Thứ tư, 17/04/2024 06:33
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Phát triển kinh tế báo chí là một trong những "bài toán" mà bất kỳ một cơ quan báo chí nào cũng xoay xở tìm lời giải để tồn tại và phát triển. Nhà báo Lê Quốc Minh cũng cho rằng, muốn phát triển bền vững, báo chí cần đa dạng hóa nguồn thu và giảm sự lệ thuộc vào quảng cáo.

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2022), Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về vấn đề kinh tế báo chí.

- Thưa nhà báo Lê Quốc Minh, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nội dung thì kinh tế báo chí là điều mà bất kỳ tòa soạn nào cũng quan tâm. Vậy đâu là giải pháp căn cơ giúp báo chí phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Hàng trăm năm qua, nguồn thu của báo chí thế giới chủ yếu dựa vào quảng cáo. Tuy nhiên, cách làm truyền thống này đã trở nên bất cập. Ngày xưa số lượng báo in phát hành càng lớn sẽ càng có cơ hội bán giá cao, nhiều trang quảng cáo còn báo in hiện nay ngày càng thu hẹp, giảm số lượng người tiếp cận, giảm số lượng phát hành. Trong khi đó nguồn thu quảng cáo từ báo điện tử có tăng nhưng không bù đắp được phần mất đi do quảng cáo trên báo in.

Hai năm gần đây, nguồn thu từ quảng cáo trên digital đi ngang. Tổng chi phí quảng cáo trên thế giới tăng lên, nhưng phần chi cho báo chí mức tăng khá thấp. Một số cơ quan báo chí do gắn quảng cáo tự động nên không phụ thuộc khiến tổng doanh thu quảng cáo trên điện tử không đạt được như ý muốn.

Nghiên cứu báo chí trên thế giới chỉ ra có 13 – 15 cách kinh doanh khác nhau. Quảng cáo của cơ quan báo chí thế giới trước đây chiếm 90% nhưng hiện nay rất nhiều tờ đã giảm xuống 60 - 70%, một số dưới 50%. Điều này có nghĩa họ đã tạo ra một số nguồn thu khác vượt qua nguồn thu từ quảng cáo.

Trong số cách thức đó thì nguồn thu từ độc giả sẽ tạo ra sự phát triển bền vững nhất bởi kinh tế lên thì quảng cáo nhiều, kinh tế giảm thì quảng cáo thấp. Thời điểm dịch bệnh, thời kỳ khủng hoảng khiến doanh nghiệp khó khăn nên chi ít khiến quảng cáo sụt giảm, mức thu bấp bênh. Chưa kể thị trường báo in, phát thanh truyền hình đang biến động thay đổi.

Chúng ta phải thay đổi mô hình kinh doanh, nguồn thu từ độc giả, thu phí độc giả chỉ là một trong số đó. Ngày nay nhiều cơ quan báo chí chính thống lớn trên thế giới đã áp dụng thu phí độc giả nhưng không phải ai cũng thành công như New York Times với gần 10 triệu độc giả trả phí.

Đa phần cơ quan báo chí khác khá hơn thì được vài trăm nghìn hoặc mấy chục nghìn nhưng họ có nhiều cách thu khác nữa như mô hình membership - biến độc giả thành viên để được hưởng lợi ích nhất định khi đến với tờ báo; mô hình thương mại điện tử để bán hàng kết hợp những nhãn hàng lớn, cấp phép một số thương hiệu thời trang, nhà ở, cùng chia sẻ lợi nhuận...

Có những cơ quan báo chí rất mạnh công nghệ nên kinh doanh luôn dịch vụ công nghệ của họ như Washington Post tạo ra phần mềm để quản trị nội dung rồi bán cho 400 tòa soạn. Các tờ báo nắm giữ được dữ liệu người dùng nên kinh doanh luôn dữ liệu đấy giống như các công ty dịch vụ Facebook...

Tổ chức sự kiện cũng là hình thức phổ biến. Nhiều cơ quan báo chí hiện nay nguồn thu từ tổ chức sự kiện có thể đến 15 – 20% doanh số. Một số cơ quan báo chí tại Việt Nam tổ chức sự kiện khá tốt nhưng chưa trở thành sự kiện quan trọng để tạo nguồn thu.

Trong khi đó tại Việt Nam, nguồn thu đa phần vẫn dựa vào quảng cáo. Nhiều cơ quan báo chí hiện nay hoạt động giống như công ty PR, công ty truyền thông.

Vậy tại sao mình không tự làm, bỏ qua cầu nối của cơ quan truyền thông. Họ lập ra các đơn vị, chi nhánh chuyên sản xuất nội dung thay vì doanh nghiệp viết những bài PR truyền thống. Do đó, các cơ quan báo chí cần phải đa dạng hóa nguồn thu, không nên quá phụ thuộc quảng cáo. Mỗi tòa soạn từ nhu cầu tự thân cần phải đi tìm cách thức phát triển sao cho phù hợp, tìm giải pháp đề kiếm thêm nhiều nguồn thu mới có thể phát triển bền vững.

346223515e399d67c428

- Ở Việt Nam, nguồn thu lớn nhất của nhiều tờ báo đến từ đăng quảng cáo nhưng đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng mạng xã hội. Vậy báo chí cần làm gì để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình so với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube, thưa ông?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Thực tế rất khó cạnh tranh về mặt quảng cáo với mạng xã hội vì báo chí có số lượng người dùng không đủ lớn. Mạng xã hội không chỉ có nhiều người dùng mà còn nắm bắt được dữ liệu người dùng, dùng thuật toán nhắm trúng đích người dùng hơn báo chí.

