“Càng nhiều cạnh tranh, báo chí càng phải đổi mới để phát triển tốt hơn”
Cuộc cạnh tranh thông tin giữa báo chí chính thống với mạng xã hội đang ngày càng gay gắt. Điều này đòi hỏi báo chí phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa theo hướng hiện đại.
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) về vấn đề này.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trao đổi về nghề báo tại diễn đàn "báo chí, nhìn lại & đi tới" .
Ảnh: Giadinhvietnam.com
Thưa ông, lời đầu tiên xin phép ông cho biết, cơ duyên đã đưa ông tới nghề báo?
Cuối năm 1981, tôi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ở thời điểm đó, tìm việc làm ở một cơ quan nghiên cứu hay giảng dạy trên địa bàn Hà Nội là không khó. Hơn nữa, tôi tốt nghiệp đại học loại giỏi.
Tuy nhiên, tôi quyết định xin về quê, vì tôi là con duy nhất (độc nhất). Rất thanh thản khoác ba lô rỗng, xộc xệch, tóc dài một chút, quần ống loe một chút về quê. Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Vinh (Nghệ An) vui lòng hoàn tất nhanh chóng các thủ tục tiếp nhận tôi.
Trong mấy ngày nghỉ chờ được làm “anh giáo”, tôi đi thăm một số bạn bè và người thân ở Vinh. Như là một định mệnh (hay nhân duyên), tôi đến Đài Truyền hình Vinh, thuộc Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam (do ông Trần Lâm làm Chủ nhiệm).
Ngay khi vừa gặp tôi, ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Đài đã quan tâm, hỏi han, trò chuyện. Ông Nguyên là bạn công tác với cha tôi. Dáng dấp, phong cách, khuôn mặt, bộ tóc dài… rất nghệ sỹ.
Ông Nguyên chủ động đặt vấn đề: “Này chàng trai, cậu về Đài tớ đi. Ta đang cần người, cậu học Ngữ Văn, mà nhìn cậu lại rất nghệ sỹ, hợp với nghề truyền hình của tớ”.
Tôi hơi bất ngờ, đáp lại: “Cháu cảm ơn bác rất nhiều ạ, nhưng cháu đã về công tác tại Đại học Vinh. Mấy hôm nữa là tập tọe lên bục giảng”. Ông Nguyên dấn tiếp: “Có gì đâu, cậu nạp bộ hồ sơ khác cho tôi. Nạp xong, vào làm việc ngay. Được chưa?”. Thế đấy, tôi vào nghề báo rất tình cờ, khá thú vị...
Được biết sau nhiều năm công tác, giữ nhiều cương vị quản lý báo chí (và cả xuất bản, văn hóa, văn nghệ…), ông đã đặt ra “Bài toán 5 từ khóa” là những vấn đề mà các cơ quan báo chí đang nỗ lực từng ngày để thực hiện. Theo ông, vấn đề nào trong 5 từ khóa là quan trọng nhất, thưa ông?
Có thể nói, đã là lãnh đạo cơ quan báo chí thì ai cũng có nhiều lo lắng về con đường đi lên của báo chí nói chung, báo của mình nói riêng. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính vì lẽ đó, tôi đưa ra “5 từ khóa” ấy là để góp tiếng nói, đề xuất hướng đi và giải pháp cho cơ quan mình và có thể cho các đồng nghiệp khác tham khảo.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, câu chuyện ưu tiên hàng đầu luôn phải là nội dung. Người ta bảo nội dung là trái tim của báo chí, “nội dung là vua”, cho dù đó là loại hình nào: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, kể cả mạng xã hội.
Nhưng có điều đi song song, quan hệ hữu cơ, là muốn có nội dung tốt thì phải có cái thứ hai, nói thứ hai cũng không đúng, có lẽ là cái quan trọng nhất, đó là con người, là tổ chức bộ máy và cung cách quản lý, quản trị của cơ quan báo chí. Có cái thứ nhất, thứ hai tốt rồi thì sẽ có cái thứ 3 là kỹ thuật và công nghệ. Và cái thứ 4, là nền tài chính mạnh. Thứ 5 là công chúng.
