: "Tôi là người cũng nhận một em bé ở chùa Bồ Đề về nuôi, trước khi được nhận nuôi cháu, tôi cũng đã có 1 một thời gian ngày nào cũng sang chăm sóc và chứng kiến nhiều sự thật không như mọi người vẫn nghĩ. Cần phải có những bài báo chỉ rõ những mặt trái của vấn đề như thế này, vì thực sự nhiều khi tôi bức xúc khi lòng tốt của con người không được đưa đến đúng chỗ, đúng là các cháu rất đáng thương, nhưng thực sự mọi người hãy cố nhìn và tìm hiểu, số tiền mọi người quyên góp rất nhiều và thực tế vào được tay các cháu là bao nhiêu. Nhà chùa sửa lại nguy nga là thế, sao vẫn để chỗ ăn, ở của các cháu lụp xụp như vậy?"
Gần đây, báo Phụ nữ còn cáo buộc một sự việc: Chùa Bồ Đề là "Kênh" trung gian mua bán con nuôi. Hàng trăm đứa trẻ được nhà chùa nhận nuôi mà không có giấy khai sinh, dần dần biến mất khiến dư luận dấy lên nghi án rằng: Lẽ nào nơi cửa Phật trở thành chốn buôn bán người?
Vụ việc hiện nay vẫn đang được các nhà báo, phóng viên tiếp tục điều tra và tìm hiểu.
Phương Thảo (tổng hợp)