Mạng xã hội cài lên code trên trang chúng ta và kiểm soát được lượng người truy cập ít hay nhiều, trong khi đó chúng ta không thể kiểm soát được người dùng. Đó là lí do tại sao nguồn thu trên điện tử có thể khá nhưng còn quá bé so với nguồn thu mất đi.

6e9841c9f3a130ff69b0

- Thưa nhà báo Lê Quốc Minh, có ý kiến cho rằng mỗi tòa soạn nếu đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, cải thiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm báo trong thực hiện chuyển đổi số, làm chủ công nghệ sẽ góp phần tăng sức mạnh, vai trò của báo chí với mạng xã hội, các nền tảng khác. Ông đánh giá sao về quan điểm này?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Logic không sai nhưng thực tế nó khác. Mặc dù chúng ta đầu tư vào sản phẩm chất lượng cao, con người, máy móc hiện đại nhưng sự cạnh tranh với các "ông lớn" công nghệ nằm ngoài tiên liệu.

Ví dụ chúng ta sản xuất bài hay nhưng người đọc không truy cập trực tiếp mà 80% lượng độc giả truy cập bài đó qua mạng xã hội. Không có gì chắc chắn chúng ta có nhiều hơn số người đọc, duy trì lượng người dùng trung thành thậm chí biến những người này thành người nuôi chúng ta bằng cách trả phí đọc báo điện tử.

Về logic vẫn phải tăng chất lượng, đào tạo đội ngũ, chuyển đổi số nhưng phải làm tất cả một cách đồng bộ, chiến lược lâu dài, bền vững về mặt sản xuất nội dung, đầu tư công nghệ, sáng tạo đi kèm với bảo vệ bản quyền, nâng cao nhận thức người dùng, chống tin giả, hoạch định khung pháp lý với các "ông lớn" công nghệ…

- Hiện nay, tại Việt Nam đã có một số cơ quan báo chí thực hiện thu phí đối với những bài viết hay, chất lượng hoặc thu phí theo từng gói cước. Liệu đây có phải là xu hướng trong tương lai không, thưa ông?

1c1f88a2decd1d9344dc

Chủ tịch Hội nhà báo Lê Quốc Minh trao đổi với phóng viên Gia đình Việt Nam

Nhà báo Lê Quốc Minh: Việc thu phí ít nhiều sẽ tạo ra nguồn thu bởi báo chí chất lượng cao trả phí để đọc là bình thường, điều này góp phần nâng cao ý thức người dùng trên thế giới.

Các cơ quan báo chí trên thế giới đã áp dụng thu phí hơn 10 năm và rút ra rất nhiều bài học. Có những đơn vị dựng tường thu phí, hạ xuống rồi lại dựng lên. Đa số cơ quan báo chí lớn hiện nay trên thế giới đều thu phí nhưng sẽ áp dụng biện pháp thu phí khác nhau: thu phí cứng, được đọc một số bài, nửa bài miễn phí, nửa bài thu và mỗi cơ quan áp dụng mức phí khác nhau.

Tại Việt Nam hiện có một số cơ quan báo chí áp dụng thu phí người đọc nhưng phải xác định đây chỉ là những bước đi đầu tiên bởi ý thức người dùng Việt Nam trong việc trả tiền để đọc nội dung rất thấp. Ngoài ra, nội dung trên báo chí thu phí chưa phải nội dung độc quyền. Bên cạnh đó, câu chuyện thu phí tại Việt Nam hiện nay đang bị trở ngại về mặt nhận thức. Nếu thanh toán qua nhà mạng, tỷ lệ phần chia cho báo chí rất thấp. Mới đây đã thử nghiệm Mobile Money nhưng nhiều người chưa hiểu được cách thức sử dụng, kể cả cơ quan báo chí.

Tôi cho rằng thử nghiệm có thể thành công hoặc không thành công nhưng cần thử nghiệm vì các sản phẩm có chất lượng nên bỏ tiền ra mua. Tại sao chúng ta có thể bỏ 5 - 10 nghìn đồng để mua một tờ báo in mà không thể bỏ ra một số tiền nhất định để đọc báo điện tử? Chưa kể câu chuyện tin giả tràn lan, người dùng cần dần dần chấp nhận nếu muốn đọc tin thật, thông tin có ích cho họ thì phải bỏ tiền là chuyện đương nhiên.

Hiện nay, có quan điểm không nhất thiết phải đưa thông tin đến quá nhiều người. Có thể trăm nghìn người cũng được, mười nghìn người cũng được nhưng nếu đó là những người trung thành họ sẽ nuôi sống chúng ta, tin tức mang tính phổ cập có thể cung cấp miễn phí, nhưng nội dung chất lượng cao không cần cố chạy theo nhiều người xem, chỉ cần những người thực sự cần nó.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hải Nam – Thùy Linh (Thực hiện)  
Người cao và người thấp, ai sống thọ hơn?
Cây sợ 3 lần rung, phụ nữ sợ 3 lần tán tỉnh
Thiêng liêng khoảnh khắc con gái chào đời
Nước lọc sử dụng được trong bao lâu?
Thói quen khi tắm khiến phụ nữ mắc bệnh phụ khoa
Vì sao ngày càng nhiều bà nội không muốn chăm cháu?
Quyết sang trời Tây học tập, nữ tiến sĩ hối hận khi ngày trở về không thể sinh con
Sốc phản vệ nhập viện sau khi ăn thịt chim bồ câu
Cụ bà 74 tuổi có 2 bàng quang
Chú rể nhập viện cấp cứu ngay trong ngày cưới
Bắt quả tang con trộm tiền
Xem thêm