Dù sắp xếp thứ tự ưu tiên như thế nào thì 5 vấn đề nêu trên luôn đan xen, bổ trợ, tác động lẫn nhau tạo nên hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển cơ quan báo chí. Thiếu hụt bất cứ yếu tố nào đều gây nên sự bất cập, như mất đi một hay vài ba mắt xích của bộ máy, làm sao bộ máy chạy đều, chạy nhanh được.
Nhưng thực tế hiện nay, báo chí không còn là “kênh” duy nhất trong phương thức tiếp cận thông tin của công chúng nữa, thưa ông?
Quả đúng là vậy, mạng xã hội vừa giành giật và chiếm lĩnh thông tin, vừa giành giật và chiếm lĩnh khán, thính giả, độc giả. Trước đây, đất nước có mấy chục nhà báo, viết bài nào là công chúng đọc ngay bài đó, thậm chí, cắt ra, chuyền tay nhau đọc. Bây giờ, mạng xã hội cũng tranh giành công chúng, chia sẻ quảng cáo. Dường như, quyền lực trong giao tiếp, trong trao đổi thông tin ngày càng thuộc về công chúng, chứ không phải của cơ quan báo chí.
Trước đây, chỉ có cơ quan báo chí đưa ra nguồn tin thì giờ công chúng cũng có thể gửi tin, bài, ảnh, băng hình cho cơ quan báo chí; đưa nguồn tin lên mạng xã hội. Nhiều blog, trang web, trang facebook có lượng người đọc bằng hoặc thậm chí nhiều hơn một tờ báo chính thống. Nếu thông tin trên đó chính xác, bổ ích thì tác động tích cực, bổ ích; nếu sai thì dẫn đến tác động tiêu cực đến xã hội.
Trong bối cảnh khó khăn chung, cạnh tranh lớn, đã và đang có một số tờ báo không còn giữ được những chức năng, mục đích căn bản vốn có của báo chí. Theo ông, người lãnh đạo cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay cần làm gì?
Đó là điều đáng bàn dù chưa phải quá nhiều những cơ quan báo chí và nhà báo bị rơi ra ngoài quỹ đạo của nghề nghiệp, của sự nghiệp báo chí. Với người lãnh đạo cơ quan báo chí luôn đặt ra cho mình câu hỏi: Anh có lợi ích cho xã hội không? Công chúng có cần anh không? Các cơ quan báo chí và các nhà báo cũng không nên kêu khó thế này, khó thế kia. Mình cần thiết, mình tốt và hữu ích thì mình sẽ tồn tại và phải tìm cách tồn tại đàng hoàng.
Ngoài ra, trong cơ quan báo chí, nhiều hay ít người thì lãnh đạo cũng phải là người giữ được “nhịp”, tạo được cảm xúc, cảm hứng cho các thành viên của cơ quan báo chí đó. Muốn như vậy, lãnh đạo phải là người gương mẫu, hội đủ các phẩm chất, năng lực như trình độ, bản lĩnh, cung cách lãnh đạo, quản lý, quản trị và đạo đức nghề nghiệp.
Nghề báo đòi hỏi người đứng đầu cơ quan báo chí phải là những nhà báo khá, giỏi, thạo nghề, yêu nghề. Dĩ nhiên, không phải đơn vị báo chí nào cũng có được những người như thế, nhưng đó là yêu cầu nghiêm ngặt của nghề nghiệp. Cơ quan báo chí làm ra sản phẩm văn hóa, tinh thần cho xã hội. Đó không phải sản phẩm hàng hóa bình thường, càng không được phép là sản phẩm tầm thường mà phải là “hàng hóa đặc biệt”, mang chức năng thông tin, tuyên truyền, định hướng, thẩm mỹ, nhân văn…
Bên cạnh đó, trong những vấn đề khó như đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực thì người lãnh đạo phải là người có tài năng, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp. Thời nào, chúng ta cũng luôn có nhân dân che chở, phải nỗ lực làm tốt thiên chức của mình vì nhân dân.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò truyện bổ ích và thú vị này.
-> Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nêu 5 vấn đề báo chí ngày nay phải đối mặt
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trước khi được điều động giữ chức vụ Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 2016, ông từng giữ các chức vụ Phó Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Nghệ An; Tổng biên tập Báo Nghệ An; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.