"Cải thiện vấn đề của gia đình hiện đại không gì khác ngoài giáo dục"
Tiến sĩ Tâm lý học Quách Thu Quế cho rằng, để cải thiện những vấn đề của các gia đình hiện đại, không gì khác ngoài giáo dục.
Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị nhân văn được giữ gìn và phát huy, gia đình Việt cũng đang đối mặt với những vấn đề biến đổi giá trị.
Tiến sĩ Tâm lý học Quách Thu Quế, công tác tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, những vấn đề mà các gia đình hiện đại phải đối mặt hiện nay khá nhiều, trong đó nổi lên một số vấn đề mà ai cũng có thể nhìn thấy như nề nếp gia phong bị phá vỡ, công nghệ lấn chiếm, áp lực về kinh tế, bệnh tật.
Ngoài ra, cũng cần phải kể đến sự thay đổi quan niệm sống, sự tự do hôn nhân và chủ nghĩa cá nhân được đề cao sẽ dẫn đến sự thay đổi giá trị về gia đình và hôn nhân. Ngày nay, mọi người được quyền lựa chọn sống trong hôn nhân hoặc ngoài hôn nhân, sống độc thân hay sống với bạn tình, có kết hôn hay không kết hôn là do cá nhân lựa chọn. Đây chính là những điều khác biệt so với gia đình truyền thống trước kia.
Theo Tiến sĩ Quách Thu Quế, trước đây, gia đình truyền thống ảnh hưởng bởi nho giáo phong kiến, người phụ nữ được cha mẹ cưới gả và nhất nhất nghe theo cha mẹ, đến khi lấy chồng lại phải theo chồng. Gia đình hiện đại tự do hôn nhân, dân chủ trong việc lựa chọn bạn đời. Lấy nhau và kết hôn dựa trên cơ sở của tình yêu đôi lứa, do 2 người lựa chọn dựa trên sự hoà hợp rồi tiến tới hôn nhân.
Tự do dân chủ có nhiều ưu điểm và giải phóng được tự do cho người phụ nữ, họ có quyền lựa chọn yêu hay không yêu, lấy hay không lấy và không ai ép buộc được. Đó là sự văn minh hiện đại, tôn trọng quyền con người, tôn trọng phụ nữ. Họ được trao quyền nhiều hơn, được tham gia và quyết định nhiều hơn từ cuộc sống hôn nhân cho đến những vấn đề khác của xã hội.
Song cũng chính bởi sự tự do đó sẽ dẫn đến những hệ luỵ gia đình truyền thống bị phá bỏ, hôn nhân không bền vững, nhiều cặp vợ chồng chỉ vì xích mích nhỏ mà sẵn sàng ly hôn.
“Tất nhiên mặt tốt của tự do dân chủ là giải phóng và tôn trọng quyền của người phụ nữ. Nếu hôn nhân không hoà hợp dẫn đến xung đột gay gắt thậm chí không thể nhìn mặt nhau hay bạo lực gia đình thì ly hôn lại chính là giải pháp bảo vệ người phụ nữ trong gia đình hiện đại” – Tiến sĩ Thu Quế nói.
Tuy nhiên, gia đình truyền thống hay hiện đại đều có những mặt tốt và những điều cần phải khắc phục. Chúng ta cần gìn giữ những giá trị cốt lõi tốt đẹp của gia đình truyền thống, vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, nề nếp gia phong và sống có nguyên tắc theo văn hoá truyền thống của từng gia đình dòng họ. Kính già yêu trẻ, có trách nhiệm với nhau yêu thương gắn bó dù có khó khăn cũng không rời.
Bạo lực gia đình cũng là vấn đề không nhỏ trực tiếp ảnh hưởng đến hôn nhân bền vững hay không. Bạo lực thể chất có thể dễ dàng nhận diện ra, bạo lực về tinh thần, bạo lực tình dục hay bạo lực về kinh tế... là những vấn đề khó nhận diện nếu nạn nhân không lên tiếng.
Tại Mỹ, cứ 4 phụ nữ thì có một người bị bạo lực về thể chất. Con số này ở nam giới là 1 trên 9 người. Ở Việt Nam, trong năm 2019, cứ 3 phụ nữ từng kết hôn thì một người bị bạo hành về thể xác hoặc tình dục, theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh đó, sự quan tâm của cộng đồng tới phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn chưa đầy đủ. Cộng đồng và các gia đình vẫn coi bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư trong mỗi gia đình và người ngoài không nên can thiệp. Chính vì vậy, phản ứng của cộng đồng đối với các hành vi bạo lực gia đình còn thờ ơ, chưa mạnh mẽ.
Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình còn chưa kịp thời, nghiêm minh, vì thế bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra mà không thể bị ngăn chặn. Gần đây nhất khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay tiếp tục kéo theo hàng triệu người mất việc làm, cuộc sống mưu sinh càng thêm khó khăn ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều gia đình khiến hạnh phúc bị “lung lay”. Đáng kể nhất là theo thống kê trong đợt dịch lần này, tỷ lệ bạo lực gia đình tăng gấp 3 lần bình thường.
Như vậy, có thể hiểu bạo lực gia đình trước hết phải là hành vi “cố ý của thành viên gia đình và hành vi này phải gây tổn hại đến thể chất, tinh thần hoặc kinh tế của các thành viên khác trong gia đình”. Không phải chỉ do nguyên nhân khách quan hay hoàn cảnh, do thiếu tình người mà đây là một vấn nạn đáng lên án trong xã hội hiện đại ngày nay.
Tiến sĩ Tâm lý học Quách Thu Quế cho rằng, để cải thiện những vấn đề của các gia đình hiện đại, không gì khác ngoài giáo dục.
Giáo dục bằng các hình thức vận động tuyên truyền trên truyền thông đại chúng, trong các giờ học, trong gia đình.
Cùng với đó, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức cho mọi người dân. Dạy các lớp tiền hôn nhân, dạy kỹ năng chung sống hoà hợp với người bạn đời, kỹ năng giải quyết vấn đề khi xung đột, kỹ năng kiềm soát cơn giận hay kỹ năng kiểm soát cảm xúc,...