Cây nêu ngày Tết: Tục xưa được dựng lại tại Thị trấn Đồng Lộc - Hà Tĩnh
Cây nêu ngày Tết từng là văn hóa tết tại thị trấn Đồng Lộc. Tuy nhiên, do những hoàn cảnh khác nhau tục dựng nêu đã mất dần và mới thực sự trở lại trong vài năm qua.
Tục dựng cây nêu ngày Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta từ ngàn đời xưa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tương truyền, dựng cây nêu ngày Tết là để tỏ lòng biết ơn ông bà tổ tiên, cầu mong một năm mới may mắn, làm ăn phát đạt, gia đình yên ấm, hạnh phúc, vừa mang ý nghĩa đuổi trừ tà ma, quỷ dữ....
Cây nêu được người dân thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) dựng từ sớm để đón Tết
Trải qua thăng trầm của lịch sử, tục dựng cây nêu dần bị mai một. Với quyết tâm phục dựng lại tục xưa của cha ông để lại, những năm qua, vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về người dân thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại cùng nhau dựng những cây nêu tại khu vực trung tâm thị trấn, tại nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng các thôn xóm và tại nhà riêng của mỗi gia đình.
Lãnh đạo UBND thị trấn Đồng Lộc cho biết, tục dựng cây nêu ở địa phương xuất hiện trở lại khoảng 4 năm nay và được coi là nét đẹp văn hóa, điểm sáng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Cây nêu tạo thêm không khí xuân tại địa phương
"Là vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, trên địa bàn UBND thị trấn lại diễn ra nhiều hoạt động văn hóa độc đáo thể hiện bản sắc của nhân dân. Tục dựng cây nêu ngày Tết được phục dựng đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân nơi đây", ông Nguyễn Bá Tặng, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lộc chia sẻ.
Có mặt tại UBND thị trấn Đồng Lộc vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, ở khắp các thôn, xóm đâu đâu cũng thấy cờ hoa, đèn điện trang trí rực rỡ sắc màu. Ngoài việc tất bật trang trí nhà cửa, trồng chậu quất cảnh, cắm lọ hoa đào, các gia đình đều tranh thủ chuẩn bị nguyên phụ liệu, cùng giúp nhau dựng cây nêu đón Tết.
Cây nêu được người dân thị trấn Đồng Lộc chuẩn bị từ sau 23 tháng Chạp – ngày ông Công, ông Táo lên trời và được dựng ở dọc các đường làng, ngõ xóm, tại nơi sinh hoạt cộng đồng như sân đình, chùa... để nhân dân vui Tết, đón Xuân.
Các hộ gia đình, tùy điều kiện, hoàn cảnh mà dựng cây nêu cho phù hợp nhưng không quá cầu kỳ và đảm bảo an toàn cháy nổ.
Cây nêu thường cao từ 7- 10m, được làm từ một cây tre già còn nguyên ngọn, gốc rễ. Phần ngọn cây nêu được treo một chiếc đèn lồng, đèn nháy... và một số thứ khác. Phần chân nêu được chôn chặt trong nền đất.
Ngọn nêu vươn ra phía đường cái tạo thành hình cong parabol hay như chiếc cổng vòm hoặc cao vút, dái tít với đủ các họa tiết trang trí từ đèn nhấp nháy, đèn lồng, dải lụa...
Mỗi gia đình đều trang trí cây nêu đón Tết với mong muốn năm mới bình an, may mắn
Việc phục dựng cây nêu ngày Tết với những sáng tạo và đồng nhất về kích thước, kiểu dáng, địa điểm đã tạo nên nét độc đáo riêng.
Vào buổi tối, với khoảng 1000 hộ dân dựng cây nêu dọc hai bên đường Quốc lộ 15A thuộc các tổ dân phố Thượng Liên, Trung Thành, Tùng Liên, Tân Hương... đã tạo thành hai hàng cong vút, sâu hun hút, lung linh ánh đèn đủ sắc màu tạo ấn tượng trong lòng người dân bản địa và du khách thập phương khi qua đây.