Bí ẩn di cốt hòa thượng nhiều năm không phân hủy
Dù đã trải qua gần 30 năm, di cốt của hòa thượng Minh Hạ Đức ở chùa Long Bửu (Quảng Ngãi) vẫn còn nguyên vẹn.
Đại đức Thích Hạnh Khương, trụ trì chùa Long Bửu (Xuân Vinh, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), khẳng định chuyện di cốt đại lão hòa thượng Minh Hạ Đức không tan rã như thông thường là có thật.
Điều kỳ lạ này được phát hiện tại buổi cải táng ngày 8/12/2010.
Toàn bộ môn đồ pháp quyến cùng Phật tử địa phương ai nấy đều kinh ngạc khi nhận thấy di hài của ngài vẫn nguyên vẹn sau 27 năm chôn cất dù không hề sử dụng bất kỳ phương pháp ướp xác nào.
Lạ hơn nữa, trong khi quan tài bằng gỗ đã tan biến vào đất, bộ cà sa cùng y phục đại lão hòa thượng mặc khi viên tịch cũng không hề phân hủy.
'Toàn bộ di cốt của Đại lão Hòa thượng tỏa ra một màu vàng của y phục. Ngay cả phần xương sọ cũng một màu vàng kỳ lạ', trụ trì chùa Long Bửu chia sẻ.
Đại đức Thích Hạnh Khương đã phải thông báo tạm dừng thăm viếng và lập hàng rào để người dân không kéo đến quá đông, làm mất sự tôn nghiêm tại chùa.
Nhiều chư tăng tin rằng, đây là minh chứng có thật về sự nghiêm trì giới luật, niệm Phật vãng sanh và chỉ có thiền sư cấp cao mới đạt được trạng thái đặc biệt này.
Đại đức Thích Hạnh Khương cho biết, đại lão hòa thượng Minh Hạ Đức xuất gia tu học tại chùa Sắc Tứ Phước Quang (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) từ năm 17 tuổi.
Sau nhiều năm khổ luyện, năm 1957, ngài được bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Phước (Đà Lạt) và đến năm 1984, dường như có linh cảm về việc ra đi, ngài quyết định quay về tổ đình Long Bửu.
Đến ngày 8/2/1985, đại lão hòa thượng buông hơi thở cuối cùng. Môn đồ xây tháp để an trí nhục thân ngài tại khuôn viên tổ đình Long Bửu.
Do hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, ngôi tháp mộ được xây dựng khá đơn sơ.
Chính vì thế, năm 2010, các Phật tử mới quyết định chuyển di cốt ngài sang tháp mới và phát hiện ra điều lạ.
Sau sự việc trên, nhà chùa đã đặt di hài của vị thiền sư vào chiếc quan tài đá có lồng kính đặt trong căn phòng đặc biệt dưới chân ngọn bảo tháp cao nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi.
Cho đến nay vẫn chưa có một lập luận nào đủ sức thuyết phục để lý giải hiện tượng bất hoại của vị thiền sư này.